Trong thời gian gần đây, ngày càng gia tăng nhiều vụ người gốc Á tại Mỹ phải hứng chịu nhiều lời lăng mạ và sỉ nhục, thậm chí còn bị hành hung bất kỳ lúc nào.
"Là người gốc Á ở Mỹ tức là sẽ có những lúc bạn bị nói thẳng vào mặt những câu như 'Về nhà của các người đi, đây không phải nhà của các người', dù cho đó là nơi bạn sinh ra và lớn lên. Là người gốc Á ở Mỹ tức là bạn phải biết nguy cơ ngày càng lớn bạn sẽ bị đấm vào mặt hay rạch dao vào người khi đang đi bộ về nhà hay ngồi trên tàu, hay đi biểu tình chống bạo lực với người gốc Á", nhiếp ảnh gia Hannah Yoon và nhà báo Jada Yuan viết trên Washington Post.
Đối với cộng đồng gốc Á tại thành phố Atlanta, có đến 6 người phụ nữ đã ra đi và không bao giờ trở lại. Họ nằm trong số 8 người thiệt mạng trong vụ xả súng ở ba tiệm massage tại khu Atlanta ngày 16/3.
Tại hiện trường vụ xả súng, nhiều người châu Á đến đặt những bó hoa và thư tưởng niệm cho các nạn nhân xấu số. Họ quỳ gối và cúi đầu để thể hiện sự tôn trọng, tiếc thương. Họ xuất hiện với nỗi buồn và sự tức giận, bất chấp bao nguy hiểm đang rình rập.
Người châu Á đến hiện trường vụ xả súng để tưởng niệm các nạn nhân xấu số. Ảnh: Washington Post. |
“Han”, một từ trong tiếng Hàn, dùng để chỉ nỗi đau buồn xen lẫn sự giận dữ và bối rối. Nhiếp ảnh gia Hannah Yoon cho biết: “Han nghĩa là một cảm giác bất bình trước những sự bất công, nó cũng bao gồm cả sự bất lực. Tôi đang cảm thấy như vậy”.
Nhiếp ảnh gia Hannah Yoon đang sống ở bang Philadelphia, Mỹ. Suốt 4 năm qua, cô đã dùng ống kính nghệ thuật để khám phá cuộc sống và bản sắc của người Mỹ gốc Hàn. Yoon có cha mẹ là những người Hàn Quốc nhập cư vào bang Ontario, Canada.
Hannah Yoon đã dành 4 ngày 5 đêm tại thành phố Atlanta để ghi lại những hình ảnh và cảm xúc của cộng đồng người gốc Á sau vụ xả súng kinh hoàng trong các tiệm massage.
Cuộc sống vẫn tiếp diễn
Trong ánh đèn đỏ rực từ tiệm massage Aromatherapy Spa, ba thanh niên người Mỹ gốc Hàn cùng bày tỏ lòng thành kính với các nạn nhân.
Một trong số đó là sinh viên đại học Christa Lee. Theo nhiếp ảnh gia Yoon, cô Lee muốn đến tưởng niệm để chấp nhận thực tế đau lòng. Cô ấy thực sự “đau đớn” khi đến hiện trường và cảm nhận bầu không khí tang thương.
Trong văn hóa Hàn Quốc, các gia đình thường quét dọn mộ phần và cúng thức ăn cho người thân đã khuất. Nhiếp ảnh gia Yoon nhận thấy mọi người đã làm điều tương tự trước các tiệm massage.
Họ tụ tập và lần lượt quỳ gối trước tiệm Gold Spa, nơi có 4 người thiệt mạng trong vụ xả súng. Bên ngoài cửa hàng đối diện, Aromatherapy Spa, người dân treo một tấm biển ghi chữ: “Hãy yên nghỉ trên thiên đường”.
Đến tối 19/3, hầu hết người dân đã rời đi, ngoại trừ một nhóm truyền thông đưa tin. Bãi đỗ xe của tiệm Gold Spa khá vắng lặng, chỉ còn một người tiếc thương. Hai câu lạc bộ đêm ở khu lân cận vẫn náo nhiệt như chưa hề có đại dịch và thảm kịch này.
Hoa đặt trước cửa hàng spa, hiện trường vụ xả súng. Ảnh: Washington Post. |
Cô Hannah Yoon nhận xét: “Cuộc sống vẫn cứ tiếp diễn”.
Nghi phạm vụ xả súng đã bị bắt giữ, Robert Aaron Long, 21 tuổi, khai rằng bản thân mắc chứng nghiện tình dục và coi các tiệm massage là nơi "nuôi dưỡng" chứng bệnh của mình. Tuy nhiên, nhiều người đặc biệt trong cộng đồng gốc Á tin rằng nghi phạm ra tay vì kỳ thị sắc tộc.
