Tác giả - nhà báo Thủy Phạm. |
Nhà báo Thủy Phạm tổ chức buổi ra mắt sách đầu tay Mở rộng bán kính đời mình với sự góp mặt của ông xã - nhạc sĩ Dương Thụ, nhiều đồng nghiệp, nhà văn và bạn bè.
Cuốn sách được viết dưới dạng ký sự, ghi lại vô số hành trình trong 22 năm cầm lái của Thủy Phạm như chuyến đi xuyên Việt, Lào, Singapore, Italy, Pháp, Đức, Hà Lan...
Mở rộng bán kính đời mình không dừng lại ở việc ghi chép trải nghiệm về những chuyến đi mà còn chia sẻ nhiều kinh nghiệm hữu ích cho dân lái xe như Bí quyết lái xe trên đường cao tốc, Những kinh nghiệm để thuê xe giá rẻ, Tôi đã nộp phạt nguội như thế nào...
Thủy Phạm tự nhận vướng "nghiệp" cầm lái khá muộn ở tuổi 29. Chị từng không có ý định mua xe hay tự lái xe. Được chồng khuyến khích, chị tập tành lái xe những ngày đầu và nhận ra niềm đam mê xê dịch lớn trong mình.
Sách Mở rộng bán kính đời mình. |
Đam mê và bản lĩnh giúp Thủy Phạm trở thành cái tên được các hãng xe lớn ở Việt Nam tin tưởng gửi gắm chạy thử mỗi khi có dòng xe mới. Phần lớn hành trình của chị là những chuyến đi thử xe, rong ruổi cùng chồng hoặc sinh hoạt cùng hội chị em mê cầm lái.
Hơn 22 năm vượt hàng trăm nghìn km trên mặt đất, đối với Thủy Phạm, là "những ngày được sống với nhiều đời sống khác, để thấy mình rộng mở hơn và cũng bé nhỏ hơn trong thế giới bao la nhưng cũng gần gũi này".
Qua cuốn sách, Thủy Phạm chia sẻ trải nghiệm, truyền cảm hứng đến những ai đam mê xê dịch, đồng thời phản hồi định kiến về phụ nữ lái xe của đàn ông (như trong bài Haruki Murakami đã sai lè như thế nào khi chê phụ nữ lái xe?).
Tác giả cũng dành 1 chương viết Đừng lái xe một mình. Theo chị, công nghệ hiện đại giúp người cầm lái ngày nay có thể nhìn tất cả ngóc ngách của chiếc xe mà không cần di chuyển hay người phụ xe nữa. Dù vậy, họ luôn cần một người ở ghế lái phụ.
"Một lần đi công tác nước ngoài, đồng nghiệp rút lui phút chót với lý do cá nhân nên tôi đi một mình. Nếu đoàn các nước khác đều có 2-3 người đi thì đoàn Việt Nam chỉ có mỗi tôi. Thế là dù phong cách rất đẹp, chiếc xe tuyệt vời nhưng tôi luôn thấy thiếu. Tôi đã nói chuyện một mình hàng giờ liền để lấp vào khoảng trống ấy.
Lúc ấy, tôi nhớ lại lần đi xe bus ở Nhật Bản. Tôi không hiểu vì sao bác tài cứ liên tục thông báo hành trình dù xe có hệ thống tự động làm việc đó. Tôi chợt hiểu nếu bác tài lái xe 8 tiếng hoàn toàn im lặng thì cuộc sống của bác ấy thật kinh khủng. Tóm lại, chiếc xe với công nghệ hiện đại có thể làm thay bạn gần như mọi thứ nhưng có người đồng hành cùng bạn trên những cung đường mới là điều tuyệt vời nhất", tác giả chia sẻ.
Nhạc sĩ Dương Thụ. |
Người đồng hành Thủy Phạm trong nhiều chuyến đi nhất là ông xã chị - nhạc sĩ Dương Thụ. Năm 1995, hai người chung sống, Dương Thụ mua cho chị một chiếc xe máy phân khối lớn để đi lại. Nhà trên cao ở đê sông Hồng, Thủy Phạm thường bị ngã do đường trơn trượt. Nhạc sĩ Dương Thụ nhìn ra điều lạ ở cô gái ngoài đôi mươi "cứ ngã là dựng xe dậy đi tiếp".
