Thị trường chứng khoán trong và ngoài nước đang trải qua những biến động khá tiêu cực. Khối phân tích các công ty chứng khoán phần lớn vẫn đưa ra các khuyến nghị thận trọng, hạn chế mua mới và cơ cấu danh mục theo hướng phòng thủ để giảm thiểu rủi ro.
Nhà đầu tư mới đã quen với thị trường "nắng đẹp" thì những ngày "mưa giông" sẽ dễ có cảm xúc chán chường. Một phần đã rút lại tiền mặt, thậm chí có thể rời bỏ thị trường khi niềm tin bào mòn.
Thanh khoản cơ sở teo tóp
Tâm lý bi quan đang thể hiện khá rõ trên bảng điện tử khi mà các chỉ số chứng khoán đều lao dốc mạnh. Giá trị khớp lệnh trên HoSE rơi xuống dưới 10.300 tỷ đồng trong phiên gần nhất, mức thấp nhất trong vòng 16 tháng qua.
Thanh khoản hụt hơi đã là mang tính xu hướng trong thời gian dài thay vì các đợt thấp điểm như nghỉ lễ trước đây. Từ mức bình quân 30.000 tỷ đồng/phiên cuối năm 2020 thì gần đây chỉ giao dịch chỉ quanh 15.000 tỷ đồng.
Nhà đầu tư sẽ mất khá lâu để có thể thấy những phiên bùng nổ liên tục với giá trị giao dịch lên đến hàng tỷ USD như giai đoạn trước, thay vào đó sẽ phải quen dần với mức thanh khoản thấp khi không còn môi trường tiền rẻ.
Mặt bằng lãi suất trong nước duy trì ở mức thấp trong đại dịch để hỗ trợ nền kinh tế vượt qua khó khăn. Tuy nhiên trước các áp lực lạm pháp và các động thái trên thị trường quốc tế, Việt Nam cũng khó nằm ngoài xu thế tăng lãi suất và các biện pháp thanh lọc thị trường có thể khiến dòng tiền vào thị trường vốn suy giảm đáng kể.
CEO Passion Investment tin rằng thị trường vẫn chưa tạo đáy. Ảnh: BMĐT. |
Về mặt điểm số, VN-Index hiện đã lấy lại ngưỡng tâm lý quan trọng 1.300 điểm tuy nhiên đã rơi khoảng 15% kể từ vùng đỉnh lịch sử hồi đầu năm. Tài khoản các nhà đầu tư mua cổ phiếu đầu cơ hoặc dùng margin có thể mất hơn gấp đôi mức trung bình trên.
Ông Lã Giang Trung - CEO Passion Investment nói rằng việc xác định thị trường đã tạo đáy hay chưa cũng rất khó nói. Trong ngắn hạn thị trường có thể hồi phục lại đáng kể nhưng sau đó cũng có thể lại lao dốc tiếp.
"Khi nào kết thúc một chu kỳ giảm để xác lập xu hướng đi lên thì mới gọi là đáy. Hiện tại, đây không phải là đáy của thị trường", ông Trung dự báo.
CEO Passion Investment cho rằng trong thị trường giá xuống sẽ có rất ít cổ phiếu có thể "đi ngược" nên xác suất chọn đúng cổ phiếu là rất thấp. Do vậy trong thị trường này thì nhà đầu tư không lựa chọn cổ phiếu nào.
Giám đốc quỹ nói thêm đầu tư phải nhận thức thị trường chứng khoán là có rủi ro, có lên thì sẽ có xuống và cứ tuần hoàn. Tuy nhiên một bộ phận người mới chưa nhận thức được điều này, nếu nhận thức được thì phải xem có muốn hạn chế rủi ro đó không?
Với quan điểm bi quan về xu hướng hiện tại, ông Trung tin rằng phòng thủ cho danh mục là điều cần thiết. Giá trị của phòng thủ là giúp bảo toàn cả gốc lần lãi trong giai đoạn khó khăn. Điều này giúp tăng mạnh khi thị trường thuận lợi trở lại, trong khi nhà đầu tư khác mất nhiều thời gian để "về bờ".
Chạy sang phái sinh?