Theo giáo sư David Palumbo-Liu từ Đại học Stanford, định kiến về phụ nữ châu Á đã tồn tại từ lâu. Ông cho rằng nhiều tác phẩm nghệ thuật cũng cho thấy các nghệ sĩ luôn gán hình ảnh phụ nữ châu Á với các phẩm chất như khoan dung và hy sinh.
Từ đó, giáo sư Palumbo-Liu phân tích vụ xả súng ở Atlanta: “Nghi phạm nói động cơ gây án không phải là thù hận chủng tộc. Song người này lại coi tiệm spa của người châu Á là nơi phục vụ nhu cầu tình dục của đàn ông da trắng”.
Giờ đây, các bậc phụ huynh gốc Á phải tìm cách nói chuyện với con gái để phòng tránh nguy cơ tấn công, trong khi con cái lại cảm thấy lo lắng cho cha mẹ.
Ca sĩ kiêm nhạc sĩ Jennifer Chung cảm thấy bất an khi nghĩ đến người mẹ đang sống ở thành phố San Jose. Nhà của Jennifer khá gần hiện trường vụ xả súng. Trong những ngày gần đây, cô Jennifer hoạt động tích cực trên các diễn đàn trực tuyến.
“Chúng tôi không muốn thể hiện sự yếu đuối, hay dễ bị lợi dụng”, cô nói. “Nhưng đồng thời, chúng tôi cần thời gian để tiếc thương. Tôi không muốn cộng đồng gốc Á luôn phải gồng mình để sinh tồn”.
Tiếng nói chung
Trong số các cửa hàng trên đường cao tốc Buford, có một quầy bán đồ lưu niệm, trưng bày hình Đức Phật và Chúa Jesus. Ban đầu, bà chủ cửa hàng không muốn bị chụp ảnh hay để lộ thông tin cá nhân.
Người phụ nữ này tự nhận mình có đôi bàn tay xấu xí, song đôi bàn tay ấy đã làm việc chăm chỉ để sinh tồn tại Mỹ. Những nạn nhân trong vụ xả súng cũng vậy, họ vất vả kiếm sống và chu cấp cho gia đình.
Người phụ nữ này tự nhận mình có đôi bàn tay xấu xí, song đôi bàn tay ấy đã làm việc chăm chỉ để sinh tồn tại Mỹ. Ảnh: Washington Post. |
Giờ đây người chủ cửa tiệm phải đóng cửa sớm để tránh ở ngoài quá trễ. "Chúng tôi chẳng làm gì sai, tại sao lại giết hại chúng tôi", cô băn khoăn.
Giữa quá nhiều mất mát và đau thương, nhiều người gốc Á vẫn giữ được niềm tin và hy vọng. Một chủ cửa hàng vuốt ve cây kim tiền, nói rằng loài cây này sẽ sớm mang lại may mắn. Một người khác thì tặng cho nhiếp ảnh gia Hannah Yoon lá bùa ghi chữ “Bình an”.
Có thể nói, cộng đồng người gốc Á vẫn đoàn kết để vượt qua thảm kịch này. Cô Yoon nhận xét: “Tôi cảm thấy rõ sự gần gũi và kết nối”.
Trong các cửa hàng, những chiếc đèn lồng đỏ rực rỡ vẫn còn đó, gợi nhớ dịp Tết Nguyên đán và bầu không khí khác hẳn hiện tại. Giờ đây, hàng quán trở nên vắng vẻ khi người gốc Á không dám ra đường.
Một dược sĩ tại tiệm thuốc nói với Yoon bằng tiếng Hàn: “Nghe tin 8 người bị giết, tôi nhìn lên và thấy bầu trời vẫn như cũ. Nhịp sống hàng ngày vẫn phải tiếp diễn. Tôi buồn quá".
Trong một nhà thờ dành cho người Hàn Quốc, ông Joo Young Kim đang vui đùa với con gái của mình, bé Karis. Ông Kim hy vọng các trường học sẽ giảng dạy chuyên sâu về cộng đồng gốc Á, khi bé Karis đủ tuổi đến trường.
Ông nói: “Chúng tôi là một thành phần trong xã hội và là một phần của nước Mỹ. Tôi hy vọng thảm kịch này sẽ soi sáng câu chuyện của những nhập cư và bài học làm người”.
Một quầy bán đồ lưu niệm, trưng bày hình Đức Phật và chúa Jesus. Ảnh: Washington Post. |
Trong các cuộc biểu tình, người Mỹ thuộc nhiều chủng tộc đã góp mặt, cùng phản đối tình trạng bất công với người gốc Á.
Nhiếp ảnh gia Hannah Yoon ngạc nhiên và vui mừng khi thấy những người lớn tuổi cũng tham gia biểu tình. Họ vốn là mục tiêu phổ biến trong nhiều vụ tấn công trên khắp cả nước. Giờ đây, họ dám đứng lên, vai kề vai, kể câu chuyện riêng và góp phần vào tiếng nói chung.