Trong bối cảnh các cuộc biểu tình phản đối chính phủ Sri Lanka ngày càng lan rộng, Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa đã bỏ trốn khỏi đất nước vào hôm 13/7 cùng phu nhân.
Chuyến bay chở ông Rajapaksa nhận được sự chú ý nhiều nhất thế giới, với gần 5.000 người dùng theo dõi vào lúc 14h43 (giờ Việt Nam), theo dữ liệu của Flightradar24. Con số này nhiều gấp 3 lần số người theo dõi một chiếc máy bay của Không quân Pháp ở châu Âu.
Bên cạnh những khủng hoảng chính trị căng thẳng này, nhiều người lại tỏ ra quan tâm cách thức các trang web theo dõi chuyến bay của vị cựu Tổng thống Sri Lanka.
Sai số là điều khó tránh khỏi
Ra mắt từ năm 2006, Flightradar24 là một trang chuyên theo dõi thông tin các chuyến bay theo thời gian thực trên bản đồ, bao gồm tuyến bay, điểm xuất phát và điểm đến, số hiệu chuyến bay, các loại máy bay, vị trí, độ cao, tốc độ…
Ngoài Flightradar24, chuyến bay của ông Gotabaya Rajapaksa cũng có thể được theo dõi trên các nền tảng khác như FlightAware, Flight Board…
Máy bay Boeing 787 Dreamliner chở Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa hạ cánh ở Singapore ngày 14/7. Ảnh: Straits Times. |
Các dịch vụ này sử dụng dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau như ADS-B, MLAT và thông tin từ radar. Những dữ liệu sẽ được tập hợp lại cùng với lịch bay, tình trạng bay của các hãng máy bay và sân bay trên toàn thế giới để cho ra những thông tin chính xác nhất.
Về mặt nguyên tắc, khi máy bay cất cánh, các trang theo dõi sẽ ước tính vị trí của máy bay trong vòng 2 giờ. Với những chuyến bay không xác định được điểm đến, giới hạn thời gian theo dõi là 10 phút. Độ chính xác của vị trí của các chuyến bay thường khá cao nhưng với những chuyến bay dài, sai số thường nằm ở mức 100 km.
Nhiều người cho biết họ thường xuyên sử dụng các trang web này để theo dõi thông tin chuyến bay. “Có những người muốn biết họ có kịp bay về để ăn tối cùng gia đình hay không. Khi đó, dịch vụ FlightAware sẽ đáp ứng nhu cầu đó của họ và cung cấp những thông tin chính xác nhất từ hãng bay”, Daniel Baker, nhà sáng lập FlightAware, nói.
Theo ông, dịch vụ này còn có thể dự đoán lộ trình bay bằng cách lấy dữ liệu từ hãng, lịch trình bay, bảng thống kê số liệu rồi sau đó sẽ ước tính quãng đường.
Kết hợp nhiều nguồn dữ liệu
Trong đó, ADS-B được xem là công nghệ cốt lõi của các dịch vụ theo dõi chuyến bay. Đây là hệ thống giám sát máy bay tự động dựa trên hệ thống thông tin định vị toàn cầu GPS.
Đầu tiên, máy bay sẽ xác định vị trí của mình thông qua hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu rồi phát đi tín hiệu định kỳ cùng với thông tin chuyến bay. Sau đó, các trạm ADS-B của trang web sẽ thu lại những dữ liệu này và hiển thị trên các ứng dụng của mình.
Nhiều người có nhu cầu biết chính xác giờ máy bay hạ cánh, thay vì thông tin ước lượng của hãng hàng không. Ảnh: Business Insider. |
Hiện, Flightradar24 sở hữu hơn 20.000 trạm ADS-B trên khắp thế giới và phủ sóng toàn bộ lãnh thổ nước Mỹ, châu Âu và nhiều quốc gia khác trên thế giới nhằm liên tục thu, phát tín hiệu của các chuyến bay.
Nhưng nhược điểm của công nghệ này là khi càng xa trạm thu phát, máy bay càng phải bay lên cao mới có thể bước vào vùng sóng được bao phủ. Điều này khiến hệ thống ADS-B khó hoạt động trên các vùng biển.
Để khắc phục vấn đề này, các dịch vụ theo dõi bay đã sử dụng hệ thống giám sát đa điểm (MLAT). MLAT có thể tính toán chính xác vị trí dựa trên khoảng cách thời gian mà các máy thu nhận được tín hiệu từ máy bay (TDOA).
Điều này có nghĩa là vị trí của máy bay sẽ được tính toán từ cơ sở mặt đất chứ không phải bằng cách giải mã bản tin nhận được từ máy bay giống như hệ thống ADS-B, làm tăng độ tin cậy và tính chủ động cho hệ thống giám sát.
Không chỉ các chuyến bay dân dụng, chuyên cơ của nhiều người nổi tiếng như Elon Musk cũng bị theo dõi sát. Ảnh: @ElonJet. |
Ngoài ra, Flightradar24 và Flight Aware còn sử dụng công nghệ theo dõi máy bay bằng vệ tinh. Các vệ tinh này sẽ được gắn bộ thu tín hiệu ADS-B và gửi dữ liệu về mạng lưới của trang web. Độ phủ sóng của công nghệ này rất cao nhờ có số lượng vệ tinh khổng lồ và có thể hoạt động trên vùng biển.
Hiện, các trang web như Flightradar24, Flight Aware đã có thể theo dõi hầu hết phương tiện trên không, từ máy bay thương mại, dân dụng cho đến trực thăng, tàu lượn. Chiếc máy bay Boeing 787 Dreamliner đưa vị cựu Tổng thống Sri Lanka bỏ trốn cũng nằm trong diện phủ sóng của dịch vụ này.
Tuy nhiên, thông tin của một số ít các chuyến bay có thể giới hạn hoặc bị chặn do yêu cầu của chủ sở hữu. Đồng thời, mức độ phủ sóng của các dịch vụ theo dõi còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như loại máy bay, loại thiết bị thu phát tín hiệu, cao độ và địa hình của máy bay. Do đó, không phải tất cả các chuyến bay đều được theo dõi theo thời gian thực.
Song, dịch vụ theo dõi chuyến bay này vẫn rất hữu ích với nhiều người và nhiều tổ chức.
“Dịch vụ này cung cấp những thông tin theo thời gian thực, giúp các hãng bay có kế hoạch tốt hơn, đồng thời dự đoán và phòng ngừa những rủi ro. Ngoài ra, bằng cách theo dõi chuyến bay, người dùng có thể sắp xếp trước lịch trình và tránh những chuyến bay bị hoãn hoặc hủy”, nhà sáng lập FlightAware Daniel Baker cho biết.