Sáng chủ nhật, 5/7, tại không gian "Cà phê thứ bảy", số 264, đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 3, TP.HCM), chương trình "Thư viện cà phê thứ bảy trẻ" diễn ra trong không khí ấm cúng, dưới sự chủ trì của nhạc sĩ Dương Thụ.
Chương trình ra mắt "Thư viện cà phê thứ bảy trẻ" thu hút đông đảo độc giả trẻ và các nhà khoa học, văn hóa. Ảnh: Đình Ba. |
Nhạc sĩ "mọt sách" và ấp ủ thư viện sách tinh hoa
Vốn là tên tuổi quen thuộc của làng nhạc Việt qua những ca khúc làm say đắm lòng người như Cho em một ngày, Đánh thức tầm xuân, Lắng nghe mùa xuân về…, nhạc sĩ Dương Thụ còn là người tâm huyết với văn hóa Việt.
Với ông, sách là phương tiện truyền tải tri thức văn hóa nhân loại, văn hóa dân tộc thực sự giá trị. Cũng bởi vậy mà 11 năm qua, chuỗi không gian "Cà phê thứ bảy" đã trở thành địa chỉ quen thuộc của nhiều đơn vị, cá nhân giao lưu, nói chuyện về các chủ đề sách, âm nhạc, điện ảnh, văn hóa.
Sau thời gian dài hoạt động, làm cầu nối cho các chương trình về âm nhạc, điện ảnh và sách, nhạc sĩ Dương Thụ đã khai trương mô hình mới phi lợi nhuận. Đó là “Thư viện cà phê thứ bảy trẻ”.
Chia sẻ về điều này, nhạc sĩ Dương Thụ cho hay sách với ông là người bạn tâm giao.
Qua trải nghiệm bản thân, ông nhận thấy đọc sách nhiều và đọc có chọn lọc rất khác nhau. Chọn lọc đúng sẽ đem lại kết quả tốt và ngược lại. Do đó, việc đọc sách rất cần có sự chọn lọc, tham khảo kỹ càng.
Nhạc sĩ Dương Thụ bày tỏ hiện nay, với không gian số, văn hóa Việt, văn hóa thế giới được mở rộng trong mắt giới trẻ. Các bạn trẻ tiếp cận tri thức dễ dàng, nhanh chóng qua các phương tiện, thiết bị số.
Tuy nhiên, việc đọc xô bồ như hiện nay dẫn tới việc chúng ta chứa quá nhiều loại sách nhưng không giúp ích được nhiều, không thiết thực, thiếu định hướng trong văn hóa đọc. Đọc nhiều, nhưng không có sự chọn lọc.
Chính từ suy nghĩ đó, với mong mỏi “cuốn sách tốt làm sao chuyển thành tri thức của mình sau khi lĩnh hội, giúp mình khai phóng bản thân”, nhạc sĩ Dương Thụ lập "Thư viện Cà phê thứ bảy trẻ". Điểm đặc biệt ở thư viện này, trước hết ở sự chọn lựa đầu sách.
Nhạc sĩ Dương Thụ giới thiệu không gian thư viện. Ảnh: Đình Ba. |
Thư viện "sách tinh hoa" hướng tới độc giả trẻ
Phần lớn nguồn sách là sự đóng góp của các mạnh thường quân mà trực tiếp là nhà trí thức lớn hiện nay. Họ là những nhà văn hóa, khoa học như GS Ngô Bảo Châu, GS Nguyễn Văn Ngọc, TS Nguyễn Xuân Xanh…
Thư viện sách nhận sự tư vấn của những người có chuyên môn, am hiểu theo từng lĩnh vực tri thức hoặc hiểu về xuất bản như nhà triết học Bùi Văn Nam Sơn, TS Quách Thu Nguyệt…
Bởi vậy, những đầu sách trong "Thư viện Cà phê thứ bảy trẻ" được chọn từ chính giới tinh hoa, những trí thức tiêu biểu đương đại của nước nhà, theo lời nhạc sĩ Dương Thụ. Đó là cơ sở tốt khi những đầu sách của thư viện đều đã được sự tư vấn, tuyển chọn kỹ lưỡng.
Mặc dù tuổi đời đã xấp xỉ 80, nhạc sĩ Dương Thụ, với những trải nghiệm của tuổi trẻ, định hướng thư viện dành cho đối tượng trước nhất là độc giả trẻ. Dĩ nhiên, thư viện không giới hạn độc giả ở mọi lứa tuổi.
Những đầu sách nằm trên kệ sách đều được lựa chọn kỹ càng và chia theo chủ đề. Ảnh: Đình Ba. |
Dẫu đang trong quá trình hoàn thiện tủ sách với rất nhiều mảng, chủ đề từ văn học, triết học, lịch sử, văn hóa, đúng như ví von của người chủ trì tủ sách - nhạc sĩ Dương Thụ - đa phần tác phẩm trên giá của thư viện là “sách tinh hoa”.
Có thể kể đến những đầu sách giá trị của các nhà văn hóa, nhà báo Việt Nam đầu thế kỷ 20 như Phạm Quỳnh, Phan Khôi, Đào Duy Anh, Vũ Bằng… Hay sách tinh tuyển, như mảng triết học, có thể kể đến: Triết học Âu Mỹ thế kỷ 20, Hành trình của Trần Đức Thảo, Suy tưởng, Heghen mỹ học…
Ngoài không gian thoáng đãng để độc giả đến đọc sách hoặc làm việc trong không gian yên tĩnh, thư viện còn có chỗ để tổ chức sự kiện giao lưu, tương tác tác giả, tác phẩm.
Bên cạnh những đầu sách giấy, thư viện trang bị hệ thống máy tính để độc giả truy cập ebook hoặc tài liệu cần thiết đã được các nhà trí thức giới thiệu, tinh tuyển.