Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Chứng khoán Việt Nam sẽ điều chỉnh giảm theo xu hướng chung toàn cầu

Giám đốc ADB khẳng định thị trường tài chính của Việt Nam vẫn duy trì khả năng phục hồi bất chấp các thách thức trên toàn cầu, nhưng những khó khăn đã bắt đầu xuất hiện.

Thi truong tai chinh anh 1

“Bất chấp những khó khăn, thách thức từ đại dịch, thị trường tài chính của Việt Nam vẫn duy trì khả năng phục hồi trong năm 2021 và 2022 nhờ nền tảng kinh tế vững chắc", ông Andrew Jeffries - Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam - khẳng định tại hội thảo do Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đồng tổ chức ngày 25/5.

"Tuy nhiên, rủi ro đang xuất hiện trên thị trường tài chính. Các khoản nợ xấu ​​sẽ tăng nhanh sau khi một số chính sách điều tiết hết hiệu lực vào cuối năm 2021. Những vụ gian lận gần đây trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp cho thấy các khiếm khuyết trong quản trị doanh nghiệp và lỗ hổng pháp lý", ông nói thêm.

Thi truong tai chinh anh 2

Kinh tế Việt Nam đang phục hồi khá nhanh nhờ thay đổi chiến lược phòng chống dịch phù hợp.

Rủi ro đã xuất hiện

Theo báo cáo của các chuyên gia ADB và BIDV, nền kinh tế Việt Nam đã gặp khó khăn, tăng trưởng thấp trong năm 2020-2021. Tuy nhiên, nền kinh tế đang phục hồi khá nhanh nhờ thay đổi chiến lược phòng chống dịch phù hợp, mở cửa trở lại từ đầu quý IV/2021.

Tăng trưởng quý IV/2021 đạt 5,22% (từ mức -6,02% của quý III/2021), giúp tăng trưởng cả năm đạt 2,58%, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp 1,84%.

Các khoản nợ xấu ​​sẽ tăng nhanh sau khi một số chính sách điều tiết hết hiệu lực vào cuối năm 2021. Những vụ gian lận gần đây trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp cho thấy các khiếm khuyết trong quản trị doanh nghiệp và lỗ hổng pháp lý

Ông Andrew Jeffries - Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam

Trong bối cảnh đó và phù hợp xu hướng tăng chung của thị trường tài chính toàn cầu, thị trường tài chính Việt Nam duy trì đà tăng trưởng tích cực nhờ kinh tế vĩ mô ổn định, một số chính sách tài khóa và tiền tệ hỗ trợ người dân, doanh nghiệp được triển khai (khoảng 4% GDP trong hai năm 2022-2023), một số lĩnh vực, ngành nghề vẫn phát triển tốt.

Năm 2021, lợi nhuận ròng của các doanh nghiệp niêm yết trên cả 3 sàn (HOSE, HNX, UPCOM) tăng 49,5%. Lợi nhuận trước thuế của 29 ngân hàng thương mại (NHTM) - chiếm đến 80% thị phần - tăng gần 32%, chi phí hoạt động giảm 15%.

Tỷ lệ bao phủ nợ xấu tăng lên mức 152% (từ mức 105% năm 2020), trong khi ngành ngân hàng tiếp tục các chương trình cơ cấu lại nợ và hỗ trợ khách hàng chịu tác động bởi dịch Covid-19.

Năm 2021, VN-Index tăng 35,7%, vốn hóa thị trường cổ phiếu tăng 48,4%, thanh khoản thị trường tăng 253%. Huy động vốn qua TTCK đạt 757.000 tỷ đồng (tăng 62%), trong đó phát hành TPDN tăng 42% so với năm 2020. Lượng nhà đầu tư mới đạt kỷ lục (1,5 triệu tài khoản), gấp gần 1,5 lần tổng số của 4 năm trước đó.

Nhưng theo báo cáo, thị trường ngân hàng cũng xuất hiện rủi ro như nợ xấu tiềm ẩn gia tăng, tội phạm tài chính tăng. TTCK sau giai đoạn phát triển nhanh đang có những điều chỉnh giảm điểm, xuất hiện thao túng giá, vi phạm công bố thông tin, cho vay ký quỹ tăng nhanh, nhà đầu tư dùng đòn bẩy tài chính nhiều, tâm lý đám đông dẫn dắt.

Giảm điểm cùng đà chung của chứng khoán thế giới

Bước sang năm 2022, nền kinh tế thế giới được dự báo tiếp tục phục hồi nhưng sẽ chậm hơn (tăng trưởng 3,2-3,6%) do diễn biến dịch bệnh còn phức tạp, chiến sự Nga - Ukraine nổ ra cùng với các lệnh trừng phạt, tiếp tục đứt gãy chuỗi cung ứng, giá cả hàng hóa và dịch vụ, lạm phát toàn cầu tăng cao (từ mức 3,8% năm 2021 có thể lên 6% năm 2022).

