Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường, cựu Đại sứ Việt Nam ở Thụy Điển, Mexico, Panama, Peru và Phần Lan Ảnh: Hồng Duy |
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường là cựu Đại sứ Việt Nam ở 5 nước và đang đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển Quan hệ Quốc tế. Trả lời Zing.vn về chuyến công du của ông Tập Cận Bình tới Mỹ, Tiến sĩ Trường cho rằng Trung Quốc khó đạt được những thành tựu vang dội như cuộc hội đàm 2 năm trước đó tại Sunnylands.
- Có thông tin về việc nội bộ Mỹ không thống nhất biện pháp đối phó với Trung Quốc: Hải quân và Nhà Trắng mâu thuẫn nhau. Đây có phải lý do khiến Washington chưa cứng rắn với Bắc Kinh?
Hải quân Mỹ và Nhà Trắng có những khác biệt rõ rệt trong việc đối phó với Trung Quốc ở Biển Đông. Nhà Trắng muốn sử dụng các biện pháp thỏa hiệp mềm dẻo nhằm tránh xung đột với Trung Quốc. Trong khi đó, Hải quân Mỹ mang trên mình trọng trách bảo vệ các tiêu chí của Mỹ về tự do hàng hải, hàng không và muốn chống lại việc Trung Quốc thay đổi nguyên trạng trên Biển Đông.
Đây là một trong những mâu thuẫn lớn giữa Washington và Bắc Kinh trong chuyến công du Mỹ của ông Tập Cận Bình. Hai bên sẽ tìm giải pháp và tiếng nói chung thông qua hội đàm giữa Tổng thống Obama và nhà lãnh đạo Trung Quốc.
- Phía Trung Quốc muốn thể hiện chuyến đi là “quan hệ ngang bằng” so sánh chuyến đi với chuyến của Đặng Tiểu Bình tới Mỹ năm 1979. Quan hệ hai nước thật sự đã ngang bằng chưa?
Thực ra, Mỹ và Trung Quốc là cường quốc và cũng là 2 nền kinh tế lớn mạnh nhất thế giới. Tuy nhiên, chuyến thăm Mỹ năm nay của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rất khác so với chuyến công du của ông Đặng Tiểu Bình năm 1979.
Mục đích chuyến công du Mỹ của ông Đặng Tiểu Bình nhằm tập hợp lực lượng và tranh thủ sự ủng hộ của Mỹ để đối phó Liên Xô. Ngoài ra, chuyến thăm cũng mở đường cho hàng chục nghìn du học sinh Trung Quốc tới Mỹ và hàng loạt hợp tác kinh tế giữa hai quốc gia, đẩy mạnh kim ngạch thương mại giữa 2 nước.
Trong chuyến thăm lần này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phải giải quyết hàng loạt bất đồng với Mỹ trên các lĩnh vực như tin tặc, kinh tế, tranh chấp trên Biển Đông và biển Hoa Đông hay vấn đề tội phạm kinh tế Trung Quốc lẩn trốn tại Mỹ. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng muốn thiết lập mối quan hệ nước lớn kiểu mới với Mỹ.
Tuy nhiên, nếu so sánh chuyến thăm lần này với chuyến công du năm 2013 tại Sunnylands, California, vị thế của Trung Quốc đã xuống thấp hơn. Bắc Kinh hiện phải đối mặt với hàng loạt thách thức cả trong và ngoài nước.
- Mỹ đến giờ vẫn chưa thực hiện tuyên bố đi vào khu vực 12 hải lý quanh các khu vực Trung Quốc bồi lấp trên Biển Đông như tuyên bố hồi đầu năm. Theo ông, Mỹ có biện pháp nào để giải quyết tình trạng bế tắc này?
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, bà Susan Rice, khẳng định Biển Đông là vấn đề quan trọng và sẽ được bàn thảo trong chuyến thăm lần này của ông Tập. Các tướng lĩnh Hải quân Mỹ muốn đảm bảo tự do hàng hải trên biển và không công nhận cái gọi là khu vực 12 hải lý xung quanh các hòn đảo mà Trung Quốc bồi lấp. Nội dung này sẽ xuất hiện trong cuộc gặp giữa 2 nhà lãnh đạo Mỹ - Trung.
Thậm chí, nhiều khả năng các phái đoàn Mỹ và Trung Quốc đã bàn bạc về những vấn đề này trước khi 2 nhà lãnh đạo gặp nhau. Tuy nhiên, đó chỉ là những thỏa thuận ngầm và hiệp định sơ bộ chứ chưa phải tuyên bố chính thức. Cuộc đấu tranh trên Biển Đông giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn sẽ gay gắt và lâu dài.