Năm 2000, khi hai người vào sống ở TP.HCM, nhạc sĩ đề nghị mua ôtô cho Thủy Phạm đi làm, tác nghiệp nhưng chị phản đối kịch liệt. Dương Thụ nói: "Với người khác, xe là tài sản, với chúng ta, xe chỉ là phương tiện. Nhưng phương tiện sẽ thay đổi cuộc đời chúng ta".
Trong mắt ông, bà xã sống giản dị. Trước chiếc Daewoo Matiz, Thủy Phạm vẫn luôn từ chối mỗi lần chồng đề nghị mua cho chị máy ảnh, máy tính...
Vài tháng sau khi lấy được bằng lái, Thủy Phạm và Dương Thụ thực hiện chuyến đi xuyên Việt đầu tiên trong đời. Hành trình "em dám lái, anh dám ngồi" dài 1.735 km theo đường chim bay thực sự thay đổi cuộc đời Thủy Phạm lẫn đời sống của vợ chồng chị.
Hơn 22 năm, họ cùng nhau rong ruổi trong hơn 10 chuyến xuyên Việt, một số nước Đông Nam Á (như Lào, Thái, Malaysia, Singapore, Philippines, Indonesia), một số nước châu Âu (Anh, Pháp, Đức, Italy, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Bỉ, Hà Lan, Thụy Sĩ, Ba Lan, Czech...).
Dương Thụ giải thích: "Nhiều bạn hay trêu Thủy nói nhiều khi lái xe vì các bạn không hiểu cô ấy say sưa, phấn khích thế nào khi cầm lái. Đời thường, cô ấy không nói nhiều như thế. Tay lái của cô ấy giống như cây đàn và âm nhạc đối với tôi vậy".
"Tôi không quan tâm việc đi để học những gì. Tôi và Thủy đi để sống - đời sống mà nhiều người chưa từng sống. Khi viết cuốn sách này, Thủy hoàn toàn không tự tin vào chính mình. Cô ấy luôn nói "Em chẳng làm được gì cả". Nhưng Thủy thực sự làm được, đã viết đúng những gì mình sống và sống như những gì mình viết. Cuộc đời làm được như thế mới thật là hạnh phúc", ông chia sẻ.
Lắng nghe chồng phát biểu, Thủy Phạm xúc động. Chị nhận định ngắn gọn vai trò của ông trong vô số chuyến đi nhỏ và hành trình lớn - đời mình: "Người khuyến khích tôi đạp chân ga và giúp tôi đạp chân phanh".
Nhà báo Thủy Phạm sinh năm 1971, là cây bút có tiếng trong lĩnh vực văn hóa - giải trí, thể thao và ôtô. Dưới đây là một trích đoạn trong cuốn Mở rộng bán kính đời mình:
Từng du lịch châu Âu vài lần kiểu “truyền thống” là ngồi gật gù trên tàu hoặc xe bus đường dài, là chỉ cần biết “đích đến”, không cần biết “đường đi”, giờ đây chưa bao giờ châu Âu gần với tôi đến thế.
Những ngôi làng nhỏ xinh cổ kính như trong cổ tích. Những con đường đi giữa đồng cỏ xanh mênh mông với đàn bò Hà Lan thong dong gặm cỏ. Buổi hòa nhạc ở nhà hát có lịch sử 800 năm ở thành phố biên giới Pháp - Đức. Xơi món vẹm xanh phô mai đút lò ở quán ăn của ông Leon đến từ Brussel. Thưởng rượu trên con đường rượu vang vùng Alsace nước Pháp…
Là hành trình choáng ngợp từ Napoli, “nơi phải đến trước khi chết”, trở về Sorrento và Almafi bờ biển quyến rũ nhất của nước Italy. Là hành trình “lên đỉnh” theo nghĩa đen của địa lý và theo nghĩa bóng của cảm xúc, ở Sassi di Matera, thành phố trong hang đá có lịch sử 9000 năm, nơi cuộc sống đương đại vẫn diễn ra bên cạnh bối cảnh những bộ phim sử thi Ben Hur, Passion of Christ. Là cuộc gặp tình cờ, cảm động với người nông dân Italy trong cửa hàng nông sản tự cung tự sản, nơi gi gỉ gì gi cái gì cũng chỉ có giá 1 euro (khoảng 25 nghìn đồng) cho 1 cân táo, 1 cân nho, 1 cân hồng, 1 cây bắp cải bự thiệt bự. Tổng giá trị toàn bộ cửa hàng người nông dân ấy không bằng hóa đơn hoàn thuế của một vị khách châu Á tại một outlet hàng hiệu cách đó chừng 20-30 km!