Các nước buộc phải thu hẹp chính sách tài khóa, tiền tệ, tăng lãi suất, khiến đà phục hồi chậm lại và rủi ro tài chính - tiền tệ gia tăng. TTCK toàn cầu điều chỉnh giảm điểm, tiến tới ổn định hơn.

Theo báo cáo, với tiến trình mở cửa nền kinh tế, kiên định chiến lược “sống chung an toàn với virus”, nhiều giải pháp để giảm thiểu tác động tiêu cực từ chiến sự Nga - Ukraine và kiểm soát đà tăng giá cả, lạm phát, cùng với việc thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH 2022-2023, kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ phục hồi tốt hơn trong năm 2022.

Tăng trưởng của Việt Nam có thể đạt 5,5-6% (kịch bản cơ sở) và cao hơn trong năm 2023. Tuy nhiên, lạm phát tăng khá mạnh, có khả năng lên 3,8-4,2% năm 2022 và duy trì mức 4% năm 2023.

"Thị trường tài chính Việt Nam năm 2022 sẽ được hưởng lợi từ sự phục hồi này, nhưng cũng có những bước điều chỉnh giảm điểm cùng với đà chung của chứng khoán thế giới", báo cáo dự báo.

Cùng với tác động từ những chính sách, biện pháp chấn chỉnh thị trường của Chính phủ và các cơ quan chức năng, thị trường được kỳ vọng sẽ phát triển ổn định, lành mạnh và bền vững hơn.

Lợi nhuận toàn ngành ngân hàng được kỳ vọng tăng trưởng bình quân khoảng 20-25% so với năm 2021. Tăng trưởng tín dụng dự kiến đạt mức 14-15%.

Thi truong tai chinh anh 3

Thị trường tài chính Việt Nam năm 2022 có những bước điều chỉnh giảm điểm cùng với đà chung của chứng khoán thế giới.

Vấn đề hoàn thiện thể chế (gồm cả cơ chế xử lý nợ xấu, quản lý mô hình kinh doanh mới…), phối hợp chính sách kiểm soát ổn định vĩ mô (lạm phát, tỷ giá, mặt bằng lãi suất…), tăng vốn, chuyển đổi số và thực hiện Chương trình phục hồi của hệ thống ngân hàng sẽ tiếp tục được chú trọng.

Đối với TTCK, thị trường cổ phiếu được dự báo sẽ có những điều chỉnh cần thiết, đi vào ổn định hơn, lành mạnh hơn. VN-Index có thể tăng nhẹ (tăng 8% đạt 1.610 điểm, theo kịch bản tích cực) hoặc giảm nhẹ (giảm 4% về mức 1.440 điểm, theo kịch bản tiêu cực).

Khối lượng phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP) dự kiến không đổi so với năm 2021 do quy mô đáo hạn TPCP thấp hơn các năm trước, góp phần làm giảm áp lực phát hành thêm TPCP để cơ cấu lại nợ công.

Theo dự báo, thị trường TPDN sẽ tiếp tục phát triển theo hướng minh bạch, lành mạnh hơn, khi các quy định được ban hành theo hướng chặt chẽ hơn, cùng với việc tăng cường quản lý, giám sát để giảm bớt rủi ro cho các chủ thể tham gia thị trường.

Một số kiến nghị chính sách được những diễn giả, chuyên gia và đại biểu đưa ra tại hội thảo bao gồm tạo điều kiện để các tổ chức tín dụng tăng vốn, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, chính sách liên quan đến xử lý nợ xấu, lành mạnh hóa thị trường cổ phiếu và TPDN.

Cùng với đó là tăng cường quản lý rủi ro hệ thống tài chính, đẩy nhanh xây dựng thể chế, hành lang pháp lý cho quản lý, phát triển kinh tế số, tài chính - ngân hàng số, khuyến khích phát triển tài chính xanh như tín dụng xanh, trái phiếu xanh.

Chuyên gia IMF: Việt Nam nên thắt chặt tiền tệ nếu lạm phát kéo dài

Những thách thức toàn cầu có thể đẩy lạm phát tăng cao. Chuyên gia IMF cảnh báo nếu lạm phát kéo dài dai dẳng, Việt Nam có thể cần phải thắt chặt chính sách tiền tệ.

Apple muốn dời hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang Ấn Độ và Việt Nam

Apple đã tìm cách chuyển dây chuyền sản xuất khỏi Trung Quốc từ trước dịch. Những gián đoạn vì làn sóng Covid-19 mới thôi thúc nhà sản xuất iPhone tính đến các lựa chọn khác.

Thảo Cao

Bạn có thể quan tâm