Phó cục Quản lý Thị trường TP.HCM Nguyễn Tiến Đạt vừa có báo cáo tình hình kinh doanh xăng dầu tại TP.HCM đến 22/2.
TP.HCM có 5 cây xăng tạm đóng cửa. Trong đó, chỉ có một cửa hàng xăng là chi nhánh của Công ty Thanh Bình tại 1474 Tỉnh lộ 10, Tân Tạo, Bình Tân, ngưng hoạt động do hết xăng. Doanh nghiệp đã có công văn xin ngưng kinh doanh một tháng vào 16/2/2022 nhưng chưa được Sở Công Thương duyệt.
Ngoài ra, 14 cửa hàng trước đây hết RON 95 thì đến nay đã nhập xăng và kinh doanh bình thường.
TP.HCM hiện có 548 cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Đến ngày 22/2, TP.HCM còn 9 trường hợp thiếu xăng RON 95 nhưng vẫn mở cửa kinh doanh, chờ nhập hàng. Các điểm kinh doanh này ở quận 12 (3); quận Bình Tân (1); huyện Bình Chánh (1); huyện Củ Chi (4).
Nguyên nhân chủ yếu là các cửa hàng này đã bán hết xăng và chờ nhập hàng từ đơn vị phân phối. Tuy nhiên, nhiều nhà cung cấp chưa trả lời về thời gian giao hàng.
Các nhà cung cấp của 9 cửa hàng này từ TP.HCM, Tiền Giang, Bình Phước. Đáng chú ý, 5/9 cửa hàng có chung một nhà cung cấp là Công ty cổ phần Xăng dầu Petro Bình Phước (692 đường Phú Riềng Đỏ, khu phố Tân Trà, phường Tân Xuân, thị xã Đồng Xoài, Bình Phước).
Hiện, TP.HCM có 548 cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu (gồm 5 cửa hàng tạm ngưng hoạt động); 15 doanh nghiệp đầu mối xuất nhập khẩu xăng dầu; 57 thương nhân phân phối; một thương nhân làm tổng đại lý; 21 đại lý bán lẻ.
Tại buổi làm việc với các đầu mối xăng dầu chiều 22/2, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định với mức 3,7-3,8 triệu tấn từ nguồn xăng dầu dự trữ, cung ứng của các doanh nghiệp sản xuất trong nước và đặc biệt từ nguồn hàng nhập khẩu gấp 3 lần bình thường từ đầu tháng 2 đến nay thì Việt Nam có đủ lượng xăng dầu cung cấp cho thị trường đến hết tháng 3.
Cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu, đề xuất phương án điều chỉnh chính sách thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu, báo cáo Thủ tướng trước ngày 28/2.