Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chúng ta mua những thứ mình không cần bằng khoản tiền mình không có

Trên thực tế, chúng ta có quá nhiều khoản mua sắm không để nhằm mục đích thỏa mãn một nhu cầu hay thậm chí mang về cảm giác hạnh phúc nhất thời.

Chuyên gia quản lý tài chính Dave Ramsey đã tóm tắt một cách châm biếm tình huống rất nhiều người gặp phải: “Chúng ta mua những thứ mình không cần với khoản tiền mình không có… để gây ấn tượng với những người mình không thích”.

Câu nói trên sẽ rất hài hước nếu nó không đúng một cách tàn nhẫn với thực tế. Chúng ta có quá nhiều khoản mua sắm không để nhằm mục đích thỏa mãn một nhu cầu hay thậm chí mang về cảm giác hạnh phúc nhất thời như nhận định ở những trang trước.

Trong cuộc sống, chúng ta đều đã chứng kiến ví dụ về những người mua các món đồ đắt tiền như một biểu tượng về địa vị, dùng chúng để truyền đạt thông điệp về cuộc sống vật chất thành công của họ với thế giới.

Đó là cặp mua chiếc xe Land Rover hiện đại, hầm hố mặc dù họ chẳng bao giờ rời đường nhựa của ngoại ô, một chuyên viên văn phòng mua đồ hiệu thiết kế vì hãng thời trang đó liên kết với ngôi sao nổi tiếng, một người trẻ mới mua nhà sắm cho mình chiếc máy pha cà phê bằng thủy tinh bởi cô nhìn thấy một ngôi sao Instagram cũng dùng nó.

Don gian hoa cuoc song anh 1

Với nhiều người, mua sắm quần áo chỉ là thú vui để họ theo đuổi một cách vô tâm. Nguồn: thingsiboughtthatilove.

Chúng ta đều muốn tin rằng mình là một phần của tập thể, rằng mình thuộc về một cộng đồng những cá thể có cùng cách suy nghĩ. Đa số chúng ta lớn lên trong nền văn hóa tiêu dùng, bởi vậy rất dễ để nghĩ rằng có thể bỏ tiền ra để được chấp nhận vào một tập thể, có vị trí vững chắc ở đó bằng cách trang bị đúng phụ kiện cho bản thân.

Hãy tự hỏi: Liệu tôi có đang cố gắng gia nhập một phong cách hoặc một nhóm bạn bằng cách mua “đúng” chiếc smartphone, đăng ký “đúng” gói chăm sóc sắc đẹp? Liệu phí thành viên của dịch vụ này có xứng đáng với khoản tiền bỏ ra? Liệu chi tiêu theo cách này có mang tôi tới gần hơn các mục tiêu của mình?

Các chuyên gia trong lĩnh vực chăm sóc bản thân đã sớm nhận ra khả năng nhầm lẫn các trạng thái của con người, và mối nguy hại của việc cố gắng “sửa chữa” sai lầm bằng cách làm thỏa mãn những nhu cầu giả thay vì trực tiếp giải quyết vấn đề thực tế.

Trong những buổi tư vấn xã hội, từ viết tắt HALT được dùng để nhắc nhở rằng chúng ta rất dễ đưa ra những quyết định tồi tệ khi đói (hungry), tức giận (angry), cô đơn (lonely) hoặc mỏi mệt (tired). Khi bình tĩnh hơn, chúng ta có thể nhận ra sai lầm khi khả năng đánh giá của mình với các vấn đề lí trí như lựa chọn mua sắm bị che phủ bởi cảm xúc không liên quan.

Tất cả điều trên không nhằm mục đích hạ thấp bất kỳ ai lựa chọn đầu tư vào các món đồ mang đến niềm vui cho họ, ví dụ như quần áo hàng hiệu. Với vài người, quần áo là một hình thức để thể hiện đẳng cấp, địa vị của bản thân. Tủ quần áo được lựa chọn tỉ mỉ của họ là một lối thoát sáng tạo cho cuộc sống văn phòng mệt mỏi, không có cảm hứng.

Chúng đã luôn là một phần của con người họ, kể cả khi còn là học sinh, họ đã săn tìm những món đồ trong các cửa hàng từ thiện. Nếu bạn giống như vậy, thì quần áo và cách thể hiện bản thân mà chúng mang lại, rõ ràng có quan hệ mật thiết với một trong những giá trị cốt lõi của bạn.

Tuy nhiên, với nhiều người, mua sắm quần áo chỉ là thú vui để họ theo đuổi một cách vô tâm. Chúng ta làm điều đó vì đang cảm thấy nhàm chán, áp lực, đói, bực tức, cô đơn, hay mệt mỏi. Hoặc bởi chúng ta là những người nhút nhát, muốn cố gắng thể hiện chút khiếu thẩm mỹ của mình. Thay vì tích trữ thêm một chiếc áo khoác da chẳng mấy khi mặc, hãy thử giải quyết vấn đề thực sự nằm dưới nhu cầu này.

Mary Conroy / Tân Việt Books - NXB Dân trí

SÁCH HAY