Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những nghề 'độc' thu nhập ngất ngưởng chỉ có tại Việt Nam

Săn chuột, bắt châu chấu, nhổ tóc bạc thuê,... là những nghề thu nhập cao và độc nhất chỉ có tại Việt Nam.

Ở hầu hết các đền, chùa lớn vào những ngày sóc, vọng, lễ tết... đều có những bà tầm trung tuổi ngồi ở các ban chính để khấn thuê cho phật tử không biết khấn vái, kêu cầu, đông nhất là vào những ngày đầu năm mới, là tháng của lễ hội, chùa chiền.

Nghê khấn thuê mang lại thu nhập cao cho một số người trung tuổi.

Tại các chùa, đền nổi tiếng gần Hà Nội như chùa Bia Bà La Khê, chùa Hương, Chùa Thầy, đền Bà Chúa Kho, đền Trần... đều thấy sự hiện diện của họ. Ngoài ra, các bà khấn thuê này còn kiêm luôn cả việc xóc thẻ, giải thẻ, xin âm dương cho người đi lễ. Mỗi lần khấn hộ như thế, gia chủ sẽ phải trả công khấn ít nhất là 20.000 - 50.000 đồng hoặc tùy tâm. Và cũng chỉ ở đây thì nghề... lạ này mới có "đất dụng võ" để kiếm tiền ngay chốn linh thiêng ở nơi cửa Phật.

Vào những ngày rằm và mùng một tại các đình, đền, chùa khách đến lễ đông nên các bà khấn thuê làm không hết việc. Những người này chỉ cần thuộc một vài bài khấn thơ Nôm trong sách, biến tấu một chút và thay tên đổi họ, sắp xếp lại trật tự các câu từ phù hợp là có thể hành nghề "cúng" ra tiền.

Bắt chuột đồng

Với người dân Kim Trung, Hưng Hà, Thái Bình, “họ nhà tý” là cần câu cơm nuôi sống cả gia đình, bởi họ có thể kiếm được vài chục triệu đồng nhờ nghề này vào mùa vụ.

Có những hộ gia đình thu nhập một mùa vụ vài chục triệu từ nghề bắt, làm thịt chuột.

Trước đây, người dân xã Kim Trung bắt chuột quanh năm, nhưng do nhu cầu tiêu thụ tăng mạnh khiến việc săn bắt trở nên khan hiếm. Hiện nay, nghề bắt chuột chỉ diễn ra vào dịp cuối năm, đó là sau vụ gặt lúa mùa chiêm.

Theo một người dân nơi đây, giống chuột đất có thịt thơm và ngọt hơn chuột đàn nên giá khá cao, từ 70.000 đồng đến 100.000 đồng/kg. Còn chuột đàn có giá 50.000 đồng/kg, nếu bắt trúng một tổ thường thu được hơn 20 con.

Có nhiều cách bắt chuột. Người dân ở đây chỉ cần dùng những trang bị thô sơ sẵn có như cuốc xẻng để đào ổ, đổ nước hoặc hun khói vào hang khiến chúng ngoi ra.

Sau khi bắt được chuột, các thợ mổ nhúng chuột vào nồi nước sôi, sau đó cạo sạch lông, lấy ruột. Quá trình hun chuột cũng phải chú ý để tránh bị cháy, khét hoặc chín không đều.

Trung bình mỗi ngày bắt và làm thịt chuột, mỗi người kiếm được 300.000 – 400.000 đồng.

Với những hộ cả nhà tham gia bắt chuột, thu nhập vào mùa vụ lên đến vài chục triệu đồng. Công việc này giúp nhiều người làng Giáp giàu lên trông thấy.

Bắt “tôm bay"

Các cánh đồng đã thu hoạch xong cũng là lúc người dân có cơ hội kiếm tiền triệu mỗi ngày nhờ việc bắt “tôm bay” hàng ngày.

Nghề bắt châu chấu mang lại thu nhập khủng cho nhiều gia đình ở Hà Nội, Nghệ An sau những mùa gặt.

“Tôm bay” hay còn gọi là châu chấu, không chỉ là món ăn bổ dưỡng mà còn rất được ưa chuộng trong các quán nhậu giá rẻ. Với dụng cụ bắt đơn giản, dễ làm từ chiếc vợt bằng nilong hay lưới có cán cầm là bạn có thể tha hồ vợt khắp các cánh đồng.

