Một cửa hàng 7-Eleven tại Nhật Bản. Ảnh: Bloomberg. |
Theo Bloomberg, trong đề xuất gần nhất, Couche-Tard đưa ra mức giá gần 15 USD/cổ phiếu, tương đương định giá Seven & i vào khoảng 5.500 tỷ yen (tương đương gần 39 tỷ USD).
Con số này cao hơn 21% so với giá trị thị trường của Seven & i vào thời điểm đề xuất ban đầu được công bố, tuy nhiên vẫn thấp hơn mức đỉnh vốn hóa trong vòng một năm qua được ghi nhận hồi tháng 2.
Thực tế, cổ phiếu của nhà điều hành chuỗi cửa hàng tiện lợi Nhật Bản đã tăng mạnh khi các nhà đầu tư cân nhắc khả năng thực hiện thương vụ này.
Mới đây, đơn vị vận hành 7-Eleven đã công bố bức thư phản hồi cho Couche-Tard sau khi ủy ban độc lập của doanh nghiệp xem xét đề xuất.
"Chúng tôi sẵn sàng cân nhắc nghiêm túc bất kỳ đề xuất nào mang lại lợi ích tốt nhất cho các cổ đông và các bên liên quan của Seven & i", Stephen Dacus, Chủ tịch ủy ban đặc biệt được bổ nhiệm bởi ban giám đốc của Seven & i, viết trong thư.
Song, ông cũng khẳng định Seven & i sẽ phản đối bất kỳ đề xuất nào làm mất đi giá trị công ty hoặc không giải quyết thỏa đáng những rào cản về pháp lý.
Trong thư, Seven & i cho rằng mức giá Couche-Tard đưa ra chưa phản ánh đầy đủ giá trị thực tế cũng như chiến lược phát triển dài hạn của công ty này. Ngoài ra, chủ chuỗi 7-Eleven cũng bày tỏ quan ngại về các rủi ro pháp lý liên quan đến luật chống độc quyền tại Mỹ.
Dù vậy, Andrew Jackson, chiến lược gia tại Ortus Advisors Pte, nhìn nhận ít nhất Seven & i cũng đang cởi mở với các cuộc đàm phán tiếp theo, cụ thể là đòi hỏi một mức giá cao hơn.
Cổ phiếu của Seven & i tăng vọt trong quá trình đề xuất thương vụ được xem xét. Biểu đồ: Bloomberg. |
Về phía Couche-Tard, Alex Miller, Giám đốc Vận hành và sắp tới sẽ nhậm chức Giám đốc Điều hành, khẳng định mong muốn hợp tác với Seven & i và tự tin có đủ tài chính cho thương vụ này.
"Chúng tôi nhận thấy cơ hội lớn để cùng nhau phát triển, nâng cao dịch vụ cho khách hàng và mang lại kết quả hấp dẫn cho cổ đông, nhân viên cũng như các bên liên quan của cả hai công ty", ông nhấn mạnh.
Các bên đang theo dõi sát sao diễn biến trong và ngoài nước, vì đây được coi là phép thử cho hướng dẫn mới của chính phủ Nhật Bản, yêu cầu các doanh nghiệp phải xem xét nghiêm túc các đề xuất mua bán và sáp nhập (M&A).
Thực tế, thương vụ lần này giữa Couche-Tard và Seven & i có thể tạo ra một "gã khổng lồ" với hơn 1.000 cửa hàng tiện lợi khắp toàn cầu. Nhưng cũng vì vậy, các động thái có thể thu hút sự chú ý từ cơ quan cạnh tranh của Mỹ, Chính phủ Nhật cũng có thể chặn thương vụ hoặc yêu cầu thay đổi các điều khoản.
Đề xuất mua lại của Couche-Tard được đưa ra trong bối cảnh cổ đông chủ động ValueAct Capital Management LP đang yêu cầu Seven & i tập trung vào mảng kinh doanh 7-Eleven và rút khỏi các lĩnh vực siêu thị, cửa hàng bách hóa. Nhóm này cũng gây áp lực đòi thay thế Tổng giám đốc Ryuichi Isaka nhưng thất bại. Để ứng phó, Seven & i đã thực hiện các biện pháp tái cấu trúc và khởi xướng việc mua lại cổ phần.
Nền kinh tế với độ mở lớn như Việt Nam không thể tránh khỏi những tác động từ xu hướng kinh tế thế giới. Trong thế giới kinh doanh phức tạp và thay đổi liên tục như hiện nay, việc cập nhật kiến thức và hiểu biết về các xu hướng kinh doanh trên thế giới rất quan trọng. Để độc giả có thể tiếp cận những thông tin kinh tế quốc tế mới nhất, Tri Thức - Znews giới thiệu Tủ sách kinh tế thế giới với những cuốn sách và câu chuyện kinh doanh đáng chú ý. Từ việc nghiên cứu các công ty hàng đầu đến việc khám phá những xu hướng kinh tế mới, Tủ sách sẽ là nơi cập nhật các thông tin mới nhất về hoạt động kinh tế toàn cầu.