Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Chuyên gia Mỹ tin rằng thế giới đã đủ công cụ để thắng dịch Covid-19

Sau 18 tháng đối phó đại dịch, thế giới đã có đủ công cụ cần thiết để chấm dứt Covid-19, một chuyên gia người Mỹ nhận định. Vấn đề lúc này là áp dụng chúng.

Covid-19 anh 1

Tính đến nay, Mỹ đã trải qua 4 làn sóng lây nhiễm Covid-19 và đang phải đối mặt làn sóng thứ 5. Trong mỗi giai đoạn, quốc gia này đều phải trả giá đắt vì không thể làm hết khả năng, chuyên gia bệnh truyền nhiễm William Haseltine nhận định trong bài bình luận đăng ngày 3/8 trên Channel NewsAsia.

William Haseltine là một nhà khoa học người Mỹ, chuyên gia bệnh truyền nhiễm, và doanh nhân trong lĩnh vực công nghệ sinh học. Ông còn là chủ tịch và giám đốc của viện chính sách y tế toàn cầu ACCESS Health International.

Trong làn sóng thứ nhất, lệnh phong tỏa và các biện pháp giới hạn khác còn tồn tại nhiều khe hở. Theo thời gian, nhiều phương thuốc điều trị chưa được kiểm chứng bắt đầu xuất hiện.

Sau một thời gian suy giảm đáng kể với chương trình tiêm chủng, số ca mắc mới tiếp tục bị đẩy lên khi biến chủng Delta càn quét qua các khu vực chưa được chích ngừa Covid-19. Ở mỗi giai đoạn, virus SARS-CoV-2 luôn bị đánh giá thấp, theo ông Haseltine.

Trước đặc tính thích ứng và lây lan qua đột biến ngẫu nhiên, ông Haseltine cho rằng chỉ có một lựa chọn khả thi nếu muốn khống chế bệnh dịch về lâu dài: Một chiến lược kết hợp vaccine và thuốc kháng virus với những biện pháp y tế công cộng mạnh mẽ, cùng sự hợp tác toàn cầu ở mức độ sâu sắc hơn.

Covid-19 anh 2

William Haseltine là chuyên gia bệnh truyền nhiễm người Mỹ. Ảnh: American Medical Women's Association.

Vaccine - tuyến phòng ngự đầu tiên

Vaccine là tuyến phòng ngự đầu tiên trước Covid-19. Thế hệ vaccine đầu tiên tại Mỹ đã có hiệu quả rất cao, và các thế hệ vaccine tiếp theo sẽ còn có hiệu quả cao hơn.

Nhưng kể cả khi có vaccine để tiêm nhắc lại hay vaccine thế hệ mới chuyên ngừa biến chủng Covid-19, chỉ tiêm chủng không thôi sẽ khó có thể chấm dứt đại dịch.

Nguyên nhân là vaccine không có công hiệu với mọi người. Trong trường hợp tốt nhất, vaccine vẫn chỉ có hiệu quả bảo vệ khoảng 95% trước loại virus corona ban đầu. Trong khi đó, biến chủng Delta đã cho thấy khả năng dễ thích ứng hơn các chủng trước và có thể vượt qua hàng rào bảo vệ của vaccine.

Covid-19 anh 3

Chỉ tiêm chủng không thôi sẽ không đủ để chấm dứt đại dịch. Ảnh: Reuters.

Cho dù toàn bộ dân số Mỹ được tiêm chủng, 17,5 triệu người Mỹ vẫn có rủi ro bị lây nhiễm nếu tiếp xúc với virus, theo ông Haseltine.

Rất nhiều người có tình trạng bệnh làm giảm công hiệu của vaccine, bao gồm người được cấy ghép nội tạng, người dùng thuốc ức chế miễn dịch, bệnh nhân ung thư, và một phần người cao tuổi.

Ngoài ra, cũng như mức độ bảo vệ của vaccine cúm mùa hàng năm, dữ liệu ban đầu cho thấy phản ứng miễn dịch mà vaccine cung cấp trước Covid-19 có thể sẽ giảm dần theo thời gian.

Thuốc kháng và phòng virus để ngăn chặn lây nhiễm

Chúng ta sẽ cần thuốc kháng virus và thuốc phòng virus để lấp đầy khoảng trống của vaccine và xây dựng hàng phòng ngự thứ hai, ông Haseltine nhận định. Vừa qua, chính phủ Mỹ đã cam kết 3,2 tỷ USD để phát triển liệu pháp đặc trị Covid-19.

Trước mắt, những loại thuốc trên đang được nhìn nhận chủ yếu là liệu pháp điều trị. Nhưng tiềm năng thực tế của chúng nằm ở phương diện kiểm soát đại dịch vì thuốc phòng Covid-19 có thể ngăn chặn người đã nhiễm virus không bị ốm hoặc lây lan cho người khác.

Covid-19 anh 4

Molnupiravir là ứng viên thuốc đặc trị Covid-19 hứa hẹn. Ảnh: Shutterstock.

Đương nhiên, thuốc kháng ngừa virus thế hệ hiện tại chưa thể được sử dụng rộng rãi do có chi phí sản xuất cao và cần được truyền qua tĩnh mạch tại cơ sở y tế. Nhưng viễn cảnh ấy đã được chứng minh là khả thi.