Ông Nguyễn Văn Hải, trú tại xóm 14 – Nghệ An cho biết: “Bắt châu chấu không khó mà lại có tiền, vì được các quán ăn nhà hàng ưa chuộng, nên tranh thủ lúc thu hoạch mùa xong tôi và thằng con trai bắt kiếm thêm thu nhập". Ông Hải nói, đây là mùa thứ hai anh bắt châu chấu. Giá thu mua ngay tại chỗ 20.000-50.000 đồng/kg, có ngày hai bố con kiếm được 500.000 đến 600.000 đồng.”

Gia đình anh Nguyễn Văn Mạnh ở thôn Đức Thụ, xã Lê Thanh, Mỹ Đức, Hà Nội là một trong những hộ “xuất khẩu” châu chấu lớn của xã. Mỗi ngày gia đình anh xuất đi cả tấn châu chấu phục vụ thị trường, thu nhập từ vốn và nhân công được trên 2 triệu đồng.

Trong khi đó chị Phan Hà Anh, chủ quán ăn ở xã Diễn Yên nói rằng, cứ đến mùa này là trong thực đơn phục vụ khách lại có thêm món châu chấu. Mùa này châu chấu to béo nên ăn ngon, giá không hề rẻ, khoảng 300.000-400.000/đĩa.

Vậy nên nghề săn châu chấu đang tạo thêm thu nhập cho nhiều gia đình nông dân tranh thủ mùa gặt đã xong. Rất đơn giản mà không cần phải có vốn đầu tư gì nhiều.

Nhổ tóc bạc thuê

Nhiều tiệm massage và tiệm gội đầu ở khu vực Hà Nội đã thi nhau mở ra dịch vụ nhổ tóc bạc thuê, bởi họ biết được nhu cầu của cánh đàn ông và thấy rõ lợi nhuận từ dịch vụ này. Rất đơn giản, họ chỉ cần thiết kế thêm vài căn phòng có kê ghế ngồi nhỏ tóc bạc là được. Chi phí cũng không hề rẻ, rẻ nhất đã là 30.000 đồng/giờ, đắt nhất là 60.000 đồng/giờ, còn chưa kể tiền bo.

Nhổ tóc bạc, nghề mới nhưng mang lại lợi nhuận không nhỏ.

Khi khách vào quán, nằm lên chiếc ghế dài, nghe nhạc nhẹ và lắc lư theo tiếng nhạc. Cùng với đó, các nhân viên massage vùng đầu, dùng nhíp nhỏ từng sợ tóc bạc và miệng không ngừng nói chuyện, khiến cho cánh mày râu vô cùng thích thú và có khi ngủ quên tới 2 – 3 giờ mới về.

Cắt móng cho thú cưng

Hiện nay, dịch vụ trông giữ, làm đẹp cho thú cưng khá đắt khách. Đặc biệt là trong dịp hè, khi các gia đình đi nghỉ mát dài ngày, họ gửi thú đến các trung tâm trông giữ chuyên nghiệp. Giá trông giữ thú cưng tùy thuộc vào cân nặng của chúng: từ 1-10 kg có giá 90.000 đồng/ngày, từ 10-15 kg có giá 130.000 - 150.000 đồng/ngày, từ 15 kg trở lên giá từ 180.000 - 200.000 đồng/ngày. Nếu gia chủ muốn thú cưng của mình được dẫn đi dạo hàng ngày, ở phòng có điều hòa, dùng thực phẩm tươi sống, ngoại nhập, sân chơi riêng… thì phải trả thêm phí.

Các dịch vụ làm đẹp cho chó, mèo với giá cao ngất ngưỡng nhưng luôn hút khách.

Ngoài việc nhận trông giữ, các trung tâm còn cung cấp dịch vụ làm đẹp cho thú như mài móng, ngoáy tai, nhuộm lông… Thực tế, giá cả dịch vụ thẩm mỹ cho thú mèo cưng cũng đắt đỏ không kém gì dịch vụ dành cho người. Tại một trạm thú y trong TP.HCM, nơi đầu tiên đưa ra dịch vụ thẩm mỹ cho chó mèo có niêm yết bảng giá: cắt tai thẩm mỹ 100.000 đồng; cắt lông đuôi: chó nội 10.000 đồng, chó ngoại 15.000 đồng; cạo vôi răng: chó nội 20.000 đồng, chó ngoại 30.000 đồng; cắt móng bàn chân: chó nội 10.000 đồng, chó ngoại 20.000 đồng...

