Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chuyện gì xảy ra khi máy bay dân sự bị chiến đấu cơ chặn đầu?

Vụ việc chiến đấu cơ Belarus buộc máy bay dân dụng hạ cánh làm dấy lên các câu hỏi về quy trình sử dụng máy bay quân sự để hộ tống, chặn đầu máy bay dân sự.

Ngày 23/5, chuyến bay số hiệu FR4978 của hãng hàng không Ryanair (Ireland) từ Athens (Hy Lạp) hạ cánh tại Vilnius (Lithuania) muộn 6 tiếng đồng hồ.

Sự chậm trễ đến từ việc chiếc máy bay bị một tiêm kích MiG-29 của Belarus buộc hạ cánh khẩn cấp khi bay qua không phận nước này.

“Khi một máy bay chiến đấu chặn đường bạn và đưa ra mệnh lệnh, bạn phải làm theo”, một phi công nói với BBC. Người này cho rằng hành động của Belarus là “cực kỳ liều lĩnh”.

Lý do được phía Belarus đưa ra là có bom. Tuy vậy, không vật thể nổ nào được tìm thấy.

Nhưng cảnh sát Belarus không về tay không. Họ mang theo nhân vật đối lập Roman Protasevich, người bị Belarus truy nã sau các cuộc biểu tình năm 2020.

Quyền tự do bay qua

Hành động này đã tạo nên một cuộc khủng hoảng ngoại giao nghiêm trọng. Dường như chưa từng có vụ việc tương tự xảy ra trên thế giới.

“Đây là một vụ không tặc do nhà nước tổ chức”, ông Michael O’Leary, giám đốc điều hành Ryanair, nói với Politico.

belarus buoc may bay ha canh anh 1

Lộ trình của chuyến bay FR4978 khi bị phía Belarus buộc chuyển hướng và hạ cánh ở Minsk. Ảnh: Al Jazeera.

Khi máy bay cất cánh, quốc tịch của nó là nơi mà nó đăng ký, dù bay trên không phận nước nào. Trong trường hợp của chiếc máy bay của Ryanair, đó là Ba Lan.

“Can thiệp vào một chiếc máy bay đang di chuyển trên không sẽ dẫn đến rắc rối về mặt ngoại giao, liên quan đến khâu đăng ký máy bay”, một nguồn tin trong ngành công nghiệp hàng không nói với BBC.

“Đây là sự vi phạm nghiêm trọng đối với nhiều điều ước quốc tế”, một phi công cho biết.

Quyền được tự do bay trên lãnh thổ của một quốc gia mà không hạ cánh là điều đầu tiên trong “Thương quyền vận tải hàng không”. Đây là bộ quy tắc quy định các quyền liên quan đến vận tải hàng không thương mại, được quy định trong công ước Chicago 1944. Công ước này được hơn 120 quốc gia ký kết, nhưng không có Belarus.

Khi máy bay chiến đấu xuất kích

Theo các chuyên gia hàng không, máy bay chiến đấu thường chỉ hộ tống hay chặn đầu máy bay thương mại vì an toàn của hành khách trên máy bay hay người dân dưới mặt đất.

Nếu cơ quan kiểm soát không lưu không thể liên lạc với máy bay, máy bay quân sự có thể được sử dụng.

“Máy bay chiến đấu sẽ thu hút sự chú ý và nhắc nhở phi công trả lời hệ thống liên lạc, cũng như đảm bảo máy bay không bị không tặc và đâm xuống”, một phi công giải thích. “Sau vụ khủng bố 11/9, các cơ quan kiểm soát không lưu rất lo ngại khi máy bay im lặng”.

belarus buoc may bay ha canh anh 2

Máy bay chiến đấu có thể được sử dụng để hộ tống máy bay dân sự trong trường hợp cần thiết. Ảnh: NPR.

Ngoài ra, nếu phi công cho biết chuyến bay đang gặp nguy hiểm, máy bay chiến đấu có thể cũng sẽ xuất kích. Đó có thể là một ca cấp cứu hay phi công bị mất liên lạc với mặt đất, thậm chí là một vụ không tặc.

