Hốt bạc từ những hũ gạo ngâm
Có thể nói ở nước ta rất hiếm có nơi nào duy trì được nghề truyền thống 700 năm như làng Chều, xã Nguyên Lý - Lý Nhân - Hà Nam.
Đặc sản tiến vua
Ông Trần Quang Thao - Phó chủ tịch UBND xã Nguyên Lý vui mừng cho biết: “Năm nay làng Chều bội thu rồi. Bánh đa nem mà thị trường hiện có gần như 100% là của làng Chều làm ra. Lượng bánh xuất khẩu sang nước ngoài cũng đạt kỷ lục. Sau 700 năm làm nghề bây giờ là hưng thịnh nhất”.
Ngôi làng nhỏ bé này mỗi ngày xuất ra thị trường hàng trăm tấn sản phẩm. Bánh đa nem làng Chều còn “vượt biển” sang tận Đông Âu và Châu Phi. |
Trong ngôi biệt thự khang trang của ông Trần Văn Tường - Chủ nhiệm CLB bánh đa nem làng Chều trưng bày đủ mẫu bánh đa nem với nhiều chủng loại, màu sắc mẫu mã. Ông Tường bảo, sản phẩm truyền thống của địa phương là kết tinh của lịch sử 700 năm làm nghề. Mỗi người, mỗi nhà đều có một bí quyết riêng nhưng chung một điểm là bánh phải trắng, dẻo và thơm mùi gạo mới. Ông Tường lấy trong tủ ra cuốn sử làng, đó là vào năm 1349 đời vua Trần Dụ Tông, ở làng Chều có gia đình cụ Trần Văn Hám làm nghề xay gạo. Thấy dân làng khó khăn, gạo làm ra tiêu thụ chậm nên cụ Hám đã nghĩ ra cách ngâm gạo rồi giã nhuyễn đem hấp trên nồi nước sôi. Khi nước bột thành bánh mới đem ra phơi nắng, sản phẩm đó được gọi là bánh đa nem, từng một thời trở thành đặc sản cung tiến vua chúa.
Làng Chều từ đó mới theo nghề cụ Hám, gạo đem giã hết thành bột nước rồi chế biến thành bánh đa nem. Trải qua bao thăng trầm, khi đói lúc no làng Chều vẫn giữ nghề truyền thống và phát triển cho đến nay.
Cả làng làm bánh
Ông Trần Văn Tường cho biết: “Làng tôi có 200 hộ dân với 850 nhân khẩu thì 90% trực tiếp làm bánh đa nem, 10% còn lại làm “cai bánh” tức là thu mua bán ra thị trường. Người lớn hay trẻ em đều làm được nghề và cho ra sản phẩm tinh túy nhất”.
Người làng Chều làm bánh đa nem theo cách riêng của họ. Khi các vụ lúa được thu hoạch, họ lựa chọn gạo tẻ chất lượng cao để bánh được đảm bảo. Trải qua nhiều công đoạn: Ngâm gạo, cho vào cối xay, làm chín qua nồi áp suất, đem phơi trên những tấm phên tre…
Nhưng quan trọng là ở bí quyết pha chế nguyên liệu khi gạo được giã thành bột nước. Mỗi nhà, mỗi gia tộc đều có bí quyết riêng, nhà thì dùng muối để bánh đa thêm mặn mà, nhà lại dùng rượu để sản phẩm dẻo hơn. Tuy nhiên, quan trọng nhất là ở khâu tráng bánh. Với kinh nghiệm, họ biết ở nhiệt độ nào thì sản phẩm chín tới và nhiệt độ nào để bánh đa nem có được màu sắc trắng sáng và giữ được hương thơm của gạo.
Thế giới mê bánh đa Chều
Ông Trần Quang Thao - Phó chủ tịch UBND xã Nguyên Lý bảo: “Không biết thế giới họ làm bánh đa nem theo cách nào, công nghệ ra sao, nhưng hiện tại ở Việt Nam thì làng Chều là số 1. Tất cả các khách sạn, nhà hàng đến quán vỉa hè đều đặt hàng bánh đa nem ở đây. Mỗi năm, chúng tôi còn xuất khẩu lượng lớn bánh đa sang nước ngoài, thế giới rất mê bánh làng Chều”. Theo ông Thao, bánh đa làng Chều đã xuất khẩu ra thế giới từ những năm 1970. Còn hiện nay, tại các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước Đông Âu và Châu Phi đều nhập một lượng lớn sản phẩm bánh đa nem do người làng Chều sản xuất.
Ông Trần Văn Tường cho biết, bánh đa ở đây được chia làm 3 loại: cỡ 22cm, 26cm và khoanh tròn đường kính 22cm. Giá bán lại rất rẻ, chỉ 10.000đồng/100 lá bánh. Tận dụng giá bán ấy, nhiều nơi đã về đây mua hàng về bóc tách sản phẩm bán với giá gấp 3-4 lần.
Theo thống kê sơ bộ của ông Tường, mỗi ngày làng Chều xuất ra thị trường trên 100 tấn bánh đa nem. Làng cũng giải quyết cho tất cả lao động địa phương và thu hút nhân công từ nhiều vùng khác. “Từ làng Chều, hiện nay nghề làm bánh đa nem đã phát triển tới 13/20 xóm ở xã Nguyên Lý, đem lại cho làng nghề gần 200 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc ô nhiễm môi trường từ làng nghề là không tránh khỏi khi mùi chua từ nước gạo bốc lên, chúng tôi sẽ sớm giải quyết vấn đề này đem lại sự hài hòa cho làng nghề”, ông Trần Quang Thao - Phó chủ tịch UBND xã Nguyên Lý khẳng định.
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp