Giá vàng thế giới được dự báo sẽ còn được đẩy lên cao hơn nữa nhờ những sự kiện quan trọng ở Trung Đông và Mỹ. Ảnh: Kitco News. |
WGC cho biết cuộc họp của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) sắp tới với các thông tin kinh tế mới của Mỹ cùng cuộc bầu cử Quốc hội Iran có thể khiến tháng 3 trở thành tháng then chốt đối với kim loại quý.
“Giá vàng đã giảm xuống còn 2.048 USD/ounce vào cuối tháng 2, tương ứng mức giảm 0,3 điểm % so với tháng trước. Tuy nhiên, sự biến động của tỷ giá hối đoái đã đảm bảo lợi nhuận từ đầu năm đến nay vẫn ở mức dương đối với các loại tiền tệ chính, có đồng USD", WGC nhấn mạnh.
Nhiều yếu tố hỗ trợ giá vàng
Dựa trên mô hình phân bổ lợi nhuận cho vàng của WGC, lãi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ tăng mạnh (+34 điểm cơ bản), cùng với đó là hiệu suất vượt trội liên tục của cổ phiếu Magnificent Seven - nhóm cổ phiếu của các ông lớn công nghệ Mỹ gồm Apple, Amazon, Alphabet, Meta Platforms, Microsoft, Nvidia và Tesla - cũng làm giảm sự quan tâm đến vàng vào tháng trước.
Tuy nhiên sang tới tháng 3, mọi việc đã khác. Giá vàng thế giới liên tục tăng chạm đỉnh lịch sử. Thậm chí, kim loại quý còn tiệm cận rất sát ngưỡng 2.200 USD/ounce trong phiên giao dịch ngày 9/3.
Nhìn về khoảng thời gian còn lại của tháng 3, các nhà phân tích của WGC đã đánh dấu hai sự kiện đóng vai trò quan trọng đối với giá vàng, một ở Trung Đông và một ở Mỹ.
“Bản thân cuộc bầu cử Quốc hội ở Trung Đông, cụ thể là Iran không tạo ra làn sóng, nhưng người tiêu dùng trong nước này là những nhà đầu tư vàng lớn thứ 6 thế giới và cuộc bầu cử có thể mở đường cho một đợt sóng có lợi cho vàng từ bất ổn địa chính trị”, WGC nhấn mạnh.
Sự kiện quan trọng khác là cuộc họp FOMC sẽ diễn ra vào tháng 3, mà WGC tin là đặc biệt quan trọng. Nó sẽ cung cấp cho các nhà đầu tư dữ liệu đầu tiên về xu hướng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) kể từ khi chính sách ôn hòa được xác lập vào tháng 12.
“Mặc dù thị trường đã đưa ra dự báo về mức độ cắt giảm, nhưng lập luận ủng hộ cũng kịch liệt như lập luận phản đối. Sự không chắc chắn luôn ngự trị trong chính sách tiền tệ”, WGC đánh giá.
Các nhà đầu tư nắm giữ vàng đang tin rằng giá kim loại quý sẽ còn tăng trong ngắn hạn. Ảnh: HNWI. |
Nhìn xa hơn, Hội đồng vàng lưu ý rằng “năm 2024 có nhiều rủi ro về sự kiện chính trị” vì một loạt cuộc bầu cử quan trọng có khả năng vẽ lại bản đồ chính trị trên thế giới. Một số cuộc bầu cử còn có ý nghĩa xuyên biên giới, làm tăng sự chồng chéo giữa chính trị và địa chính trị, và điều đó quan trọng đối với các nhà đầu tư.
Năm 2023, những nhà đầu tư nắm giữ vàng, đặc biệt là ở Trung Đông và châu Âu, ít sẵn sàng bán ra khi đối mặt với giá cao và kinh tế khó khăn, nhưng với việc bổ sung thêm chỉ số rủi ro địa chính trị (GPR) vào thì lại khác. Cùng với đó, WGC ước tính rằng lượng vàng tái chế đã giảm 30 tấn, từ 100 xuống còn 70 tấn vào năm 2023.
“Do đó, rủi ro địa chính trị là yếu tố rất quan trọng, thôi thúc chúng tôi phải theo dõi chặt chẽ các cuộc bầu cử trong vài tháng tới và đánh giá xem chúng có ý nghĩa gì với vàng”, các nhà phân tích viết.
Bên cạnh các biến số địa chính trị, Fed vẫn là động lực lớn nhất thúc đẩy giá vàng trong tháng 3 và WGC cho rằng các sự kiện gần đây khiến cuộc họp sắp tới này của FOMC trở nên thú vị hơn.
“Chính sách xoay trục ôn hòa vào tháng 12, ngay cả khi lạm phát còn mạnh và dữ liệu kinh tế sụt giảm, đã chứng minh rằng các dự đoán của Fed vẫn có thể là một canh bạc”, WGC nhận định.
Các nhà phân tích của WGC tin rằng việc cắt giảm lãi suất sẽ diễn ra trong năm nay và rủi ro suy thoái của kinh tế Mỹ vẫn đang trong tầm kiểm soát.
Kỳ vọng Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất năm nay của giới đầu tư đang hỗ trợ giá vàng. Ảnh: Investopedia. |
Ngân hàng trung ương tiếp tục mua vàng
Tính tới cuối năm 2023, WGC ước tính tổng khối lượng vàng được giao dịch trên toàn cầu đạt 4.899 tấn. Trong đó, lượng mua từ các ngân hàng trung ương vượt 1.000 tấn (giai đoạn 2022-2023). Đây là năm thứ hai liên tiếp nhóm này mua trên 1.000 tấn vàng.
Các nước có dự trữ vàng lớn nhất thế giới tính đến hết năm ngoái lần lượt là Mỹ (8.133 tấn); Đức, Italy và Pháp với dự trữ dao động 2.400-3.300 tấn vàng.
Châu Á cũng có ba nước thuộc top 10. Trong đó, dự trữ của Trung Quốc đứng thứ 6 với số lượng 2.235 tấn, gần gấp 3 lần Ấn Độ và Nhật Bản.
Nhiều nhà phân tích cũng cho rằng nhu cầu của các ngân hàng trung ương là yếu tố chính giúp kim loại quý giữ được ngưỡng trên 2.000 USD/ounce vài tháng qua.
"Tôi cho rằng các ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục tăng mua vàng. Việc dự trữ tiền tệ các nước khác ngày càng ít ý nghĩa, trong bối cảnh thế giới phân cực và đầy bất ổn", Ryan McIntyre, Giám đốc công ty quản lý tài sản Sprott nói với Kitco News.
Nền kinh tế với độ mở lớn như Việt Nam không thể tránh khỏi những tác động từ xu hướng kinh tế thế giới. Trong thế giới kinh doanh phức tạp và thay đổi liên tục như hiện nay, việc cập nhật kiến thức và hiểu biết về các xu hướng kinh doanh trên thế giới vô cùng quan trọng. Để độc giả có thể tiếp cận những thông tin kinh tế quốc tế mới nhất, Tri thức - Znews giới thiệu Tủ sách kinh tế thế giới với những cuốn sách và câu chuyện kinh doanh đáng chú ý. Từ việc nghiên cứu các công ty hàng đầu đến việc khám phá những xu hướng kinh tế mới, Tủ sách sẽ là nơi cập nhật các thông tin mới nhất về hoạt động kinh tế toàn cầu.