Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chuyện chàng trai vượt 3.200 km gặp nhà văn Hemingway xin lời khuyên

Hemingway được miêu tả là "người đàn ông cao lớn, hông hẹp, vai rộng, đứng trong tư thế chuẩn bị tấn công kẻ lạ mặt". Đây chính là giây phút định mệnh giữa ông và chàng trai trẻ.

Arnold Samuelson là thanh niên 22 tuổi thích phiêu lưu. Anh ta được sinh ra trong gia đình có cha mẹ là dân nhập cư Na Uy ở vùng Bắc Dakota.

Năm 1934, chàng trai trẻ này hoàn thành chương trình của ngành Báo chí, Đại học Minnesota (Mỹ) và tình cờ đọc truyện ngắn One Trip Across của Hemingway. Tác phẩm sau này trở thành một phần trong tiểu thuyết To Have and Have Not của đại thi hào.

Chàng trai 22 tuổi ấn tượng với những câu chuyện trong đó và vượt 2.000 dặm (hơn 3.200 km) để đến gặp tác giả và tìm lời khuyên cho sự nghiệp viết lách, cũng như những băn khoăn của đời mình.

Nha van Hemingway anh 1

Hemingway (trái) và Samuelson. Ảnh: Severn House Publishers.

Gặp "thần tượng" sau hai đêm ngủ trong đồn cảnh sát

Khi Samuelson đến Key West, Florida, Mỹ, Samuelson phải ngủ ở bến tàu, dùng balo làm gối. Vài giờ sau, cảnh sát xuất hiện, mời anh chàng vào ngủ trong chuồng bò của nhà tù thành phố.

Sáng hôm sau, chàng trai trẻ được thả. Anh gõ cửa nhà Ernest Hemingway. Thái độ của nhà văn khi gặp vị khách lạ là sự khó chịu, chờ đợi câu chuyện mà Samuelson mang đến.

Thời điểm Arnold Samuelson gặp Hemingway, nhà văn người Mỹ khi ấy 35 tuổi. Hemingway được miêu tả là người đàn ông cao lớn, hông hẹp, vai rộng, đứng trong tư thế chuẩn bị tấn công kẻ lạ mặt.

“Khi tôi gõ cửa nhà Ernest Hemingway ở Key West, ông ấy bước ra, đứng thẳng người, nheo mắt vì khó chịu và chờ tôi mở lời. Những thứ tôi đã chuẩn bị lại không thể thốt ra khỏi miệng. Ông ấy đứng hơi khom người về phía trước, tư thế sẵn sàng tấn công hoặc đánh trả”, Open Culture trích lời Arnold Samuelson.

"Bạn muốn gì?" Hemingway nói. Sau một khoảnh khắc lúng túng, Samuelson bắt đầu giải thích anh đi từ thành phố Minneapolis chỉ để gặp ông.

"Tôi đã đọc truyện One Trip Across trên Cosmopolitan. Tôi rất thích nó và muốn gặp anh để nói chuyện”, chàng trai nói. Biết được lý do của vị khách lạ mặt, cơ mặt Hemingway bắt đầu giãn ra.

Tuy vậy, nhà văn trả lời rằng mình đang bận nên mời vị khách phương xa quay lại vào 13h30 ngày hôm sau.

Samuelson trải qua một đêm nữa trong tù. Hôm sau, anh bắt gặp Hemingway ngồi trong bóng râm ở hiên nhà, mặc quần kaki và đi dép lê. Tay ông cầm ly rượu whisky cùng tờ The New York Times.

16 cuốn sách Hemingway khuyên nhà văn trẻ nên đọc

Hai người bắt đầu nói chuyện phiếm. Samuelson đã đề cập những nỗ lực và thất bại trong việc viết tiểu thuyết. Nhà văn cựu quân nhân bắt đầu đưa ra một số lời khuyên cùng 16 cuốn sách mà chàng trai trẻ nên đọc. Theo Business Insider, đó là những cuốn sách:

Nha van Hemingway anh 2

Các cuốn sách Hemingway khuyên chàng cựu sinh viên Samuelson nên đọc để bắt đầu trở thành nhà văn. Ảnh: Esquire.

1. Bà Bovary - Gustave Flaubert.

2. Anna Karenina - Leo Tolstoy.

3. Dân Dublin - James Joyce.

4. Of Human Bondage - Somerset Maugham.

5. Đỏ và Đen - Stendhal.

6. Chiến tranh và hòa bình - Leo Tolstoy.

7. Gia đình Buddenbrook - Thomas Mann.

8. Hail and Farewell - George Moore.

9. Anh em nhà Karamazov - Fyodor Dostoyevsky.

10. The Enormous Room - E.E. Cummings.

11. Đồi gió hú - Emily Bronte.

12. Far Away And Long Ago - William Henry Hudson.

13. The American - Henry James.

14. Khách sạn màu xanh - Stephen Crane.

15. The Open Boat - Stephen Crane.

16. The Oxford Book of English Verse - Arthur Quiller-Couch (biên tập).

Sau đó, Hemingway tới kệ sách của mình, nhặt lên một tập truyện của Stephen Crane và đưa cho Samuelson. Ông cũng tặng thêm cuốn tiểu thuyết Giã từ vũ khí (A Farewell to Arms) của mình cho cây bút trẻ.

“Tôi mong rằng bạn sẽ gửi trả sau khi đọc xong, bởi đây là ấn bản duy nhất tôi có trong số các tiểu thuyết mình đã viết”, nhà văn không quên dặn dò. Hành động này khiến Samuelson không khỏi biết ơn và xúc động.

Ngày hôm sau, anh chàng 22 tuổi định rời đi, nhưng đây chính là lúc mối duyên của hai người bắt đầu. Sau khi trò chuyện nhiều hơn, Samuelson bắt đầu một cuộc phiêu lưu kéo dài một năm với tư cách trợ lý của Hemingway.

Với thời gian gắn bó với nhà văn Mỹ, sau này, Samuelson kể lại cảm xúc và hành trình của mình trong cuốn With Hemingway: A Year in Key West and Cuba (1988).

Chúng ta học được gì từ thói quen của những nhà văn nổi tiếng?

Haruki Murakami hay Ernest Hemingway đều thức dậy từ rất sớm để bắt đầu một ngày làm việc. Trong khi đó, Kurt Vonnegut rèn luyện thể chất bằng việc chống đẩy thường xuyên.

Nhan Nhan

Bạn có thể quan tâm