Anh Mai Anh Phụng là người chuyên thu mua chuột tại ấp Tân Khánh, thị trấn Long Bình, huyện An Phú (gần cửa khẩu Khánh Bình, An Giang). Anh Phụng cho biết, chuột đồng có hai loại ăn được là chuột cơm và chuột cống nhum. Thức ăn chủ yếu của chuột là các loại nông sản và cỏ non, chúng sống ở xa khu dân cư nên ít mầm bệnh. Chuột cơm loại to chừng 5-7 con/kg và loại nhỏ còn gọi là chuột lứa khoảng 12-13 con/kg. Những con chuột này nhìn khác hẳn với loại chuột cống lan ở trong nhà hay dưới miệng cống đô thị. Chuột cống nhum to bằng bắp tay, con lớn to như con mèo và ở “sạch” như chuột cơm.
Theo anh Phụng, thời điểm này trúng vụ thu hoạch lúa của người dân Campuchia. Chuột nhiều, người dân nước này đổ xô đi săn. Mỗi ngày, họ bắt được vài trăm con nhờ dùng sà di hay đuổi cù trong ruộng lúa. Có khi cả trăm người Capuchia vác những bao tải chuột đem qua biên giới bán. Trong mỗi bao, ít thì 100-300 con, nhiều lên tới cả nghìn con chuột. Giá bán mỗi kg khoảng 9-11 Terl (tiền Campuchia), tương đương 35.000-50.000 đồng. Vào mùa khác, mức giá có thể cao hơn khoảng 10.000-15.000 đồng/kg.
Chợ chuột ở cửa khẩu Khánh Bình - An Phú, An Giang mỗi ngày tiêu thụ 3-4 tấn chuột. Ảnh: Ngọc Trinh. |
Anh Chauthep ở xã Bàmbabul, huyên Cỏthum, tỉnh Cầnđal (Campuhia) là một lái chuột xuất hiện trong đoàn xe chở loài gặm nhấm này sang Việt Nam bán. Qua phiên dịch, anh Chauthep cho biết, người dân Campuchia đi bắt chuột rất đông, vì đang vào vụ lúa chín. Có những nhà, cả gia đình đổ xô đi bắt chuột do làm ruộng không hiệu quả, hay bị mất mùa. “Trung bình 1 kg chuột có giá bán bằng 7 kg lúa, nên ai cũng ra đồng bắt chuột. Gia đình tôi có 3 người, mỗi ngày bắt được 170-200 con”, anh nói thêm.
Tại chợ cửa khẩu Long Bình (huyện An Phú, An Giang), chuột đồng tại Campuchia xuất sang được bán nhiều. Các loại chuột cơm, cống, nhum sống trong vùng trồng lúa thần nông và lúa sóc của người Campuchia, con nào con nấy béo mập, thịt mềm, ngon. Chợ này có 15 cơ sở lớn nhỏ chuyên thu mua chuột và động vật hoang dã khác.
Chợ chuột ở cửa khẩu đông nhất vào 2-4h chiều. Riêng ở cơ sở anh Phụng, mỗi ngày trên dưới 5 tấn chuột từ Campuchia được thu mua. Ngoài ra, hàng trăm kg rắn, rùa, ba ba, tắc kè, bò cạp… cũng được người dân đem đến bán tại cơ sở này. Anh Phụng cho biết, cứ gom khoảng 3 ngày lại cho thuê xe tải chở đến các mối lái ở TP.HCM và các tỉnh thành đồng bằng sông Cửu Long.
Chị Cao Thị Hà cho biết, chuột Campuchia chiếm 85% số chuột bán tại cửa khẩu. Ảnh: Ngọc Trinh. |
Chị Cao Thị Hà, chủ cơ sở thu mua chuột ở tại chợ Khánh Bình gần đó nói thêm, mùa này, chuột Campuchia chiếm khoảng 85%. Chuột đồng bắt ở Việt Nam không có nhiều. Trong khi đó, các loại động vật khác ngoài chuột đem qua cửa khẩu bán đã giảm hơn trước.
Theo một lãnh đạo UBND thi trấn Long Bình, huyện An Phú, thông thường sau khi lũ rút, chuột ở vùng lúa Campuchia bắt đầu sinh sôi nảy nở. Mùa đặt bẫy chuột kéo dài từ tháng chạp đến tháng ba âm lịch. “Đa phần những người bắt được chuột đều đem qua chợ cửa khẩu bán vì có giá hơn so với bán tại địa phương bên đó. Chúng tôi cũng đang lo lắng, khi chuột từ Campuchia đem qua đây bán với số lượng lớn, người bán lỡ có làm xổng chuồng là nguy cơ hại mùa màng cho nông dân là rất lớn, vì đây là động vật sinh sản phát tán rất nhanh”, vị này cho biết.
Đại diện Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Phú nói thêm, hiện nay, tại cửa khẩu Long Bình có rất nhiều cơ sở chuyên thu mua chuột đồng của nước bạn Campuchia. Mỗi ngày có khoảng vài tấn chuột từ bên nước bạn đem qua bên này bán. Vì hiện nay chuột là món ăn khoái khẩu của một số thực khách, thịt chuột được chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn, bỗ dưỡng cho người tiêu dùng. Thị trường tiêu thụ mạnh nhất là TP.HCM và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
Ngoài ra, theo vị này, chuột là loại động vật phá hoại mùa màng, nếu thả cửa tự do đem đi tiêu thụ rất có thể xảy ra nguy cơ bùng phát nạn dịch chuột phá hại mùa màng. “Trước tình hình trên chúng tôi cũng đã đề nghị với UBND huyện cần phải có chính sách kiểm tra gắt gao, chỉ cho phép buôn bán qua biên giới loại thịt chuột đã làm sẵn”, đại diện này cho biết.