Các học giả tại Đại học Hong Kong hôm thứ 27/1 ước tính rằng cho tới hôm 25/1, số bệnh nhân viêm phổi vì virus corona ở Vũ Hán đã lên tới 43.590, bao gồm cả những người trong giai đoạn ủ bệnh. Trong khi đó, chính quyền Trung Quốc Đại lục đưa con số thấp hơn, khoảng 2.800 ca nhiễm bệnh, với số người chết là 81.
Hiện tại, Hong Kong xác nhận 8 trường hợp mắc bệnh, tương đương Thái Lan.
Giáo sư Gabriel Leung cảnh báo nguy cơ dịch viêm phổi lan rộng toàn cầu. Ảnh: AFP |
Số ca nhiễm có thể gấp đôi công bố
SCMP trích lời trưởng nhóm nghiên cứu và trưởng khoa Y thuộc Đại học Hong Kong, ông Gabriel Leung cho biết nhóm của ông ước tính có 25.630 bệnh nhân nhiễm virus 2019-nC0V tại Vũ Hán và con số này sẽ tăng gấp đôi sau 6,2 ngày, dựa theo mô hình toán học dựa trên số liệu ca nhiễm virus toàn cầu cho tới hôm 25/1.
Ông Leung hiện là thành viên ủy ban cố vấn về virus corona của bà Carrie Lam, Đặc khu trưởng Hong Kong.
Các quan chức Trung Quốc trước đó nói rằng không giống như hội chứng hô hấp cấp tính nghiêm trọng (SARS), loại virus corona mới có thể lây nhiễm giữa người và người trong thời kỳ ủ bệnh. Những người bị nhiễm virus này có thể không xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào, gây khó khăn cho việc chẩn đoán cũng như kiểm tra qua máy quét nhiệt.
Ông Leung cho biết nghiên cứu của nhóm ông cho thấy sự lây truyền từ người sang người đã xảy ra ở tất cả các thành phố lớn tại Trung Quốc, đồng thời cảnh báo rằng một đại dịch toàn cầu có thể đã gần kề. “Chúng ta phải sẵn sàng nếu dịch bệnh chuyển từ mức độ khu vực sang toàn cầu”.
Dự báo này gây nhiều bất ngờ khi tại thời điểm hiện tại, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vẫn chưa tuyên bố trường hợp khẩn cấp về sức khỏe trên toàn cầu đối với dịch viêm phổi do chủng virus corona mới 2019-nCoV gây ra.
Hong Kong cần các biện pháp "quyết liệt hơn"
Theo mô hình dự đoán này, số các ca nhiễm bệnh ở năm siêu đô thị - Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, Thâm Quyến và Trùng Khánh - sẽ đạt cực đại từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 5. Ở đỉnh điểm của dịch bệnh, có thể có tới 150.000 trường hợp mới sẽ được xác nhận mỗi ngày tại Trùng Khánh, chủ yếu vì mật độ cân cư đông và lượng du khách đông đảo từ Vũ Hán.
Ông Leung nói thêm rằng dự đoán của họ có thể quá bi quan khi chỉ quan tâm tới chính sách cách ly Vũ Hán chứ chưa tính tới các biện pháp can thiệp y tế khác, tuy nhiên vẫn tin rằng chính quyền nên thực hiện các biện pháp nghiêm túc để ngăn chặn dịch.
"Các biện pháp cụ thể và quyết liệt như hạn chế di dân nên được thực hiện ngay lập tức", ông nói.
Công viên giải trí Disneyland Hong Kong, địa điểm thu hút khách du lịch nổi tiếng vừa đóng cửa ngày 26/1. Ảnh: Reuters |
Ông Leung cũng kêu gọi hủy bỏ các cuộc tụ họp đông người, đóng cửa trường học và sắp xếp làm tại nhà, đồng thời cho rằng quyết định từ chối nhập cảnh các cư dân từ Hồ Bắc, nơi có tâm dịch Vũ Hán, cũng như những người đã tới Vũ Hán trong vòng 14 ngày qua là “khởi đầu tốt, mặc dù khẳng định chính quyền cần làm việc rốt ráo hơn nữa".
"Câu hỏi không phải là có nên tiến hành thêm các biện pháp khác không. Có, chúng ta nên làm thêm. Câu hỏi thực sự là, làm thế nào chúng ta có thể đảm bảo rằng chúng khả thi".
Chuyên gia này đồng thời cho rằng Hong Kong nên tập trung nghiên cứu các kế hoạch thực tế, chẳng hạn như điều phối việc nhập khẩu thực phẩm và vật tư để đảm bảo các biện pháp phòng dịch sau đó được diễn ra trơn tru.
“Trong 20 năm qua, dù là cúm gia cầm, SARS hay cúm lợn, chúng ta chưa từng phải đóng cửa biên giới”.