Khi máy bay chiến đấu được cử đến để hộ tống máy bay thương mại, chúng sẽ bay theo đội hình đằng trước máy bay đó.

Máy bay chiến đấu sẽ cố gắng liên lạc với máy bay thương mại trên tần số khẩn cấp. Nếu hệ thống liên lạc của máy bay thương mại đã hư hỏng, máy bay chiến đấu sẽ sử dụng các tín hiệu được quy định trong trường hợp này.

“Ban đêm, họ nháy đèn. Ban ngày, họ lắc cánh máy bay với hàm ý “Theo tôi”. Bạn sẽ phải đi theo”, một phi công cho biết.

Sau vụ việc xảy ra ở Belarus, giới phi công bảo vệ hành động của các đồng nghiệp trên chuyến bay FR4978. Phi hành đoàn trên chuyến bay bị nhiều người chỉ trích vì tuân thủ mệnh lệnh của máy bay chiến đấu Belarus, thay vì bay thẳng đến Lithuania.

“Nếu một máy bay chiến đấu chặn đầu và đưa ra mệnh lệnh, bạn phải tuân theo. Ban không có lựa chọn nào khác. Đây giống như cảnh sát dưới mặt đất vậy”, phi công trên giải thích.

Kế hoạch bị đảo lộn

Mọi chuyến bay ở châu Âu cần gửi kế hoạch lên Tổ chức An toàn Hàng không Châu Âu (Eurocontrol). Kế hoạch chi tiết đến mức chúng bao gồm số đường băng mà máy bay cất hay hạ cánh. Tuy vậy, khi máy bay đã phải tạm dừng ở Belarus, bản kế hoạch đã không còn giá trị.

belarus buoc may bay ha canh anh 3

Roman Protasevich tham gia một cuộc tuần hành ở Minsk, Belarus, vào tháng 3/2012. Ảnh: AP.

“Các phi công sẽ thực sự lo lắng. Họ không biết điều gì đang xảy ra và tại sao lại như vậy. Chúng ta sẽ tới đâu? Sân bay sẽ như thế nào? Thời tiết ra sao?”, một phi công nói.

Trong những tình huống kiểu này, phi công không được chuẩn bị cho chặng bay mới mà họ phải tuân theo. Điều này làm tăng rủi ro với phi công, hành khách và cả quốc gia cử máy bay chiến đấu chặn đầu.

“Phi công không còn kiểm soát kế hoạch bay và giám sát an toàn”, một nguồn tin cao cấp trong ngành công nghiệp hàng không nói với BBC. “Khi không biết kế hoạch, khả năng nhận thức tình huống của phi công giảm xuống. Khả năng lên kế hoạch hạ cánh an toàn của họ cũng giảm theo”.

Sau vụ việc, nhiều quốc gia, trong đó có Anh, Mỹ và các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã cấm bay qua không phận Belarus.

Nhiều vấn đề vẫn cần được làm rõ, như các sự việc cụ thể từ khi máy bay bị chặn đầu đến khi nó ra khỏi không phận Belarus. Tuy vậy, đám mây đen của một cuộc khủng hoảng ngoại giao đang dần kéo đến.

Belarus ép máy bay hạ cánh xuống thủ đô để bắt nhà hoạt động đối lập

Belarus hứng chỉ trích sau khi ép một chuyến bay hạ cánh khẩn cấp tại thủ đô Minsk và bắt giữ nhà hoạt động đối lập từng chỉ trích Tổng thống Alexander Lukashenko.

Chân dung nhà hoạt động khiến Belarus dùng Mig-29 để 'cướp máy bay'

Trong khoảng thời gian dài trước khi bị bắt, Roman Protasevich đã là mục tiêu của chính quyền Belarus bởi quá trình tham gia phong trào chống Tổng thống Alexander Lukashenko.

Điệp viên Belarus có mặt trên chuyến bay bị chuyển hướng?

CEO hãng hàng không Ryanair tin rằng điệp viên KGB của Belarus đã xuất hiện trên chuyến bay bị ép chuyển hướng tới Minsk vào ngày 23/5.

Việt Hà

Theo BBC

Bạn có thể quan tâm