Thị trường xăng dầu thế giới gần đây tiếp tục diễn biến phức tạp và trong nước có tình trạng một số ít cửa hàng bán lẻ xăng dầu không bán hàng đã ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của người dân tại một số địa phương.
Tại kỳ điều chỉnh ngày 21/2, giá xăng RON 95 trong nước đã vượt đỉnh lịch sử lên mức 26.285 đồng/lít. Giá xăng E5 RON 92 cũng tăng 961 đồng lên 25.531 đồng/lít.
Không chỉ giá xăng tăng mà nguồn cung ứng cũng gặp nhiều khó khăn sau khi nhà máy sản xuất lớn nhất cả nước là Nghi Sơn giảm công suất. Tình trạng thiếu hàng cục bộ đã xảy ra ở một số địa phương.
Xăng dầu được xem là mặt hàng chiến lược quan trọng, nhạy cảm và dễ ảnh hưởng đến tâm lý người dân, tác động trực tiếp đến ổn định kinh tế vĩ mô.
Phó Giám đốc SSI Research Phạm Lưu Hưng. Ảnh: BMĐT. |
Tại chương trình Bí mật Đồng tiền ngày 23/2, Phó Giám đốc SSI Research Phạm Lưu Hưng cho biết tỷ trọng của xăng dầu trong tính chỉ số CPI không nhiều chỉ khoảng 3% và tính cả vòng ảnh hưởng liên quan cũng chưa đến 10%.
"So với thời điểm cuối tháng 1 thì giá xăng tăng khoảng 10% nên tôi nghĩ ảnh hưởng đến CPI khoảng 1%. Tuy nhiên nếu so với tháng 2/2021 cũng có CPI khá cao ở 1,5% nên tháng 2 năm nay nếu có cao thì tính ra so với cùng kỳ thì cũng chưa xấu lắm", ông giải thích.
Chuyên gia SSI Research nhắc lại mục tiêu CPI của Chính phủ là 4% và với dự báo CPI tháng 2 chỉ khoảng quanh 2% thì đây là điều không quá đáng ngại.
Ông Hưng tin rằng Việt Nam thường có độ trễ nên áp lực của lạm phát cao hơn. Năm ngoái lạm phát của Việt Nam chỉ khoảng 1,8% trong khi nhiều nước khác lại đang ở vùng đỉnh. Tuy nhiên khả năng quản lý và kiểm soát lạm phát của Việt Nam trong ngắn hạn cũng là tốt hơn bởi có nhiều công cụ điều tiết.
Trong khi đó ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch Tập đoàn FiinGroup cũng đánh giá lạm phát là câu chuyện của sự kỳ vọng. Mục tiêu của Chính phủ đến 4% và tính riêng giá xăng thì chỉ có tác động ít.
Chủ tịch FiinGroup Nguyễn Quang Thuân. Ảnh: BMĐT. |
"Nhưng mà cái quan trọng là nó tác động rộng đến đại bộ phận người dân. Hơn nữa nhìn rộng ra thì xăng dầu cũng ảnh hưởng đến rất nhiều ngành như vận tải, du lịch, sản xuất...", ông Thuân diễn giải.
Đơn cử như ngành hàng không, riêng giá nhiên liệu chiếm khoảng 30% giá vốn của doanh nghiệp. Giả định giá nhiên liệu tăng 10% thì có thể làm giảm đến 30% lợi nhuận của một số doanh nghiệp.
Chủ tịch FiinGroup nhấn mạnh việc tăng giá xăng sẽ ảnh hưởng khá lớn đến sự hồi phục sau dịch ở những ngành nghề được kỳ vọng lớn, mặc dù giá xăng chỉ là một phần trong nhóm chi phí nhiên liệu.
Nói riêng về tác động của giá xăng đến nhóm hưởng lợi là các công ty dầu khí. Ông Phạm Lưu Hưng đánh giá các công ty ở phân khúc trung nguồn và hạ nguồn (nhóm xử lý, vận tải và phân phối xăng dầu) sẽ được hưởng lợi nhanh nhất.
Chuyên gia SSI Research lý giải do nhóm công ty ở phân khúc này đã có sẵn nhiều hàng tồn kho, biên lợi nhuận mảng lọc dầu khá hơn hay hưởng lợi từ giá khí khô tăng...
Trong khi một số doanh nghiệp thượng nguồn (các dịch vụ liên quan khai thác dầu khí) sẽ có ảnh hưởng trong dài hạn hơn do đặc thù là làm dự án nhiều hơn.
Quan điểm của ông Hưng là khi giá dầu tăng mạnh và tăng bền vững mới giúp nhu cầu đầu tư cao hơn, từ đó giúp các doanh nghiệp thượng nguồn có nhiều việc để làm. Tác động tích cực của giá xăng tăng đến nhóm thượng nguồn theo đó sẽ chậm hơn.