Mở cửa đầu phiên 14/4, sắc xanh là màu chủ đạo trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Tuy nhiên, áp lực chốt lời nhanh chóng xuất hiện với nhiều cổ phiếu khiến VN-Index quay đầu giảm điểm. Đến gần cuối phiên, VN-Index đảo chiều khi áp lực bán giảm.
Chốt phiên giao dịch hôm nay, VN-Index cán mốc 767 điểm, tăng nhẹ 0,2%. HNX-Index cũng có ngày giao dịch hầu như luôn ở dưới mốc tham chiếu. Dù đà giảm điểm bị thu hẹp vào cuối phiên, HNX-Index vẫn đóng cửa với mức giảm nhẹ 0,01%. UPCoM-Index cũng giảm 0,15%.
Thị trường có một phiên “xanh vỏ đỏ lòng” khi độ rộng nghiêng về bên bán. Trên sàn HoSE, 191 mã giảm điểm và 167 tăng. Trong rổ VN30, số mã giảm so với tăng giá là 17-13.
Trước thông tin lợi nhuận của nhóm ngân hàng quốc doanh sẽ giảm ít nhất 40% để hỗ trợ việc hạ lãi suất, các mã CTG (Vietinbank), BID (BIDV) giảm 2%, VCB (Vietcombank) giảm 1%.
Nhiều cổ phiếu ngân hàng khác như HDB (HDBank), EIB (Eximbank), TCB (Techcombank) cũng đóng cửa dưới mốc tham chiếu. Ngược lại, VPB (VPBank) tiếp tục tăng trần, MBB (MBBank), STB (Sacombank) tăng 1%.
Cổ phiếu của các hãng hàng không gồm VJC (Vietjet) và HVN (Vietnam Airlines) điều chỉnh giảm sau thông tin Cục Hàng không yêu cầu các hãng bay chưa mở bán vé từ 16/4 khi chưa được cấp phép.
Nhóm cổ phiếu của các công ty hàng tiêu dùng có phiên giao dịch tích cực hơn so với thị trường chung khi MSN (Masan) tăng 5%, SAB (Sabeco) tăng 2%. Chính MSN cùng VPB là hai mã tác động tích cực nhất lên VN-Index hôm nay.
Trái lại, 5 mã tác động tiêu cực nhất lên thị trường lần lượt là VCB, BID, GAS (PV Gas), VJC, CTG.
Phần lớn thời gian trong phiên 14/4, VN-Index ở dưới mốc tham chiếu. Ảnh: VCSC. |
Thanh khoản thị trường duy trì ở mức cao khi giá trị khớp lệnh đạt hơn 3.300 tỷ đồng. Khối ngoại vẫn bán ròng nhưng xu hướng đã có phần tích cực hơn giá trị bán giảm đáng kể, giảm còn 190 tỷ đồng.
Các mã bị nhà đầu tư nước ngoài tập trung “xả hàng” là VIC (Vingroup – 84 tỷ), BID (58 tỷ), HDB (50 tỷ). Đặc biệt, hai mã đóng vai trò lực đẩy quan trọng nhất cho VN-Index là MSN, VPB cũng nằm trong top 5 mã bị khối ngoại bán ròng với giá trị lần lượt 21 tỷ và 17 tỷ.
Theo MBS, thị trường chứng khoán trong nước duy trì đà tăng nhưng áp lực chốt lời ở nhóm vốn hóa lớn đã xuất hiện nhiều hơn, một số cổ phiếu dẫn dắt vẫn thay nhau đổi trụ để nâng đỡ thị trường và khối ngoại bán ròng đã giảm đáng kể.
“Về kỹ thuật, thị trường đã tăng 12 phiên trong 14 phiên gần đây, qua đó giữ vững vùng hỗ trợ 650 điểm và có thể đang hướng tới vùng 800 điểm. Nhịp rung lắc có thể ở khu vực kháng cự 770-775 điểm”, chuyên gia của công ty chứng khoán này nhận định.
Trong hôm nay, các thị trường châu Á cũng đồng loạt tăng điểm trở lại. Mức tăng mạnh nhất khu vực thuộc về thị trường Nhật Bản khi Nikkei 225 tăng 3,1%. Tại Hàn Quốc, Kospi tăng 1,7%. Hai chỉ số Shanghai Composite và Shenzhen Component của Trung Quốc cũng lần lượt tăng 1,6% và 2,5%.