Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chuyên gia đặt dấu hỏi với cam kết của Mỹ ở châu Á

Các chuyên gia nhận định bài phát biểu của người đứng đầu Lầu Năm Góc James Mattis tại Đối thoại Shangri-La không giúp trấn an các đồng minh của Mỹ ở châu Á như kỳ vọng.

Tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 16, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis nói Mỹ là "quốc gia Thái Bình Dương về cả địa lý lẫn tầm nhìn", khẳng định Washington vẫn sẽ tiếp tục duy trì các lợi ích chiến lược tại đây.

Phát biểu của ông Mattis được kỳ vọng giúp trấn an các đồng minh của Mỹ tại khu vực sau những tuyên bố của Tổng thống Donald Trump về việc giảm dần ảnh hưởng quốc tế của Washington, chủ trương "Nước Mỹ trên hết". Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, người đứng đầu Lầu Năm Góc đã không đáp ứng được kỳ vọng đó.

Màu sắc ngoại giao

Theo dõi Đối thoại Shangri-La 16 từ Australia, giáo sư Carl Thayer ở Học viện Quốc phòng Australia, nhận định rằng bài phát biểu của tướng Mattis "nghe như Ngoại trưởng Rex Tillerson nói". Theo vị chuyên gia, phát biểu mang màu sắc "ngoại giao" này phản ánh thực tế rằng các vị trí cấp cao tại Bộ Quốc phòng Mỹ vẫn chưa "có chủ".

"Mattis bắt đầu bằng việc tái khẳng định lợi ích lâu dài của Mỹ tại khu vực với tư cách một quốc gia Thái Bình Dương. Tuy nhiên, những lời nói của ông ấy dường như chỉ là đồ trang trí trong tủ kính mà thôi, bởi ông không đề cập đến một chiến lược nhất quán của Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nói chung và tại Đông Nam Á nói riêng", giáo sư Thayer trả lời Zing.vn.

Cùng quan điểm trên, tiến sĩ Trương Minh Huy Vũ, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (SCIS) thuộc Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM, cho rằng phát biểu của ông Mattis chưa đáp ứng được kỳ vọng khi không đi vào điều gì cụ thể.

"Phát biểu của ông ấy không nói về một đại chiến lược mang tầm vĩ mô, cũng không nói về những chính sách cụ thể, ví dụ như sẽ nâng ngân sách quốc phòng lên bao nhiêu hay sẽ kí hiệp định với nước nào... mà chỉ nói chung chung về các nguyên tắc liên quan đến lợi ích của Mỹ", tiến sĩ Vũ chia sẻ bên lề Đối thoại Shangri-La (2-4/6) tại Singapore.

chinh sach chau A cua My anh 1
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis phát biểu tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 16 hôm 3/6 ở Singapore. Ảnh: Cảnh Toàn

Giáo sư Thayer nhận định tuy cùng lên tiếng phê bình Trung Quốc, phát biểu của Thủ tướng Malcolm Turnbull tỏ ra "thuyết phục hơn" vì tướng Mattis đã không thể vạch ra một chiến lược hiệu quả để kêu gọi các nước trong khu vực chống lại sự hung hăng và dọa dẫm của Bắc Kinh.

Tuy nhiên, tiến sĩ Vũ cho rằng dù chưa đưa ra được điều gì mới về chiến lược của Mỹ, việc tướng Mattis khẳng định Mỹ vẫn sẽ tiếp tục can dự tại châu Á là tín hiệu đáng mừng.

"Khẳng định tuy không mới nhưng người khẳng định là mới; Washington vẫn giữ cam kết, đó là điều đáng mừng", ông Vũ phân tích.

Ông Vũ cũng cho biết trong nhiệm kỳ này, tương lai cam kết của Mỹ tại châu Á phụ thuộc nhiều vào những cuộc trao đổi song phương, chứ không đơn thuần chỉ thể hiện qua những tuyên bố công khai như phát biểu của tướng Mattis.

"Song phương thì người ta mới bàn kín, bàn kĩ, bàn rõ hơn câu chuyện. Những thảo luận đó mới là thứ trở thành chính sách cụ thể trong năm nay và trong những năm kế tiếp", tiến sĩ Vũ nói.

Bài bản hay thiếu thuyết phục?

Người đứng đầu Lầu Năm Góc đề cập đến 3 cách thức mà Bộ Quốc phòng Mỹ áp dụng để ứng phó với các thách thức an ninh tại khu vực. Theo đó, Mỹ sẽ củng cố các liên minh; hai là giúp đỡ các quốc gia trong khu vực "tự lực cánh sinh" và thứ ba là tăng cường năng lực quân sự của Mỹ tại khu vực.

Tuy nhiên theo giáo sư Thayer, lập luận của ông Mattis "thiếu thuyết phục" khi ông nói về mối quan hệ đồng minh với Thái Lan và Philippines một cách "lạc quan".

"Chính quyền Duterte đang muốn thoát ly khỏi Mỹ và tìm kiếm sự hỗ trợ từ Trung Quốc và Nga. Còn Thái Lan cũng thân hơn với Bắc Kinh sau khi Tổng thống Obama kiềm chế Bangkok vì vụ đảo chính hồi năm 2014", giáo sư Thayer phân tích.

Trong khi đó, tiến sĩ Vũ cho rằng 3 cách tiếp cận đó "bài bản" nếu xét về mặt bản chất rằng hệ thống đồng minh của Mỹ ở châu Âu và châu Á là khác nhau. Ở châu Âu, Washington duy trì hệ thống đồng minh đa phương dựa vào NATO, nhưng ở châu Á, đó là hệ thống đồng minh song phương thông qua 5 quốc gia quan trọng (Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Thái Lan, Philippines).

"Trong mối quan hệ với đồng minh châu Á, Mỹ vẫn ở thế mạnh hơn về quân sự. Ý của Mattis là Mỹ vẫn ưu tiên quan hệ song phương nhưng muốn giúp đối tác tự thân vận động trước khi nhấn mạnh đến sức mạnh quân sự của Mỹ", tiến sĩ Vũ chia sẻ với Zing.vn.

chinh sach chau A cua My anh 2
Ông James Mattis bắt tay với Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Han Min Koo (trái) và Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada (phải) tại Đối thoại Shangri-La 16. Ảnh: Reuters.

Tuy vậy, theo giáo sư Thayer, sự bất định về chiến lược của Mỹ vẫn tiếp tục treo lơ lửng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương vì Tổng thống Trump liên tục thay đổi quan điểm về các vấn đề đối ngoại kể từ khi nhậm chức.

"Chính sách ‘Nước Mỹ trên hết' của ông ấy khiến các đồng minh và những đối tác tiềm năng phải dò đoán xem liệu rằng một cuộc mặc cả lớn giữa Mỹ và Trung Quốc về Triều Tiên có thể khiến Washington dừng các hỗ trợ về an ninh tại Đông Nam Á và Biển Đông hay không", ông Thayer nói.

Tướng Mattis: Mỹ không chấp nhận Trung Quốc coi thường luật quốc tế

Phát biểu tại Đối thoại Shangri La, bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nói TQ không tôn trọng luật pháp quốc tế và chỉ ra 3 giải pháp ưu tiên của Washington nhằm đảm bảo an ninh khu vực.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ được chờ đợi ở Đối thoại Shangri-La

Theo nhận định của chuyên gia, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis đang được kỳ vọng sẽ phát biểu về chính sách của Mỹ với châu Á tại Đối thoại Shangri-La năm nay.

Vũ Mạnh (từ Singapore)

Bạn có thể quan tâm