Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chuyện gì đang xảy ra với 7-Eleven?

Gần 450 cửa hàng 7-Eleven sẽ ngừng hoạt động, trong khi công ty sở hữu thương hiệu này cũng muốn bán lại mảng siêu thị, bách hóa. Điều này dấy lên câu hỏi về tình hình của công ty.

Seven & i đang chật vật tái cấu trúc, tuy nhiên chuỗi cửa hàng tiện lợi 7-Eleven vẫn được xem là mảng kinh doanh cốt lõi. Ảnh: Bloomberg.

Quyết định đóng 444 cửa hàng 7-Eleven diễn ra trong bối cảnh Seven & i Holdings đang nỗ lực tái cấu trúc.

Với tình hình kinh doanh không mấy suôn sẻ, ông chủ 7-Eleven đồng thời có kế hoạch rút lui khỏi mảng kinh doanh siêu thị và cửa hàng bách hóa.

Lợi nhuận các mảng kinh doanh giảm sâu

Theo Bloomberg, trong báo cáo tài chính quý gần nhất tính đến ngày 31/8, lợi nhuận hoạt động của Seven & i Holdings đã giảm 20%, dù doanh số bán hàng tăng cao. Triển vọng về lợi nhuận hoạt động cho cả năm cũng được hạ xuống còn 2,7 tỷ USD, so với mức 3,6 tỷ trước đó.

Đáng chú ý, lợi nhuận ở nước ngoài, bao gồm các cửa hàng nhượng quyền, đã thu hẹp 80%. Riêng tại thị trường Bắc Mỹ, công ty phân tích rằng tình trạng thu nhập người dân giảm, trong khi lạm phát và lãi suất cao đã trở thành rào cản lớn.

Mặt khác, Seven & i Holdings còn gặp khó khi thói quen tiêu dùng của người Mỹ thay đổi, theo CBS News. Tại Mỹ, các cửa hàng 7-Eleven thường xuất hiện tại những trạm xăng. Khi ghé đến đây, các tài xế luôn ưu tiên mua thuốc lá và đây cũng là một trong những nguồn thu chính của cửa hàng.

Tuy nhiên, từ năm 2019, doanh thu mặt hàng này đã giảm 26%. So với 20 năm trước, doanh số bán lẻ thuốc lá giảm sút hơn một nửa.

Còn tại quê nhà Nhật Bản, hoạt động kinh doanh tại Nhật Bản chịu ảnh hưởng bởi dân số già hoá, tỷ lệ sinh giảm, giá cả hàng hóa tăng cao... Nhiều chuyên gia nhận định khách hàng cũng không còn mặn mà với việc mua sắm thực phẩm tại các cửa hàng tiện lợi 7-Eleven.

Hiện tại, ngoài chuỗi cửa hàng tiện lợi, Seven & i Holdings còn vận hành chuỗi siêu thị 100 tuổi Ito-Yokado, nhưng doanh thu từ mảng này không có nhiều tiến triển.

Cổ đông chủ động ValueAct Capital Management LP thời gian qua đã yêu cầu Seven & i tập trung vào mảng kinh doanh 7-Eleven và rút khỏi các lĩnh vực siêu thị, cửa hàng bách hóa. Nhóm này cũng gây áp lực đòi thay thế Tổng giám đốc Ryuichi Isaka nhưng thất bại.

Để ứng phó, Seven & i đã thực hiện các biện pháp tái cấu trúc và khởi xướng việc mua lại cổ phần. Đầu tháng 10, Seven & i Holdings công bố sẽ bắt đầu quá trình bán mảng kinh doanh siêu thị, bao gồm cả chuỗi Ito-Yokado, vào cuối năm nay. Động thái nhằm tập trung cho lĩnh vực kinh doanh cốt lõi là cửa hàng tiện lợi.

Nguồn tin của Nikkei Asia cho biết Seven & i có kế hoạch chào bán cổ phần đa số trong một công ty nắm giữ các chuỗi bán lẻ tổng hợp của tập đoàn. Bên mua tiềm năng là các quỹ đầu tư nước ngoài.

Trước đó, Bloomberg đưa tin rằng Seven & i Holdings đã tiếp cận các quỹ đầu tư tư nhân và các bên khác để chào bán Ito-Yokado và các siêu thị với giá khoảng 320 tỷ yen (2,19 tỷ USD).

Tuy nhiên, người phát ngôn của Seven & i cho biết hiện vẫn chưa có quyết định thực tế nào.

