Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chứng khoán quay đầu phiên cuối tuần, đứt mạch tăng điểm

VN-Index hôm nay không duy trì được đà tăng, đóng cửa ở mức 758 điểm, mất -0,3%. Thị trường hụt hơi trước áp lực chốt lời ngắn hạn ở các cổ phiếu lớn.

Ngay đầu phiên 10/4, VN-Index đã diễn biến tiêu cực khi giảm 8 điểm về mức 751. Thị trường sau đó trở nên cân bằng hơn khi nhóm bluechip tăng giá. Với sự hỗ trợ của các cổ phiếu lớn, VN-Index tăng trở lại và chạm mốc 764 điểm cuối phiên sáng.

Nhưng trong phiên chiều, lực cầu tỏ ra hụt hơi trước áp lực chốt lời ngắn hạn ở nhóm cổ phiếu trụ. VN-Index quay đầu giảm khá nhanh và đóng cửa ở mức 758 điểm, giảm 2 điểm (-0,3%).

Trái với sàn TP.HCM, chỉ số HNX-Index của sàn Hà Nội duy trì được sắc xanh trong toàn bộ thời gian giao dịch hôm nay. Chốt phiên 10/4, HNX-Index tăng 1,1% lên 106 điểm.

Độ rộng thị trường nghiêng về bên bán. Trên sàn HoSE, 165 mã tăng và 187 mã giảm. Trong danh mục VN30, 9 mã tăng và 19 mã đi xuống, 2 mã giữ nguyên mốc tham chiếu.

chung khoan anh 1

VN-Index không nối dài được chuỗi tăng điểm. Ảnh: VNDS.

Nhiều cổ phiếu quan trọng đóng vai trò dẫn dắt thị trường những phiên vừa qua hôm nay giảm giá, tạo áp lực tiêu cực lên chỉ số VN-Index. VHM (Vinhomes) giảm 3%, VIC (Vingroup) giảm 1%, BID (BIDV) giảm 2%, VCB (Vietcombank) giảm 1%.

Nhóm ngân hàng có một phiên giảm đồng loạt sau thông tin dư nợ tín dụng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 lên tới 2 triệu tỷ đồng, chiếm 23% toàn hệ thống cùng ước tính tỷ lệ nợ xấu sẽ tăng. CTG (Vietinbank), MBB (MBBank), STB (Sacombank) cùng giảm 2%, HDB (HDBank) giảm 3%.

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu của hai hãng hàng không là VJC (Vietjet) và HVN (Vietnam Airlines) tăng trần, hỗ trợ thị trường giúp chỉ số không giảm sâu. Các mã khác tác độ tích cực lên VN-Index là GVR (Vietnam Rubber Group) tăng 7%, PLX (Petrolimex) tăng 2%, MSN (Masan) tăng 1%.

Thanh khoản thị trường tiếp tục ở mức cao với giá trị khớp lệnh hơn 3.200 tỷ đồng. Khối ngoại vẫn bán ròng trên cả 3 sàn nhưng tín hiệu lạc quan xuất hiện khi tổng giá trị bán ròng giảm còn hơn 110 tỷ đồng. Trong đó, riêng VIC bị nhà đầu tư ngoại bán ròng 72 tỷ.

“Một phiên điều chỉnh tích cực sau chuỗi tăng liên tiếp là điều cần thiết để hạ nhiệt thị trường. Về kỹ thuật, phiên giảm này không làm ảnh hưởng xu hướng tăng ngắn hạn. Những phiên rung lắc sẽ còn tiếp diễn, thường xảy ra ở khu vực 750-760 điểm”, chứng khoán MBS nhận định.

Các thị trường châu Á hôm nay diễn biến trái chiều dù xuất hiện thông tin tích cực OPEC và đồng minh đạt thỏa thuận giảm sản lượng dầu. Kinh tế Mỹ và châu Âu cũng đem đến tin tốt khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ FED sẽ có thêm gói hỗ trợ 2.300 tỷ USD còn EU cũng vừa đạt thỏa thuận tiếp tục chi 500 tỷ euro hỗ trợ kinh tế.

Chỉ số Kospi của Hàn Quốc tăng 1,3%, mức cao nhất trong khu vực. Ở Nhật Bản, Nikkei 225 có thêm 0,8%. Ngược lại, hai chỉ số Shanghai Composite và Shenzhen Component tại Trung Quốc lần lượt giảm 1% và 1,6%.

Thị trường chứng khoán ổn định, thông suốt trong mọi tình huống

Đây là thông báo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sau khi Thủ tướng ban hành Chỉ thị 16 về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19.

Việt Đức

Bạn có thể quan tâm