Trên đường từ Bằng Tường đến Quảng Châu thấy tôi có vẻ lo lắng, bất an, Tuân vỗ vai trấn an: “Mình đi buôn nhưng cứ như đi chơi, hãy coi đây là chuyến đi chơi ông ạ, mấy khi được xuất ngoại. Sang bên này sẽ có người dẫn đường, dẫn mối cho mình. Không phải xoắn đâu”.
Luật ngầm trong giới con buôn
Chúng tôi đến Quảng Châu vào 6h30 sáng, dừng chân tại bến xe Việt Tú Nam. Ngoài trời lạnh và vẫn tối om nhưng người “tai” (phiên dịch kiêm dẫn đường) của chúng tôi, anh A Lù (quê ở Sơn Đông ) đã chờ sẵn tại cổng bến, nhanh chóng đưa chúng tôi về khách sạn Đ. trên đường Giải Phóng Bắc. Tiền thuê anh A Lù là 300 tệ/ ngày, bao gồm các dịch vụ dẫn đường, tìm mối hàng, phiên dịch và trợ giúp trong quá trình vận chuyển hàng hóa.
Vì đã đặt chỗ khách sạn của công ty Đ. (có trụ sở ở phố Hàng Mã – Hà Nội) thông qua gã T. nên sau khi đặt chân tới Quảng Châu, ba chúng tôi đi thẳng tới khách sạn Đ. Đây là một khách sạn khá sang trọng nằm ngay tuyến phố chính, chỉ cách trung tâm mua sắm hàng lậu mấy trăm mét. Tuy mới sáng sớm nhưng khách sạn Đ. khá đông khách, theo quan sát của chúng tôi thì chủ yếu là người Việt qua đi buôn.
Con buôn gùi hàng vượt núi. |
Là một lựa chọn khá, tuy nhiên khách sạn Đ. chưa phải là tốt nhất với những “con buôn” giàu kinh nghiệm. “Quảng Châu rộng nên một khách sạn tốt ngoài việc giá cả và chất lượng tốt, còn phải gần các mối hàng để khách tiết kiệm triệt để chi phí đi lại”, A Lù cho biết.
Tại tiền sảnh khách sạn lúc ấy có lố nhố khoảng hơn chục người Việt nữa đang trong tâm thế chuẩn bị đi chợ, chưa đầy một nửa trong số ấy cần đến “tai”. Họ nói chuyện với nhau khá thân thiện, bằng đủ các thứ tiếng Bắc, Trung, Nam. Mặc dù cách Hà Nội hơn 1.000 cây số, nhưng tôi khá bất ngờ và cảm thấy thân thuộc khi xung quanh mình hầu như đều nói tiếng Việt. Ngoài “tai” ra thì lễ tân khách sạn có thể giao tiếp bằng tiếng Việt, đặc biệt là những dân buôn, họ nói chuyện rôm rả với nhau bằng tiếng Việt như chính tại một khách sạn ở Hà Nội vậy.
A Lù nhanh nhảu phụ giúp lễ tân chuyển hành lý của chúng tôi lên tận phòng rồi giục chúng tôi sắp xếp đồ đạc nhanh để còn nhập chợ. Bởi lẽ, chợ ở đây chỉ họp mỗi buổi sáng, cho nên nếu chậm chân thì phải chờ đến sáng hôm sau.
Trên đường đi từ khách sạn đến khu chợ 13 - khu buôn bán đầu tiên trong lịch trình chúng tôi gặp khá nhiều người Việt. Tất thảy họ đều khá nhiệt tình chia sẻ với chúng tôi về các kinh nghiệm cần có để buôn bán bên xứ người. Tôi không hiểu vì sao Tuân và Lan có vẻ không mấy hồ hởi với những người Việt sang đây, còn tôi thì vui lắm, xoắn lấy hỏi han và thậm chí không ít lần buột miệng hỏi về các mối hàng.
