Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tình yêu của nhạc sĩ Dương Thụ với người bạn đời 'cách biệt về thế hệ'

“Từ thiện cảm nghề nghiệp đến chinh phục tài năng của nhau rồi họ cùng về một nhà, làm nên cặp đôi hạnh phúc cho đến bây giờ...”.

Trong bộ tứ âm nhạc Hà Nội - Cường, Phương, Tiến, Thụ (Nguyễn Cường, Phó Đức Phương, Trần Tiến, Dương Thụ) - người tôi biết sau cùng là Dương Thụ. (Nhưng cho đến tận bây giờ tôi vẫn làm việc với ông). Bộ tứ chơi thân với nhau từ thời họ còn tuổi sinh viên, cùng đỗ trường Âm nhạc với điểm cao, cùng có tài và cùng được hâm mộ suốt cuộc đời âm nhạc.

Họ gọi nhau là “Phương gàn”, “Cường cuồng nhiệt”, “Tiến bụi”. Riêng Dương Thụ, ai cũng thấy khó đặt tên để trêu đùa.

Có lẽ vì Dương Thụ luôn mang vẻ nghiêm túc của một thầy giáo. Nguyễn Cường bảo, ông chưa bao giờ nghe thấy Dương Thụ văng tục, một từ tục cũng không. Lẽ thường ở đời người tài không mấy chịu nhau nhưng bốn ông này cho đến giờ nếu nhắc đến, họ vẫn dành cho nhau những lời lẽ tốt đẹp nhất.

Một lần, cùng đón xuân ở cầu truyền hình đêm giao thừa, tôi ngồi cạnh Nguyễn Cường, khi bài: Lắng nghe mùa xuân về của Dương Thụ cất lên, ông bảo, đây là một trong những bài hay nhất về mùa xuân…

Van nghe si Viet anh 1

Nghệ sĩ Dương Thụ và vợ cùng nhau đi chơi tại Phú Yên tháng 11/2015. Nguồn: tienphong.

Còn nhớ hồi Dương Thụ chừng tuổi 50, đi môtô phân khối lớn, quần bò, áo phông, cao lớn đẹp trai, cử chỉ thanh nhã, Dương Thụ là mẫu hình mơ ước của phụ nữ, từ các bà các chị U60 trở xuống, hay các cháu tuổi 18 trở lên. Tôi còn nhớ những gương mặt thẫn thờ, những dòng nước mắt, những tiếng nghẹn ngào của vài ba cô gái khi câu chuyện của họ nhắc đến Dương Thụ, với cuộc hôn nhân sắp tới của ông với người vợ trẻ kém 29 tuổi…

Sinh năm 1943 tại Hà Nội, thuộc gia tộc họ Dương danh giá có hai cụ cố đỗ tiến sĩ triều Nguyễn và làm quan nhà Nguyễn là Dương Khuê và Dương Lâm, cháu họ nhạc sĩ Dương Thiệu Tước và Giáo sư Tiến sĩ Dương Thiệu Tống, Dương Thụ là con gia đình địa chủ nên sau cải cách ruộng đất, gia đình ông ly tán.

Phải tự lập từ nhỏ nhưng Dương Thụ vẫn giữ nguyên vẹn khí chất, phong thái của con nhà nền nếp. Đọc nhiều sách, học nhiều thứ, và thích nhất là âm nhạc, Dương Thụ đi làm để tồn tại và để được học nhạc. Học piano với gia đình nghệ sĩ Thái Thị Sâm tại trường âm nhạc tư thục của cụ Lưu Quang Duyệt ở Hà Nội hồi những năm còn đang học cấp 3, năm 23 tuổi Dương Thụ tốt nghiệp Khoa Văn - Đại học Sư phạm Hà Nội, sau đó dạy học cấp 3 ở Tuyên Quang.

Sáng tác đầu tay Nhớ làng xưa của anh được phát trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam năm 1962 lúc đó Dương Thụ mới 19 tuổi. (Ngày đó bài hát được phát sóng trên Đài là chuyện rất khó, tác phẩm phải có giá trị thuyết phục trước một Ban biên tập có trình độ cao)…

Năm 1972, Dương Thụ thi đỗ vào Khoa Sáng tác của Nhạc viện Hà Nội (cùng đợt với Nguyễn Cường và Trần Tiến), nhưng vì chuyện thành phần kể trên, năm thứ hai đại học Dương Thụ phải quay về Tuyên Quang làm giáo viên dạy Văn.

Sau giải phóng miền Nam ba năm, Dương Thụ chuyển vào làm giảng viên khoa lý luận Đại học Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh.

