Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chuyến đi hỏa táng những thân thể trần tục, dâm dục

Trong "Một chuyến đi", đám lửa thiêu rụi chiếc xe và các nhân vật có một sức nặng, nó là sự hỏa táng những thân thể trần tục, đồng thời thiêu rụi những tâm hồn tội lỗi.

Bao trùm lên Một chuyến đi - tiểu thuyết mới nhất của Nguyễn Nguyên Phước - là sự hoang đường; để rồi dưới ngọn lửa rực cháy, tất cả bị thiêu rụi, tiêu tan trong một nụ cười mãn nguyện.

Chuyến đi hoang đường

Ngay từ đầu, Nguyễn Nguyên Phước đã cố tình tạo ra một câu chuyện hoang đường. Nó bắt đầu ở một bãi xe cũ. Bãi xe này về cơ bản không có xe, chỉ độc một chiếc trầy sơn tróc vảy đầy thảm hại. Qua đôi mắt của Dương (một người không gốc gác), tất cả hiện lên đổ nát, hoang tàn. Cũng qua đôi mắt đó, nhân vật thứ hai trong câu chuyện xuất hiện: một lão tài xế già đầy ma mị, một kẻ kiệm lời, đợi chờ những hành khách để khởi hành "một chuyến đi".

Những nhân vật tiếp theo dần xuất hiện, phá vỡ sự đối trọng giữa Dương và lão tài xế. Đó là một gia đình gồm năm người, không rõ lai lịch, gốc gác và cũng “hắc ám” không kém. Như một người phụ xe nhận thấy đã đủ khách, Nguyễn Nguyên Phước ra lệnh “nổ máy” và chuyến đi hoang đường diễn ra.

Chuyen di hoang duong anh 1
Tiểu thuyết Một chuyến đi. Ảnh: PC

Có thể nói, Nguyễn Nguyên Phước tạo nên một mở đầu rất có không khí. Chiếc xe hoang tàn, bãi xe hoang phế, người tài xế ma mị, những hành khách đáng ngờ. Tất cả dự báo cho một chuyến đi chết chóc.

Chuyện hoang đường này nối tiếp chuyện hoang đường khác. Lão tài xế chết cứng trong tư thế vẫn cầm vô lăng. Chiếc xe vẫn lăn bánh trong đêm tối. Và để thay thế cho gã tài xế chết cứng, Dương (dù không biết lái xe) vẫn là người cầm vô-lăng. Nhưng chuyện hoang đường tiếp theo là chiếc xe tự lái, đưa cả 6 người đến một nơi đồng không mông quạnh.

Cậu chuyện được tiếp nối bởi một ngôi làng với tính chất "hoang đường" không kém. Ngôi làng nằm tách biệt với thế giới bên ngoài, luôn giữ dân số 183 cá thể; không giao tiếp bên ngoài; trưởng làng giữ vai trò dẫn dắt, lao động hết sức thủ công... Sự xuất hiện của 6 người lạ trên chiếc xe hư hỏng khiến cho ngôi làng bình yên trở nên xáo trộn.

Từ chương thứ 3 trở đi, mạch truyện không còn giữ được sự hoang đường và bí ẩn như trước đó. Nó bắt đầu ngập tràn những câu chuyện tình dục, trở thành một nơi hoan lạc trăm lối của những con người chỉ biết lao động ngoài đồng, và hoạt động tình dục một cách công khai, thậm chí không theo luân lý.

Tất nhiên, yếu tố tình dục trong Một chuyến đi cũng được Nguyễn Nguyên Phước xây dựng không theo lề lối bình thường. Sự ăn nằm của Dương với cặp chị em song sinh Linh - Nhi với những câu chuyện hoang đường được thêu dệt một cách tinh vi. Bất thường còn nằm ở chỗ, sự xuất hiện của 6 người lạ khiến dân làng chợt nổi cơn "hứng tình" tập thể. Họ lao vào nhau, gạ tình nhau và ăn nằm với nhau một cách công khai. Quan trọng hơn, họ không hề xem đó là chuyện bất thường…

Tất nhiên không phải đến Một chuyến đi, yếu tố tình dục mới được tác giả đưa vào tác phẩm của mình. Tiểu thuyết gần nhất của anh, Chung một cuộc tình (2017) cũng đậm đặc yếu tố tình dục. Với tác giả, tình dục không chỉ là sự ăn nằm đơn thuần, nó còn là một chìa khoá để mở ra những bi kịch của con người, một thứ "nguyên tội" không gì có thể cứu rỗi.

Trong Một chuyến đi, đám lửa thiêu rụi chiếc xe và các nhân vật ở cuối truyện vì thế có một sức nặng, nó là một sự hỏa táng những thân thể trần tục, thậm chí dâm dục, nhưng đồng thời cũng thiêu rụi những tâm hồn đã phạm phải "nguyên tội". Dù không dự báo trước và khá đột ngột, xong cái kết của tiểu thuyết này là dễ hiểu và có thể chấp nhận.

Mở đầu xuất sắc, kết thúc bế tắc

Với một hình bìa quá "hiền lành", tiểu thuyết mới nhất của Nguyễn Nguyên Phước dễ đánh lừa người đọc. Thế giới trong cuốn sách không hiền lành và dễ chịu, dù hư hoại và không thể cứu vớt như hình ảnh chiếc xe hơi có trên bìa. Và nếu chỉ đọc tựa đề cuốn sách - "Một chuyến đi", độc giả có thể liên tưởng đến những câu chuyện triển khai theo mô-típ "đi, gặp và kể lại".

Tuy nhiên Một chuyến đi không "chạy" theo hướng đó, nó không làm cái nhiệm vụ kể lại, hay trần thuật, mà như là một giấc mộng mị. Tuy nhiên, không có người giải mộng. Nhà văn không làm điều đó, độc giả cũng khó mà giải được. Vì thế, cuốn sách tạo ra một cảm giác mông lung, khó nắm bắt. Phải chăng đó là ý đồ của chính tác giả?

Chuyen di hoang duong anh 2
Cuốn sách dịch của Nguyễn Nguyên Phước gây tiếng vang trong năm 2018. 

Nguyễn Nguyên Phước vẫn thế, luôn là người xử lý những trang đầu tiên một cách xuất sắc. Tuy nhiên, càng triển khai câu chuyện, anh càng bế tắc trong việc đưa ra một cốt truyện rành mạch, với những thắt nút thường rất cao trào nhưng lại nhanh khiến người đọc mất hứng.

Hay nói một cách khác, nhà văn luôn cố gắng tạo ra sự bất ngờ khi dẫn dắt câu chuyện nhưng rồi chính anh lại dẫm phải bẫy của mình, khiến cho câu chuyện giống vốn dĩ như một suối chảy đầy tự nhiên, nhưng các "khúc quanh" lại nhiều vật cản, khiến cho câu chuyện chưa thực sự xuôi dòng.

Tất nhiên, đây là một trong những tác phẩm đáng đọc của văn chương Việt Nam ra mắt trong năm 2019. Với Một chuyến đi Nguyễn Nguyên Phước đã tạo nên một hành trình khá hấp dẫn, hoang đường và bí ẩn đến tận cuối cùng.



Nhã Linh

Bạn có thể quan tâm