Một người bị thương khi biểu tình tại Arequipa, Peru ngày 19/1. Ảnh: AP. |
Làn sóng biểu tình tại Peru đã tiếp diễn trong nhiều tuần, với việc người biểu tình yêu cầu thay đổi bộ máy chính phủ, sau khi cựu Tổng thống Pedro Castillo bị bắt. Sự bất mãn về điều kiện sống và bất bình đẳng xã hội cũng khiến các cuộc biểu tình thêm dữ dội.
Máu đã đổ trong các cuộc đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát. Ít nhất 54 người thiệt mạng, 772 người bị thương trong các vụ đụng độ.
Người biểu tình đã tràn ra những tuyến đường ở thủ đô Lima, yêu cầu Tổng thống Dina Boluarte từ chức, và kêu gọi tổng tuyển cử sớm, Reuters cho hay.
Bà Boluarte ngày 19/1 đã kêu gọi đối thoại sau khi đụng độ nổ ra giữa người biểu tình và cảnh sát trong các cuộc tuần hành trên toàn quốc khiến một người chết và 30 người bị thương.
“Một lần nữa, tôi kêu gọi đối thoại, tôi kêu gọi các nhà lãnh đạo chính trị bình tĩnh. Cần phải có cái nhìn chân thực và khách quan hơn về đất nước, hãy đối thoại", bà Boluarte nói trong một cuộc họp báo vào tối 19/1.
Bạo lực leo thang
Chính quyền Peru bị cáo buộc dùng vũ lực quá mức với người biểu tình trong những tuần gần đây, bao gồm sử dụng vũ khí. Cảnh sát đã bác bỏ điều này, nói rằng cách giải quyết của họ phù hợp với quốc tế.
Các kết quả khám nghiệm tử thi trên 17 nạn nhân thiệt mạng trong biểu tình ở thành phố Juliaca ngày 9/1 cho thấy nhiều vết thương do đạn bắn. Vài ngày sau đó, cảnh sát cho biết một sĩ quan đã bị “người lạ mặt” thiêu chết.
Edgar Stuardo Ralón, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân quyền Liên châu Mỹ (IACHR) cho biết có nhiều vết thương do đạn bắn được tìm thấy ở phần đầu và thân trên của những nạn nhân.
Ông Ralon cho biết tình hình tại Peru xấu đi khi những người biểu tình bị coi là “khủng bố” và bị xúc phạm, khiến bầu không khí thêm căng thẳng.
Cảnh sát đụng độ với người biểu tình tại thủ đô Lima, Peru ngày 19/1. Ảnh: AP. |
"Kể cả giới chức trách có nói chúng tôi là tội phạm, khủng bố, chúng tôi không phải vậy. Chúng tôi là công nhân, dân thường đi làm mỗi ngày", người biểu tình Daniel Mamani nói.
Các quan chức Peru đã không công bố chi tiết về những người thiệt mạng trong các cuộc đụng độ. Dù vậy, nhiều chuyên gia nói rằng những người biểu tình đang chịu tổn thất lớn nhất, theo CNN.
“Các nạn nhân chủ yếu là người bản địa đến từ vùng nông thôn Peru, và những khu vực không được quan tâm trong các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội”, Jo Marie Burt, thành viên cấp cao thuộc tổ chức phi chính phủ WOLA (Mỹ), nói.
Vì sao người biểu tình phẫn nộ
Những người biểu tình muốn tổng tuyển cử sớm, yêu cầu bà Boluarte từ chức, thay đổi hiến pháp và trả tự do cho ông Castillo, người đang bị tạm giam để chờ xét xử.
Gốc rễ của cuộc khủng hoảng là những yêu cầu về điều kiện sống tốt hơn đã không được đáp ứng trong hai thập niên, kể từ khi Peru khôi phục chế độ dân chủ.
Kinh tế Peru ghi nhận sự tăng trưởng trong thập kỷ qua, song nhiều người không thu được lợi từ thành quả đó. Các chuyên gia lưu ý đến những tồn tại cố hữu về an ninh, tư pháp, giáo dục, và các dịch vụ cơ bản khác trong nước cũng khiến người dân bất mãn.
Biểu tình diễn ra trên khắp đất nước, nhưng các vụ đụng độ nặng nề nhất chủ yếu xảy ra ở những vùng nông thôn miền Nam, nơi từ lâu đã có mâu thuẫn với người da trắng và dòng dõi tinh hoa.
Người biểu tình đeo mặt nạ phòng hơi cay tại Lima, Peru ngày 19/1. Ảnh: AP. |
Nhiều người khu vực nông thôn ủng hộ ông Castillo. Ông xuất thân từ một vùng nông thôn Peru và tự coi mình là người của nhân dân. Cựu Tổng thống Castillo là một cựu giáo viên và lãnh đạo công đoàn, người chưa bao giờ nắm các chức vụ dân cử cho tới khi được bầu làm tổng thống.
Tình hình chính trị bất ổn
Cơ quan lập pháp nước này cũng bị công chúng hoài nghi. Theo luật Peru, tổng thống và nghị sĩ không được giữ chức trong những nhiệm kỳ liên tiếp. Giới phê bình cho rằng các nghị sĩ sẽ thiếu kinh nghiệm chính trị.
Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu Peru vào tháng 9/2022, 84% người Peru không tán thành công việc của quốc hội. Giới lập pháp bị cho là theo đuổi lợi ích riêng và liên quan đến tham nhũng.
Người biểu tình ở Peru và cảnh sát đối mặt bên ngoài sân bay Alfredo Rodriguez Ballon ở Arequipa ngày 19/1. Ảnh: AP. |
Tình hình bất ổn của đất nước cũng được thể hiện qua các nhiệm kỳ tổng thống. Bà Boluarte đã là nguyên thủ Peru thứ 6 trong chưa đầy 5 năm.
Joel Hernandez Garcia, ủy viên IACHR, nói rằng điều cần thiết để khắc phục khủng hoảng lúc này là đối thoại, cải cách cảnh sát, và bồi thường cho những gia đình có người thiệt mạng trong những cuộc biểu tình.
“Lực lượng cảnh sát phải xem xét lại quy trình để sử dụng vũ lực hợp pháp, chỉ trong trường hợp cần thiết và là phương án cuối cùng", ông nói.
Những cuốn sách để hiểu thêm về Mỹ Latin
Zing giới thiệu tới độc giả các cuốn sách nên đọc để hiểu thêm về Mỹ Latin - một khu vực rộng lớn gồm nhiều quốc gia với nền văn hóa đa dạng.
Độc giả có thể xem thêm tại đây.