Kinh tế trường SSI Phạm Lưu Hưng nhận định mặc dù tình hình kinh tế thế giới xấu đi nhưng yếu tố vĩ mô trong nước chưa quá xấu. Do vậy diễn biến của thị trường Việt Nam có thể sẽ chậm hơn, những ngành có hoạt động chủ yếu trong nước với triển vọng tăng trưởng cao sẽ đáng đầu tư nhất.
Vị chuyên gia khuyên nhà đầu tư giá trị không nên cố dò đáy. "Bởi trong đầu tư thì mọi thứ có thể sẽ xấu đi trước rồi mới tốt lên được, tôi nghĩ việc đầu tư thì vẫn thực hiện nhưng nên ở mức độ thấp hơn".
Thị trường chứng khoán thường có 2 loại đấy, bao gồm đáy của chỉ số và đáy về sức chịu đựng của nhà đầu tư. Thanh khoản tụt giảm đang phản ánh dần sức chịu đựng của nhà đầu tư, cũng như gây lo ngại về việc rơi bỏ thị trường.
Sức chịu đựng của phần đông nhà đầu tư vẫn chưa phải là mức quá khủng khiếp, vẫn còn tốt rất nhiều, chưa phải vấn đề lớn lắm.
Ông Lã Giang Trung - CEO Passion Investment.
Bàn về sức chịu đựng, CEO Passion Investment nhận định trong thị trường giá xuống thì đã làm nhà đầu tư mất tiền, tuy nhiên họ vẫn còn nhiều lợi nhuận từ đợt tăng giá các năm trước.
"Nên nói về mức chịu đựng thì phần đông nhà đầu tư vẫn chưa phải là mức quá khủng khiếp, sức chịu đựng vẫn còn tốt rất nhiều, chưa phải vấn đề lớn lắm", ông bổ sung.
Tuy nhiên vị chuyên gia nhấn mạnh quan điểm cần xem số lãi kiếm được cũng là tài sản, cộng vào số tiền gốc tại thời điểm đó để có trách nhiệm bảo vệ. Bởi rất khó để có lãi mà mất hết thì khó để quay trở lại.
Do thị trường cơ sở đang trong xu hướng đi xuống nên không ít nhà đầu tư đã chuyển sang thị trường phái sinh để tìm kiếm cơ hội đầu tư mới cũng như phòng thủ một phần cho danh mục.
Kinh tế trưởng SSI lý giải trong thị trường giá xuống thì nhà đầu tư thích chuyển sang phái sinh bởi đó là giao dịch trong ngày, không chịu rủi ro T+3 như thị trường cơ sở và khả năng kiếm lợi nhuận nhanh bởi biến động lớn.
"Chuyện nhà đầu tư chạy sang phái sinh là bình thường, tuy nhiên khi quá nhiều người tham gia thì thị trường phái sinh cũng sẽ khó biến động nhiều như trước", ông Hưng nhận định.
Ông Lã Giang Trung bổ sung thị trường phái sinh rất khó bởi biến động rất lớn, chỉ số có thể giảm sàn rồi lại được kéo tăng trần ngay trong ngày. Biến động lớn cùng với đòn bẩy cao thì phái sinh cũng rất khó để kiếm tiền.
"Trong xu hướng giá xuống thì thị trường cơ sở không có cơ hội kiếm tiền, còn đối với thị trường phái sinh thì nhà đầu tư chỉ kiếm được tiền nếu chọn đúng và lỗ khi chọn sai. Việc chuyển sang phái sinh là đúng nhưng chưa chắc đã kiếm được tiền", ông Trung nêu quan điểm thận trọng.
Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết thị trường chứng khoán phái sinh tháng 4/2022 ghi nhận tăng trưởng gần 57% trong bối cảnh thị trường cơ sở có biên độ lớn.
Tổng khối lượng giao dịch hợp đồng tương lai trong tháng đạt hơn 4,05 triệu hợp đồng và giá trị giao dịch theo danh nghĩa hợp đồng là 591.000 tỷ đồng. Tính bình quân, khối lượng giao dịch tăng 57% đạt 202.670 hợp đồng/phiên và giá trị bình quân đạt 29.550 tỷ đồng, tăng 53% so với tháng liền trước.
Số lượng tài khoản giao dịch phái sinh vẫn tiếp tục tăng so với tháng trước. Cuối tháng 4 ghi nhận có 973.155 tài khoản giao dịch phái sinh, tăng thêm 4,7% so với tháng trước.