Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Chuyện gì đang xảy ra với Arsenal?

Đội chủ sân Emirates mất phương hướng trên thị trường chuyển nhượng, lẫn trong các phương án tuyển dụng nhân sự cấp cao sau khi Arsene Wenger rời đi.

Kia Joorabchian, người đại diện của tiền vệ Willian, công khai nói rằng những cầu thủ Arsenal mua về vài năm trở lại đây đều trở thành thảm họa. Joorabchian nổi tiếng là người có phong cách làm việc điềm đạm và trái ngược với đồng nghiệp Mino Raiola.

Arsene Wenger anh 1

Khi một trong những siêu cò hàng đầu thế giới nói ra câu đó, người ta biết tình hình ở sân Emirates đang tệ đến mức nào.

400 triệu bảng và 26 cầu thủ

Joorabchian đóng vai trò quan trọng trong việc Arsenal thanh lý hợp đồng với Willian. "Pháo thủ" phải cảm ơn tay cò gốc Iran rất nhiều, vì chính anh thuyết phục tiền vệ người Brazil chia tay Emirates.

Willian chấp nhận giảm 70% mức lương tại Arsenal để về lại Corinthians thi đấu. Nếu chấp nhận "ngồi chơi xơi nước" như nhiều ngôi sao bóng đá khác, cựu sao Chelsea có thể nhận 20 triệu bảng tiền lương, trong hai năm còn lại của hợp đồng tại Arsenal.

Ngày chia tay, Willian viết lên trang cá nhân, đại ý nói hành động của anh chứng minh cho các cổ động viên Arsenal thấy mình không phải kẻ cố bám CLB vì lương cao.

Arsene Wenger anh 2

Kia Joorabchian (trái) đạo diễn nhiều thương vụ đến Arsenal trong 2 năm trở lại đây. Ảnh: Arsenal.

Joorabchian nói rằng những chỉ trích mà Willian phải nhận là không công bằng. "Tôi nói câu này với tư cách một cổ động viên, liệu có một cầu thủ nào chuyển đến Arsenal vài năm qua mà không trở thành thảm họa?", Joorabchian nói trên TalkSPORT trong ngày cuối của phiên chợ hè 2021.

Joorabchian không còn giữ thái độ cẩn trọng và tế nhị trong các phát biểu thường thấy với đối tác. Vài năm qua, Arsenal là đối tác hàng đầu của siêu cò này. Nhưng Joorabchian giờ bị nhiều CĐV Arsenal chỉ trích vì những bản hợp đồng do ông đạo diễn như Willian, Cedric hay Mari đều chơi tệ tại Emirates.

Thực tế, Joorabchian hay bất kỳ ngôi sao nào đến Arsenal thời gian qua đều không có lỗi. Kể từ khi Wenger rời đi vào năm 2018, đội bóng thành London chi hơn 400 triệu bảng để đem về 26 cầu thủ mới (tính cả cầu thủ mượn)

Đổi lại, đó là những vết trượt dài trên bảng xếp hạng Premier League. Trong 18 tháng HLV Unai Emery dẫn dắt Arsenal, "Pháo thủ" mua và mượn 14 cầu thủ với số tiền lên tới hơn 250 triệu bảng. Trong số này, chỉ Bernd Leno, Kieran Tierney hay phần nào là Gabriel Martinelli chứng minh được giá trị.

Khi thị trường chuyển nhượng mùa hè 2021 kết thúc, Arsenal trở thành đội chi nhiều tiền nhất để mua cầu thủ ở Premier League. Đội chủ sân Emirates chi tới 156,8 triệu bảng để mua 6 cầu thủ mới.

Arsene Wenger anh 3

Các cầu thủ Arsenal chiêu mộ kể từ khi Wenger ra đi vào năm 2018, chưa tính trung vệ Takehiro Tomiyasu (đơn vị: triệu bảng) Ảnh: The Sun.

Nhà Kroenke cho thấy họ vẫn hỗ trợ Arteta hết mình trên thị trường chuyển nhượng, sau khi HLV người Tây Ban Nha chỉ sử dụng thành công một mình Martin Odegaard trong số 9 tân binh cập bến Emirates ở mùa 2020/21.

Tuy nhiên, số tiền lớn mà nhà Kroenke chi trong mùa hè này không khiến bầu không khí ở Arsenal bớt u ám.

Gary Neville bình luận Arsenal mua nhiều, nhưng anh không hiểu chiến lược thật sự của CLB này là gì. "Pháo thủ" mua quá nhiều cầu thủ làng nhàng trong 3 năm qua. Với số tiền ít hơn, Man United, Man City, Chelsea hay Liverpool đem về những bản hợp đồng chất lượng.

Các ông chủ của Arsenal đang tỏ ra bối rối, và họ dường như nợ Wenger một lời xin lỗi.

Arsenal lạc lối hậu kỷ nguyên Wenger

Hai năm cuối của Wenger tại Arsenal đã thất vọng. HLV người Pháp thất bại trong việc giúp CLB dự Champions League sau mùa 2017/18, nguyên nhân chính khiến ông phải rời đi.

