Thị trường chứng khoán cơ sở kể từ đầu tháng 4 đã lao dốc mạnh với thanh khoản đột nhiên teo tóp. Trên các diễn đàn, nhà đầu tư đã bắt đầu kháo nhau về việc dồn tiền sang thị trường phái sinh nhằm "gỡ lỗ", tuy nhiên cũng có nhiều người bắt đầu "đổ lỗi" cho kênh đầu tư phòng vệ này đã hút dòng tiền chính.
Trong phiên 13/5, thị trường chứng khoán phái sinh đã lập một kỷ lục mới với gần 441.000 hợp đồng được giao dịch, tổng giá trị tương ứng lên đến 55.710 tỷ đồng, cao gấp 2,5 lần thanh khoản thị trường cơ sở cùng ngày.
KẾT QUẢ GIAO DỊCH PHÁI SINH | ||||||
Nhãn | Tháng 1 | Tháng 2 | Tháng 3 | Tháng 4 | Tháng 5 (đến 25/5) | |
Khối lượng | Hợp đồng | 2688026 | 2198370 | 2975086 | 4053391 | 5406623 |
Giá trị | Tỷ đồng | 405867 | 335694 | 443889 | 591129 | 722325 |
Thanh khoản phái sinh vẫn duy trì mức cao cho đến nay. Lượng giao dịch trung bình từ đầu tháng 5 đến nay vào khoảng 340.000 hợp đồng (hơn 45.000 tỷ đồng/phiên), tức là cao gấp khoảng 2,5 lần mức bình quân đầu năm.
"Cứ khi thị trường cơ sở đi vào chu kỳ điều chỉnh thì chứng khoán phái sinh ngay lập tức có một dòng tiền mạnh", Giám đốc kinh doanh Hội sở SSI Nguyễn Thị Thu Dung nhận định trong chương trình Bí mật đồng tiền.
Bà Dung nhắc lại khi thị trường cơ sở đối diện đợt giảm rất sâu vào tháng 4/2018 thì lượng giao dịch phái sinh cũng đã tăng đột biến lên 2,5-2,7 lần mức bình quân, và điều tương tự cũng xảy ra trong giai đoạn bùng phát Covid-19 hồi đầu năm 2020.
Vị chuyên gia thừa nhận dòng tiền bị rút khỏi thị trường cơ sở có một phần đến từ thị trường phái sinh. Tuy nhiên đây chỉ là một nguyên nhân hợp lý chứ chưa bao hàm đầy đủ các yếu tố tác động.
"Phần cốt yếu nhất đó là dòng tiền của doanh nghiệp trước đây chưa đưa vào hoạt động sản xuất kinh doanh thì người ta mang vào thị trường chứng khoán. Đến bây giờ khi nền kinh tế phục hồi thì dòng tiền sẽ quay ra", bà chỉ thêm nguyên nhân.
Thêm nữa, các con số thống kê từ đầu năm đến nay cho thấy tỷ lệ tiền gửi tiết kiệm của người dân đang tăng dần bởi lãi suất nhích lên, điều này góp phần hút dòng tiền ra khỏi chứng khoán.
Nhà nước cũng đang thực hiện các chính sách thanh lọc mạnh mẽ để làm minh bạch hơn thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản, đưa dòng tiền vào thị trường trật tự hơn.
Từ đó, chuyên gia SSI kết luận dòng tiền trên thị trường cơ sở suy giảm không chỉ vì yếu tố từ thị trường phái sinh mà đó chỉ là một yếu tố phù hợp.
Giám đốc kinh doanh Hội sở SSI khuyến nghị chỉ giải ngân từng phần theo kiểu "ném đá dò đường". Ảnh: BMĐT. |
Nói thêm về xu hướng thị trường cơ sở hiện tại, Giám đốc kinh doanh Hội sở SSI tin rằng thị trường hiện tại cần thời gian để "nghỉ ngơi" sau giai đoạn tăng nóng 2020-2021, dự kiến thời gian tới sẽ dao động trong biên độ hẹp.
Cụ thể, thanh khoản thị trường cơ sở kỳ vọng sẽ nằm trong biên độ bình quân 20.000 tỷ đồng/phiên, thay vì bùng nổ như trước đây quanh 30.000 tỷ đồng. Khi đó thị trường có thể diễn biến như năm 2019, tức là đan xen giữa sóng lên và sóng xuống.
Bà cũng khuyên nhà đầu tư không nên đoán đáy thị trường, bởi thanh khoản hiện tại vẫn còn khá thấp, cho thấy niềm tin của nhà đầu tư vẫn chưa đủ hấp dẫn. Thị trường cần dòng tiền hay một lực cầu đủ lớn để kích hoạt chỉ số đi lên.
"Lượng tiền lớn vẫn đang nằm ngoài thị trường, chưa có tham gia ngay nên để xác định đâu là đáy thì vẫn chưa đủ cơ sở. Nhà đầu tư muốn dò đáy thì chỉ nên giải ngân từng phần theo kiểu ném đá dò đường", chuyên gia khuyến nghị.
Ngoài ra, yếu tố lạm phát cũng tác động rất xấu đến chứng khoán. Do đó nhà đầu tư tầm nhìn ngắn và trung hạn nên quan sát thêm dòng tiền, tín hiệu thị trường để lựa chọn đúng nhóm ngành đầu tư.
Chẳng hạn khi lạm phát tăng thì lãi suất tăng và đồng USD lên giá. Chuyên gia SSI gợi ý có thể lựa chọn các doanh nghiệp xuất khẩu để hưởng lợi từ đồng USD tăng giá, hay lựa chọn doanh nghiệp có tỷ trọng tiền mặt cao và nợ vay thấp để né yếu tố lãi suất.