Những website theo dõi dữ liệu chuyến bay đã phần nào khiến thế giới "phẳng" hơn, khi cách một màn hình, chúng ta có thể biết được hoạt động của những chính trị gia tầm cỡ, những ngôi sao toàn cầu, thu hút sự chú ý của đông đảo công chúng.
Hình ảnh hiển thị dữ liệu chuyến bay trông đơn điệu, song đã thu hút hàng triệu con mắt đổ dồn vào một biểu tượng máy bay liên tục di chuyển trên bản đồ phẳng trong hơn 7 tiếng: Biểu tượng thể hiện lộ trình chuyến bay mang mã hiệu SPAR19 chở Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đến Đài Loan.
Tính chất đặc biệt, căng thẳng, của chuyến thăm này đã biến SPAR19 trở thành chuyến bay được có số lượng theo dõi lớn nhất trong lịch sử thành lập FlightRadar24 - website nổi tiếng cung cấp dữ liệu hàng chục nghìn chuyến bay trên thế giới theo thời gian thực.
Ian Petchenik, Giám đốc truyền thông của FlightRadar24, nói rằng website ghi nhận “mức độ quan tâm chưa từng có” về chuyến bay của bà Pelosi. Cao điểm có khoảng 708.000 người dõi theo ký hiệu nhỏ thể hiện cho chuyến bay SPAR19. Điều này khiến nhiều thời điểm website bị quá tải và sập trong tối 2/8. Tổng cộng, gần 3 triệu người dùng đã theo dõi chuyến bay của vị chủ tịch Hạ viện 82 tuổi.
"Bùng nổ" ở mỗi sự kiện quan trọng
Đây không phải lần đầu Flightradar24 ghi nhận hàng trăm nghìn người theo dõi các chuyến bay, dù những gì họ thấy chỉ là ký hiệu máy bay nhỏ, liên tục thay đổi theo thời gian thực và trông không mấy hấp dẫn.
Song, mức độ quan tâm của người dùng dành cho độ nổi tiếng của những nhân vật xuất hiện trên các chuyến bay đó.
Vào năm 2021, gần 550.000 theo dõi chuyến bay chở chính trị gia đối lập Nga Alexei Navalny trở về Moscow chịu án tù. Số người theo dõi máy bay Global Hawk của Không quân Mỹ bay vòng Ukraine trong xung đột ở Ukraine còn nhiều hơn. Ngoài ra, người dùng cũng từng quan sát chuyến bay sơ tán người Mỹ khỏi Afghanistan vào năm 2021.
SPAR19 trở thành chuyến bay có số người theo dõi nhiều nhất lịch sử thành lập website FlightRadar24. Ảnh: FlightRadar24. |
Lý giải về điều này, ông Petchenik nói rằng người dùng sẽ cảm thấy mình đang tham gia vào một phần của tiến trình lịch sử. Ngoài ra, sự hấp dẫn còn đến từ việc theo dõi lộ trình bay và thảo luận với những người khác trên mạng xã hội.
“Hãy tưởng tượng mọi sự chú ý sẽ đổ dồn vào như thế nào nếu trước đây có thể theo dõi chuyến bay của (cựu Tổng thống Mỹ) Richard Nixon đến Trung Quốc theo thời gian thực”, ông Petchenik nói. Tương tự, dư luận tuần này cũng xôn xao trong những giờ theo dõi SPAR19 bay từ Malaysia, vòng qua Philippines để đến đảo Đài Loan.
Không chỉ các sự kiện quốc tế, website theo dõi chuyến cũng thường đón nhận lượng truy cập lớn của người hâm mộ thể thao theo dõi những ngôi sao đến và đi khỏi câu lạc bộ yêu thích trong kỳ chuyển nhượng, hay chuyên cơ của những ngôi sao nổi tiếng toàn cầu.
