Thỉnh thoảng, giới bóng đá Việt lại xôn xao trước những thông tin một đội bóng ở Nhật Bản hay châu Âu đang ngắm cầu thủ nào đó ở V.League. Cụ thể, sau ASIAD 2018, nhiều nguồn tin nói tiền vệ Quang Hải đang nhận được sự quan tâm những CLB nước ngoài.
Quang Hải và những cầu thủ khác như Công Phượng, Phan Văn Đức, hay Đoàn Văn Hậu được đánh giá là đủ khả năng xuất ngoại. Trò chuyện với Zing.vn, nhà báo Scott McIntyre, từng viết cho Fox Sports Asia, hay cựu HLV tuyển U23 Thái Lan Steve Darby đều nhìn nhận điều này.
Xuân Trường là một trong số ít những cầu thủ Việt Nam giỏi ngoại ngữ. |
Nhưng trước khi tính đến chuyện ra nước ngoài thi đấu, ông Darby cho rằng cầu thủ Việt Nam cần ít nhất phải giỏi ngoại ngữ. Không thể giao tiếp được với những đồng đội ở môi trường mới sẽ làm tân binh bị cô lập, dẫn đến sốc văn hóa. Đó chưa kể họ sẽ khó tiếp thu được chỉ dẫn của HLV.
"Chưa nói đến tài năng, trình độ cầu thủ có đáp ứng được tiêu chuẩn của đội bóng đề ra hay không, cầu thủ khi xuất ngoại cần rành ngoại ngữ trước tiên. Khi làm việc ở Việt Nam, tôi nhận ra ngoại ngữ là rào cản lớn nhất khiến cầu thủ và HLV không có tiếng nói chung", ông Darby nói với Zing.vn.
Chiến lược gia xứ sương mù có kể lại bản thân gặp rất nhiều khó khăn trong lúc làm việc tại Việt Nam vì không nhiều cầu thủ có thể giao tiếp tiếng Anh. Lúc này, mọi hướng dẫn của HLV đều phải qua phiên dịch. Năm 2001, ông Darby từng dẫn dắt tuyển nữ Việt Nam giành huy chương vàng SEA Games.
Trong cuốn tự truyện Phút 89, cựu danh thủ Lê Công Vinh thổ lộ bản thân "hoàn toàn lẻ loi và cô độc" trong thời gian thi đấu tại Bồ Đào Nha cho CLB Leixoes. Tất cả chỉ vì rào cản ngôn ngữ. Công Vinh mô tả việc "mù" ngoại ngữ khiến anh như người câm trong đội bởi không nói chuyện được với ai.
Theo ông Steve Darby, cầu thủ Việt Nam nên mạnh dạn ra nước ngoài thi đấu. Ảnh: Getty Images. |
Từ bài học nhãn tiền ấy, dễ nhận ra vai trò của ngoại ngữ quan trọng thế nào với cầu thủ. Bóng đá không chỉ là kỹ thuật trên sân cỏ, mà còn có cả ngôn ngữ giao tiếp. Một cầu thủ cũng cần tạo ra sự hòa đồng với các đồng đội. Mà muốn làm điều đó, anh ta phải nói chuyện với họ.
Sau vấn đề ngoại ngữ, cầu thủ Việt Nam khi xuất ngoại cần học được cách trưởng thành và cư xử chững chạc. Họ nên chấp nhận thử thách, đưa ra quyết định táo bạo hơn để phát triển sự nghiệp. Dĩ nhiên, xuất ngoại là nước cờ mạo hiểm, nhưng cầu thủ cần điều đó nếu muốn sự nghiệp đi lên.
"Tôi nghĩ cầu thủ Việt Nam không nên chấp nhận là 'con cá lớn trong ao nhỏ'. Thậm chí với những ai từng xuất ngoại và thất bại, họ cũng không nên vội đầu hàng hay tỏ ra sợ hãi. Cú ngã sẽ làm bạn đau, nhưng giúp người ta có kinh nghiệm hơn", cựu HLV tuyển U23 Thái Lan chia sẻ với Zing.vn.
Quang Hải được tin rằng đang nhận được sự quan tâm của nhiều đội bóng nước ngoài. |
Sau cùng, ông Darby có đề cập đến khái niệm "người đại diện". Tại Việt Nam, không nhiều cầu thủ có người đại diện riêng. Còn trên thế giới, cụm từ này rất thông dụng. Một cầu thủ muốn thể hiện sự chuyên nghiệp cần tìm được người đại diện tốt. Tương lai của họ đôi khi được định đoạt bởi chính người đại diện.
Giải thích điều này, ông Darby cho rằng nhiều tay đại diện trên thế giới chỉ muốn dùng cầu thủ để trục lợi, thu về cho bản thân lợi nhuận qua những bản hợp đồng chuyển nhượng. Nếu thuê phải một người đại diện như vậy, cầu thủ là người thiệt thòi nhất.
"Kinh nghiệm của tôi là cầu thủ Việt Nam nên được tư vấn về luật pháp trước bất kỳ hợp đồng nào được cung cấp bởi người đại diện", ông thầy người Anh cho biết.