Tuy nhiên, nếu nhìn lại giai đoạn trước đó của "Giáo sư" tại Emirates, các cổ động viên Arsenal có quyền nói rằng Wenger không nhận được sự hỗ trợ tài chính tốt nhất từ các ông chủ người Mỹ.

Trong 22 năm dẫn dắt Arsenal, Wenger thực chi 257 triệu bảng trên thị trường chuyển nhượng. Trong giai đoạn cuối làm việc tại Emirates, Wenger bắt đầu chi nhiều hơn, nhưng mọi thứ dường như quá muộn.

Thực tế, đó cũng là thời điểm nhà Kroenke đưa về nhiều nhân sự cấp cao để giảm bớt vai trò của HLV người Pháp. Giống như Sir Alex Ferguson tại Manchester United, trong giai đoạn đỉnh cao của mình, Wenger nắm quyền lực cực lớn tại Arsenal.

Ông là người có tiếng nói quyết định trong vấn đề mua bán, tuyển trạch cầu thủ hay thậm chí xây dựng cơ sở vật chất. Nhiều nguồn tin của báo chí Anh có thời điểm nói rằng nhà Kroenke không muốn chi tiền cho Wenger, vì cho rằng HLV người Pháp nắm quá nhiều quyền lực tại CLB.

Arsene Wenger anh 4

Có quan điểm cho rằng Wenger không được nhà Kroenke cấp tiền vì nắm quyền lực lớn tại CLB. Ảnh: Reuters.

Nửa thập niên qua, không CLB hàng đầu châu Âu nào thay đổi nhân sự cấp cao nhiều hơn Arsenal. Sven Mislintat, cựu Giám đốc bộ phận tuyển trạch của Dortmund đến vào tháng 12/2017, thời điểm Wenger còn tại vị. Raul Sanllehi, cựu Giám đốc đối ngoại của Barca đến vào tháng 2/2018.

Nhà Kroenke muốn giảm bớt quyền lực của Wenger, hoặc cũng có thể chuẩn bị cho khả năng sa thải HLV người Pháp. Đến tháng 8/2020, cả Sanllehi và Mislintat đều không còn làm việc ở sân Emirates.

Arsenal sau đó bổ nhiệm thêm nhiều nhân sự cấp cao, bao gồm Giám đốc Điều hành Vinai Venkatesham hay Giám đốc Thể thao Edu Gaspar. Edu chưa từng có kinh nghiệm làm quản lý ở một CLB lớn, và cựu danh thủ người Brazil bị đặt dấu hỏi sau các bản hợp đồng thất bại của Arsenal.

Việc nhà Kroenke "keo kiệt" với Arsenal khi Wenger còn tại vị dẫu sao vẫn chỉ tin đồn. Tuy nhiên, việc Arsenal chi đậm cho Arteta trên thị trường chuyển nhượng hai năm trở lại đây nói lên nhiều điều.

Nhà Kroenke có lẽ không muốn một tài sản có danh tiếng như Arsenal xuống giá, nên họ phải đầu tư mạnh mẽ. Tiền bản quyền truyền hình tăng giá của Premier League cũng là một lý do khác cho sự đầu tư kể trên.

Tuy nhiên, nếu Arsenal tiếp tục thất bại, Arteta và Edu nhiều khả năng tiếp tục "ra đường", và công cuộc tái thiết hậu kỷ nguyên Wenger tiếp tục đi sai hướng.

Từ "chiếc cúp top 4" dưới thời HLV người Pháp, Arsenal hai mùa gần nhất kết thúc Premier League ở vị trí thứ 8. Sau 3 vòng đầu Ngoại hạng Anh mùa 2021/22, họ đứng cuối bảng với 0 điểm, đi kèm 0 bàn thắng và 9 bàn thua. Arsenal cần điều thần kỳ để kết thúc mùa giải năm nay với một suất trong top 4.

Có thể nhà Kroenke không sai khi sa thải Wenger vào thời điểm năm 2018. Tuy nhiên, cách họ xây dựng đội bóng khi "Giáo sư" rời đi không khác gì thảm họa.

Bên cạnh đó, chính nhà Kroenke cũng phải nhận trách nhiệm vì sự đầu tư "keo kiệt" trong nửa thập niên trước, giai đoạn Wenger còn đưa mọi thứ đi đúng quỹ đạo.

Arteta muốn có thêm thời gian Huấn luyện viên người Tây Ban Nha có lời nhắn đến người hâm mộ Arsenal trước trận gặp West Brom ở vòng 2 Cúp Liên đoàn Anh lúc 2h ngày 26/8 (giờ Hà Nội).

Arsenal phải thay HLV nếu không muốn rớt hạng

Nếu "Pháo thủ" còn tiếp tục thi đấu như thế này, kịch bản đội bóng thành London văng khỏi sân chơi Ngoại hạng Anh hoàn toàn có thể xảy ra.

Tân binh Arsenal từng đối đầu tuyển Việt Nam ở Cần Thơ

Năm 2016, Takehiro Tomiyasu cùng câu lạc bộ Avispa Fukuoka sang Việt Nam để thi đấu trận giao hữu ở Cần Thơ.

Hồng An

Bạn có thể quan tâm