Bên cạnh đó, để phục vụ nhu cầu làm đẹp cho thú cưng, nhiều cửa hàng thời trang dành cho đối tượng này cũng đua nhau mọc lên. Tại đây, khách hàng có thể tìm thấy những bộ trang phục, đồ chơi và cả mỹ phẩm (dầu gội, dầu dưỡng, nước hoa) dành cho con vật yêu quý của mình. Thậm chí, có cả cửa hàng chuyên thiết kế và may trang phục cho thú cưng theo… số đo.

Vá đèn xe hơi

Trên con đường Trần Bình Trọng, quận 5, TP.HCM là vài chục cửa hàng sửa chữa, vá đèn xe hơi ô tô. Ở ngoài Hà Nội, những tiệm sửa xe trên đường Nguyễn Trãi cũng rất đắt khách sử dụng dịch vụ này.

Giá của một lần vá đèn xe hơi khoảng 150.000 tới 250.000 đồng.

Với những chiếc xe được bảo hiểm hai chiều hẳn hoi thì vỡ đèn là chuyện của bảo hiểm. Nhưng với những chiếc xe không có bảo hiểm, hay loại xe hiếm phụ tùng thì vá đèn ở những cửa tiệm ngoài phố là phương án lựa chọn số một.

Các ngành nghề khác lao đao vì kinh tế suy thoái, nhưng nghề này cứ bình bình như vậy chẳng hề ảnh hưởng gì. Dạo một vòng phố lúc nào cũng thấy thợ ngồi làm luôn tay. Theo tham khảo, giá của một lần vá đèn xe hơi khoảng 150.000 tới 250.000 đồng.

Với những vị trí vỡ đơn giản, họ thường làm cho khách để lấy liền. Còn những ca phức tạp, đôi khi thợ phải làm cả ngày hay phải thêm ngày hôm sau nữa, chưa kể nguồn hàng gửi từ các tỉnh lân cận lên sửa chữa. Các xe taxi cũng là khách hàng thân thuộc đến sửa chữa sau những va quệt vỡ đèn xảy ra như cơm bữa.

Lấy “nước thiêng” ở tỉnh Phú Thọ

Thời gian gần đây, người dân Phú Thọ và các khu vực tỉnh lần cận truyền tai nhau về nguồn “nước thiêng” tại ngã ba sông Lô – Đà – Hồng tại Phú Thọ. Lấy nước thiêng không còn là một công việc bình thường nữa mà được coi là “nghề vip” của người dân nơi đây. Theo lời kể thì người lấy “nước thiêng” có thể thu về bạc triệu mỗi ngày.

Có người thu nhập hàng triệu mỗi ngày từ lấy nước thiêng ở Phú Thọ.

Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể lấy được nước thiêng. Đó phải là người có tâm trong sáng, không vụ lợi đặc biệt, sau khi lấy nước về khách phải không so đo, mặc cả tiền nong, vì vậy số tiền khách trả cho “nước thiêng” tùy thuộc vào tâm linh mỗi người, có khi lên tới con số hàng triệu đồng mỗi ngày.

Bà Nguyễn Thị Lan – một người dân bản địa, chuyên làm nghề lấy “nước thiêng” cho biết: “Một can “nước thiêng” lấy từ ngã ba sông Việt Trì về không có giá cả cụ thể, nhưng do liên quan đến tâm linh nên số tiền khách trả cho mỗi can nước là không nhỏ...”.

Muốn đến khu vực rốn nước thiêng, người dân đều phải tới dâng hương tại Chùa Đại Bi trước rồi mới được đi. Trước khi múc nước cần phải làm lễ nhỏ khấn trời, đất, thiên, địa rồi mới lên thuyền và đi dần về phía vụng xoáy – nơi hợp lưu giữa ba con sông và múc nước.

 

http://www.nguoiduatin.vn/nhung-nghe-doc-thu-nhap-ngat-nguong-chi-co-tai-viet-nam-a133957.html

Theo An Nhiên/Người Đưa Tin

Bạn có thể quan tâm