Bốn năm sau, Dương Thụ toàn tâm toàn ý với âm nhạc. Những sáng tác của ông được công chúng biết đến và yêu thích nhiều vào cuối những năm 90. Âm nhạc của Dương Thụ được phát trên sóng phát thanh truyền hình, xuất hiện trong nhiều chương trình, băng đĩa, được rất nhiều ca sĩ như Thanh Lam, Mỹ Linh, Hồng Nhung, Bằng Kiều, Lệ Quyên, Nguyên Thảo, Nhật Thủy thể hiện... nhưng nhiều nhất vẫn là ba diva: Hồng Nhung, Thanh Lam và Mỹ Linh.

Nhạc của Dương Thụ có dấu ấn riêng (dĩ nhiên), không dễ thích ngay nhưng càng nghe càng thích, và chắc chắn sẽ còn đọng lại lâu dài với thời gian, bởi ở đó chứa đựng những tinh túy của âm nhạc cổ điển, của dân gian Việt, và phong cách trẻ trung của nhạc nhẹ...

Không chỉ sáng tác, ông còn chỉ đạo nghệ thuật cho nhiều đoàn biểu diễn, làm biên tập cho Nhà xuất bản Âm nhạc, Tạp chí Âm nhạc của Hội Nhạc sĩ Việt Nam...

Kết thúc cuộc hôn nhân trước, sau thời gian sống một mình, Dương Thụ kết hôn với Phạm Thị Thu Thủy, một nhà báo sắc sảo, từng có thời làm Phó tổng biên tập Báo Thể thao & Văn hóa. Rồi để góp sức với những “phát kiến/hoạt động” mang ý nghĩa thời đại của chồng ở Cà phê Thứ Bảy, Phạm Thị Thu Thủy đã thôi không làm báo nữa. (Một quyết định rất đáng ngạc nhiên của cặp đôi này).

Họ sống cùng nhau đã trên 25 năm, rất hợp nhau và gắn bó trong mọi khía cạnh cuộc đời, từ âm nhạc, kiến trúc, mỹ thuật và… thời trang. Họ quen nhau năm 1994, khi nhạc sĩ Dương Thụ ra Hà Nội chuẩn bị cho chương trình Nửa thế kỷ bài hát Việt Nam mà ông làm tổng đạo diễn. Một chương trình ghi dấu đặc biệt trong lịch sử âm nhạc Việt Nam thời kỳ đổi mới. Lúc đó, Thủy mới bước chân vào nghề báo sau một thời gian kiếm sống tại Sài Gòn.

Thủy 23 tuổi, nhưng cô có một lượng kiến thức đáng nể trên nhiều phương diện, có thể nói chuyện không dứt trong 8 tiếng liền với một người như Dương Thụ. Rồi sau đó, từ thiện cảm nghề nghiệp đến chinh phục tài năng của nhau rồi họ cùng về một nhà, làm nên cặp đôi hạnh phúc cho đến bây giờ...

Phạm Thị Thu Thủy cho rằng cách biệt về thế hệ mà đi được cùng nhau thì người này sẽ có cơ hội khám phá thế hệ của người kia và cuộc sống sẽ trở nên thú vị. Thủy yêu âm nhạc, thì Dương Thụ có hàng trăm bài hát không chỉ giai điệu đẹp mà ca từ hay, do anh tự viết lời, trong khi không hiếm nhạc sĩ phải phỏng thơ người khác...

Thủy thích vẻ đẹp của kiến trúc không gian, thì Dương Thụ có thể tự thiết kế những ngôi nhà đẹp, trong đó không gian cảnh quan vừa tiện nghi vừa chứa đựng những khát khao thiên nhiên và tự do của tâm hồn Việt. Cả hai đều có chung sở thích khám phá các vùng đất trên toàn thế giới thì Thủy giỏi tiếng Anh, biết lái xe, tự thuê xe, dù là Pháp, Anh, Tây Ban Nha hay Thụy Sĩ, Thủy cũng đặt chỗ và thuê xe địa phương trước, khi đặt chân tới bất kỳ đâu, xe đã có sẵn, bản đồ trong tay, Thủy lái xe đưa chồng đi bất cứ nơi nào cả hai cùng thấy là đẹp, là đáng đến…

Khi còn trẻ, Dương Thụ từng một mình chè chén, thuốc lào nơi vỉa hè để tận hưởng không khí dân dã, tự do, tự tại, thì khi có đôi, Dương Thụ thường cùng Thu Thủy đi khắp bốn phương tận hưởng sự tự do tự tại ở những không gian, vùng đất khác theo một cách khác.

Thủy thích ý nghĩa vợ chồng là “bạn đời” của nhau, hiểu nhau, chia sẻ, bù trừ, yêu thương, thậm chí hy sinh cho nhau.

Trần Thị Trường / Alpha Books - NXB Văn học

SÁCH HAY