Trong kịch bản lý tưởng nhất, thuốc kháng ngừa virus thế hệ sau sẽ xuất hiện dưới dạng viên uống, từ đó giúp chúng có thể được sử dụng tại những nơi rủi ro cao như cơ sở chăm sóc dài ngày. Đây là những nơi có nhiều người bị ức chế miễn dịch và có khả năng không thể dựa vào vaccine.

Cách tiếp cận tương tự cũng có thể được áp dụng đối với trường học, cơ sở kinh doanh, đội thể thao chuyên nghiệp, và thậm chí các con tàu ngoài khơi. Nếu một người xét nghiệm dương tính với Covid-19, những người xung quanh có thể uống thuốc để đẩy lùi lây nhiễm.

Các biện pháp y tế công cộng

Hàng phòng ngự tiếp theo là các biện pháp y tế công cộng nhằm kiềm chế sự lây lan của virus.

Những quốc gia như Australia, Trung Quốc, New Zealand, và Singapore đã có thể tận dụng hiệu quả các biện pháp chống dịch như xét nghiệm diện rộng, truy vết tường tận, cách ly bắt buộc, kiểm soát chặt biên giới, và cách ly người mới nhập cảnh.

Covid-19 anh 5

Đường phố Sydney, Australia trong thời gian phong tỏa chống dịch. Ảnh: AFP.

Đối với gần như mọi dịch bệnh truyền nhiễm trong lịch sử, những chiến thuật trên vẫn luôn là các biện pháp bảo vệ thiết yếu. Nhưng tại Mỹ và các quốc gia khác, xét nghiệm và truy vết đã chùn bước hoặc thậm chí chưa từng được áp dụng.

Trong bối cảnh ấy, các loại thuốc ngừa hoặc kháng virus mới có thể giúp chúng ta khắc phục một số thất bại nói trên. Thay vì “xét nghiệm, truy vết, và cách ly”, quy trình mới sẽ là “xét nghiệm, truy vết, và uống thuốc”. Lựa chọn sau rõ ràng hấp dẫn hơn rất nhiều, theo ông Haseltine.

Cộng đồng quốc tế phải hợp tác cùng nhau

Ba lớp bảo vệ đầu tiên nói trên đã tạo thành hàng phòng ngự xuất sắc. Nhưng bấy nhiêu thôi vẫn chưa đủ trừ khi chúng được áp dụng ở mọi nơi.

Để có lớp bảo vệ cuối cùng, cộng đồng quốc tế cần hợp tác cùng nhau để cải thiện hoạt động giám sát bệnh dịch và giúp mọi nơi đều có thể tiếp cận với xét nghiệm, phương thức điều trị, và vaccine.

Covid-19 anh 6

COVAX được thành lập để đảm bảo các nền kinh tế đang phát triển có thể tiếp cận vaccine ngừa Covid-19 miễn phí. Ảnh: UNICEF.

Ở phương diện này, chương trình Tăng tốc tiếp cận các công cụ ứng phó với Covid-19 (ACT-A) do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khởi xướng, cùng cơ chế chia sẻ vaccine COVAX là bước khởi đầu rất quan trọng. Nhưng quyền lực của các nên tảng này đã suy giảm do sự vị kỷ và chủ nghĩa dân tộc vaccine.

Nhưng vẫn còn có hy vọng cho tương lai vì nhiều quốc gia thu nhập cao lúc này đã dôi dư vaccine. Trên thế giới cũng đang có một số nỗ lực để tăng cường sản xuất vaccine trên quy mô địa phương ở những khu vực thiếu thốn.

Bên cạnh đó, cộng đồng quốc tế cần đầu tư vào các biện pháp giám sát dịch bệnh toàn cầu để phát hiện đợt bùng dịch mới, đặc biệt là những đợt dịch bắt nguồn từ các biến chủng siêu lây lan có thể phát tán nhanh và sâu.

Sau 18 tháng kể từ khi đại dịch bắt đầu, chúng ta đã có trong tay những công cụ để chấm dứt Covid-19. Điều chúng ta cần làm bây giờ là áp dụng những kiến thức và công cụ ấy, ông Haseltine viết.

Cùng nhau, bốn hàng phòng ngự - gồm vaccine, thuốc kháng virus, biện pháp y tế công cộng, và hợp tác quốc tế - có thể sẽ khiến Covid-19 không còn là căn bệnh đe dọa tính mạng, qua đó cho phép chúng ta hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn.

Liên Hợp Quốc đề nghị hỗ trợ phân phối vaccine Covid-19

Đại diện Liên Hợp Quốc cho biết tổ chức này quan ngại về số vaccine Covid-19 chưa được sử dụng và tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ các quốc gia tiêm chủng cho người dân nếu được đề nghị.

Đại dịch Covid-19 trỗi dậy khắp toàn cầu vì biến chủng Delta

Không chỉ tại châu Á, sự lan rộng của biến chủng Delta cũng đang làm chao đảo nỗ lực kiểm soát dịch bệnh và trở lại trạng thái bình thường của những nước có tỷ lệ tiêm chủng cao.

Quốc Đạt

Bạn có thể quan tâm