Câu chuyện đang vui vẻ bỗng nhiên lắng lại, chỉ còn sự lãnh đạm giữa những người bạn mới. Tôi bất ngờ vì không hiểu vì sao những người này lại thay đổi thái độ, thậm chí dửng dưng với nhau khi có người nào đó hỏi đến mối hàng. Dường như hiểu được thắc mắc của tôi, Lan níu vai tôi nhắc nhẹ “anh đừng bao giờ hỏi ai về mối hàng, chả ai trả lời cho anh đâu. Đi buôn này thành bại là nhờ tìm được mối hàng ngon, nếu họ nói cho anh thì chả khác nào tự sát à”. Sau khi phân tích cho tôi hiểu, Lan đưa ra kết luận: “người Việt có thể chia sẻ với nhau mọi thứ, trừ mối hàng”, anh phải hiểu nguyên tắc số 1 này nhé.
Độc đáo nghề “hướng dẫn viên buôn lậu”
Thành phố Quảng Đông rất sầm uất, rất nhiều ngôi nhà chọc trời và vô số khách sạn, trong đó có không ít khách sạn 5 sao. Tuy nhiên, có một điểm khá đặc biệt của thành phố buôn bán này là hầu như dân bản địa không biết ngoại ngữ. Theo lý giải của anh Q. quản lý khách sạn Đ., người Quảng Đông vốn rất cục bộ và lười học ngoại ngữ, họ chủ yếu giao tiếp bằng tiếng địa phương, rất khó nghe.
Khách sạn Đ. chúng tôi ở là 3 sao nhưng lễ tân không ai nói được tiếng Anh, ngoài quản lý khách sạn nói tiếng Việt thì có hai lễ tân biết nghe – nói tiếng Việt, còn tiếng Anh thì hầu như mù tịt. Chính vì nghịch lý thành phố sầm uất, đô hội và lượng người nước ngoài chiếm tỉ lệ rất đông nhưng dân bản địa lại không chịu nói tiếng nước ngoài, vì thế ở đây xuất hiện một nghề khá đặc biệt. Đó là những người như A Lù. Người Việt đi buôn gọi họ là những anh “tai” chị “tai” mặc dù công việc họ làm chả liên quan gì đến tai cả.
Công việc chính của “tai” là dẫn đường kiêm phiên dịch. Có một điều khá đặt biệt, chỉ cần ở Việt Nam, lên các diễn đàn mạng là có thể săn được số điện thoại của những “tai” uy tín ở Quảng Châu do những con buôn lão luyện để lại. Tuân và Lan có được số điện thoại của A Lù cũng từ một diễn đàn như vậy trước khi quyết định đi buôn.
A Lù cho biết, khoảng 15 năm trở lại đây, nhận thấy người Việt sang giao thương tại Quảng Châu ngày một đông, nghề “tai” có triển vọng, anh và 3 đồng hương thuê một căn hộ nhỏ ở Quảng Châu rồi mưu sinh bằng nghề. “Mỗi tháng tôi đi dẫn khách khoảng 20 ngày, tiền ăn trưa được khách mời, trừ các chi phí cũng để dành được khoảng 3000 tệ gửi về cho vợ con”, A Lù thật thà chia sẻ.
Theo đó, vì lượng khách khắp thế giới đổ về Quảng Châu mua hàng rất lớn nên đội ngũ “tai” ở đây cũng rất hùng hậu, chia làm nhiều nhóm tùy theo ngôn ngữ sử dụng và đối tượng khách hàng của “tai. Dựa theo tiền công của các “tai”, có thể nhận biết được tương đối tầm quan hệ của các “tai” đến đâu. “Có những “tai” đòi tới 1.000 - 2.000 tệ/ngày, nhưng họ sẽ dẫn khách đến những nơi bán hàng giá gốc rất rẻ, thậm chí tới tận xưởng may để đặt hàng. Những nơi này sẽ không bán hàng theo đơn vị chiếc mà là đơn vị trăm, đơn vị nghìn, phù hợp với những nhà buôn lớn”, A Lù cho biết. Thù lao chúng tôi trả anh là 300 tệ/ngày.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tiếng Quảng Châu rất đặc biệt nên người ở nhiều địa phương khác của Trung Quốc khi tiếp xúc với dân bản địa ở đây cũng khó hiểu tiếng Quảng. Vì thế, ngay cả những người Trung Quốc đến Quảng Châu mua hàng vẫn phải nhờ tới “tai”Hiện ở Quảng Châu có tới hàng vạn người làm nghề “tai”, gồm đủ các lứa tuổi. Ngoài ra, sinh viên bản xứ kiếm thêm tiền bằng nghề dẫn khách cũng không phải hiếm.