Cuộc cải tổ lớn nhất

Hiện tại, chủ sở hữu 7-Eleven đang bắt tay vào cuộc cải tổ lớn nhất từ trước đến nay. "Chúng tôi sẽ đẩy nhanh quá trình chuyển đổi", ông Ryuichi Isaka, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Seven & i Holdings cho biết.

Vị chủ tịch cũng nhắc đến việc xem xét nắm giữ quyền cổ đông thiểu số trong hoạt động kinh doanh bán lẻ của công ty, sau đó tiến hành tách ra thành một công ty độc lập tên York Holdings.

Cùng với đó, mục tiêu khôi phục lợi nhuận và tập trung phát triển các cửa hàng tiện lợi sẽ được tiến hành song song thông qua 2 chiến lược chính. Một bên sẽ tập trung vào chuỗi cửa hàng 7-Eleven và hoạt động của các trạm xăng, bên còn lại sẽ quản lý các hoạt động bán lẻ ít lợi nhuận.

"Chúng tôi đang làm việc để tập trung nhiều hơn vào việc cung cấp thực phẩm và mục tiêu này sẽ được điều chỉnh theo đặc điểm của từng thị trường", công ty chia sẻ trong báo cáo tài chính mới nhất.

Để quá trình tái cấu trúc diễn ra nhanh chóng hơn, công ty cũng đã công bố chi tiết kế hoạch đổi tên và cắt giảm hàng chục ngành kinh doanh không trọng yếu. Theo dự kiến, nhà bán lẻ Nhật Bản sẽ mang tên mới là 7-Eleven Corp.

Một cái tên mới đi kèm với kế hoạch tái cấu trúc đầy mạnh mẽ, hứa hẹn sẽ giúp biểu tượng trong ngành bán lẻ tại Nhật Bản bước đến một tương lai mới tiềm năng.

Seven & i Holdings,  cua hang tien loi anh 1

Ông Ryuichi Isaka, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Seven & i Holdings. Ảnh: Bloomberg.

Trong lúc này, Seven & i vẫn phải xem xét đề nghị mua lại của Alimentation Couche-Tard, đơn vị sở hữu chuỗi Circle K. Lời chào mua đầu tiên được gửi đến vào tháng 8, với giá đề nghị gần 39 tỷ USD.

Tuy nhiên, đề xuất này đã bị phía Seven & i từ chối với lý do mức giá không phản ánh đầy đủ giá trị thực tế cũng như chiến lược phát triển dài hạn của tập đoàn. Ngoài ra, chủ chuỗi 7-Eleven cũng bày tỏ quan ngại về các rủi ro pháp lý liên quan đến luật chống độc quyền tại Mỹ.

Mới đây, Couche-Tard lại tiếp tục nâng giá mua lên 47 tỷ USD và cho đến hiện tại, Seven & i Holdings vẫn chưa đưa ra thông báo mới về thương vụ này.

Giới quan sát coi đây là phép thử cho hướng dẫn mới của chính phủ Nhật Bản, yêu cầu các doanh nghiệp phải xem xét nghiêm túc các đề xuất mua bán và sáp nhập (M&A).

Thực tế, thương vụ lần này giữa Couche-Tard và Seven & i có thể tạo ra một "gã khổng lồ" với hơn 1.000 cửa hàng tiện lợi khắp toàn cầu. Nhưng cũng vì vậy, thương vụ có thể thu hút sự chú ý từ cơ quan cạnh tranh của Mỹ, chính phủ Nhật cũng có thể ngăn chặn thương vụ hoặc yêu cầu thay đổi các điều khoản.

7-Eleven đóng gần 450 cửa hàng

Seven & i Holdings cho biết đã đóng 444 cửa hàng 7-Eleven vì doanh số chậm lại, lượng khách hàng giảm và áp lực lạm phát.

Chủ 7-Eleven muốn bán chuỗi siêu thị 100 tuổi

Seven & i Holdings đang trải qua giai đoạn tái cấu trúc với kế hoạch rút dần khỏi mảng kinh doanh siêu thị và cửa hàng bách hóa, nhằm tập trung cho chuỗi 7-Eleven.

Ông chủ Circle K khó thâu tóm 7-Eleven

Tập đoàn bán lẻ Nhật Bản Seven & i Holdings Co., công ty mẹ của chuỗi 7-Eleven, đã từ chối đề xuất mua lại trị giá gần 39 tỷ USD từ Couche-Tard, đơn vị sở hữu chuỗi Circle K.

Tri Thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Là nguồn tư liệu cho những người quan tâm và muốn nâng cao kiến thức trong lĩnh vực kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không chỉ đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.

Đọc sách không chỉ giúp người đọc tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.

Anh Nguyễn

Bạn có thể quan tâm