Công nghệ đơn giản, giá thành rẻ
Theo dõi chuyến bay dựa trên công nghệ giám sát nguồn mở, được gọi là hệ thống giám sát - phát sóng phụ thuộc tự động (automatic dependent surveillance-broadcast hay ADS-B), cho phép máy bay chia sẻ vị trí và các thông tin khác đến các máy thu sóng.
Bất kỳ ai cũng có thể thiết lập bộ thu ADS-B với bộ dụng cụ giá rẻ. Điều này cho đã biến FlightRadar24 từ một đơn vị có vài bộ thu tín hiệu ở Thụy Điển trở thành mạng lưới khổng lồ với hơn 30.000 máy thu trên toàn thế giới. Các máy thu có phạm vi đến gần 1.000 km, dù tín hiệu có thể chịu ảnh hưởng do địa hình như đồi núi.
Một bộ thu sóng ADS-B có giá thành rẻ và dễ sử dụng. FlightRadar24. |
Để giải quyết khó khăn này, FlightRadar24 đã tham chiếu nguồn từ các máy thu kết hợp với dữ liệu vệ tinh từ Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA). Dù vậy, các đơn vị theo dõi chuyến bay muốn dùng dữ liệu chính phủ phải tuân thủ quy định của FAA rằng chủ sở hữu máy bay có thể yêu cầu xóa thông tin chuyến bay khỏi các website công khai.
Do đó, một vài trường hợp người dùng tìm đến website ADS-B Exchange, được thành lập vào năm 2016 bởi chuyên gia công nghệ thông tin Dan Streufert. Website này dựa vào dữ liệu từ 9.000 máy thu ADS-B do nhiều tình nguyện viên trên thế giới hỗ trợ, và không chịu những rào cản do không liên kết với FAA. Mạng lưới của Streufert do vậy cho phép người dùng theo dõi chuyến bay từ nhiều nhân vật quyền lực muốn được giữ bí mật.
Phương thức tiếp cận dữ liệu mở của ADS-B Exchange giúp nhiều người và các nhà báo biết được hoạt động từ những người nổi tiếng. Năm nay, một lập trình viên 19 tuổi tên Jack Sweeney đã công khai theo dõi lộ trình bay của Elon Musk trên Twitter. Vị tỷ phú người Mỹ sau đó đề nghị trả 5.000 USD để Sweeney xóa bài đăng nhưng đã bị từ chối.
Dù vậy, ông Steufert nói rằng đôi khi các chuyến bay quan trọng sẽ cố tình bật chia sẻ dữ liệu ADS-B. “Khi chiến sự ở Ukraine xảy ra, bạn có thể thấy các máy bay Mỹ cố ý phát tín hiệu vị trí như một cách truyền tải thông điệp".
Chia sẻ thông tin
Ông nói thêm đôi khi nhiều cơ quan cũng sử dụng dữ liệu của ADS-B Exchange, khi mạng lưới từ website này có thể theo dõi những chuyển động mà các cơ quan này đôi khi không tiếp cận được.
“Chúng tôi có nhiều điểm đặt thiết bị giá rẻ ở mặt đất, trong khi các cơ quan chính phủ có nhiều thiết bị tiên tiến nhưng số lượng ít hơn. Mỗi bên đều có ưu và nhược riêng, nhưng việc tiếp cận hệ thống của chúng tôi sẽ cần ít thủ tục hơn.
ADS-B Exchange đôi khi cũng trao đổi thông tin với các nhà chức trách về những vụ máy bay rơi, cũng như từng liên lạc với Bộ Quốc phòng Mỹ, theo ông Steufert. “Họ không nói họ dùng những dữ liệu đó làm gì, nhưng nó giúp giảm bớt chi phí”.
Nhà sáng lập website này nói mình không làm gì sai trái. "Chúng tôi không phân tích dữ liệu. Chúng tôi nhường phần việc đó cho báo chí, nhà nghiên cứu, những người đánh giá chuyến bay đó có ý nghĩa gì. Chúng tôi chỉ muốn chia sẻ nhiều thông tin nhất có thể".