Kết thúc phiên giao dịch ngày 4/5, thị trường chứng khoán Mỹ khởi sắc bất chấp việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nâng mức lãi suất thêm 0,5 điểm %. Diễn biến này khiến giới đầu tư tin rằng sẽ có một đợt phục hồi lớn trong thời gian tới đây.
Tuy vậy, toàn bộ mức tăng này đã bị xóa sổ trong phiên ngày 5/5 khi hàng loạt chỉ số đảo chiều và lao dốc.
Cụ thể, Dow Jones giảm 1.063 điểm, tương đương 3,12%, và có thời điểm giảm tới 1.200 điểm; S&P 500 giảm 153,3 điểm, tương đương 3,56%; Nasdaq 100 giảm 647,16 điểm, tương đương 4,99%, đồng thời là đợt mạnh nhất kể từ giữa năm 2020.
Khoảng 90% cổ phiếu thuộc S&P 500 giảm giá, ngay cả những doanh nghiệp hoạt động tốt như Chevron, Coca-Cola hay Duke Energy cũng giảm dưới 1%.
Dow Jones bốc hơi toàn bộ lợi nhuận ghi nhận được trong phiên 4/5. Ảnh: Investing.com. |
“Nếu chỉ số tăng 3% như phiên hôm qua và điều chỉnh khoảng 0,5% thì tương đối bình thường. Nhưng việc thị trường đảo ngược hoàn toàn 100% chỉ trong thời gian ngắn như vậy quả là điều phi thường”, Randy Frederick, quản lý giao dịch và phái sinh tại Trung tâm Nghiên cứu Tài chính Schwab, nhận xét.
Các cổ phiếu công nghệ tiếp tục là trung tâm chịu áp lực. Trong đó, Meta (Facebook), Amazon, Microsoft, Apple giảm lần lượt 6,8%, 7,6% và 5,6%.
Ngoài ra, một số cổ phiếu nhóm thương mại điện tử cũng có mức giảm mạnh như Etsy giảm 16,8%, eBay giảm 11,7%, Shopify giảm 15%.
Thị trường Kho bạc cũng chứng kiến sự đảo ngược dữ dội. Lợi tức trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm đã tăng trở lại trên 3%, mức cao nhất kể từ năm 2018.
Zachary Hill - người phụ trách danh mục đầu tư tại Horizon Investments - lưu ý FED vẫn để ngỏ khả năng tiếp tục nâng lãi suất để kiềm chế lạm phát.
“Việc định giá vốn cổ phần cao hơn không phù hợp với mong muốn thắt chặt điều kiện tài chính của FED. Trừ khi chuỗi cung ứng phục hồi nhanh chóng hoặc người lao động có thêm việc làm, FED sẽ tiếp tục tỏ ra tiêu cực đến thị trường vốn”, Hill nhận định.
Người đồng sáng lập Carlyle Group, David Rubenstein cho biết các nhà đầu tư cần phải quay trở lại thực tế với những khó khăn đối với thị trường và nền kinh tế, bao gồm cả cuộc chiến ở Ukraine và lạm phát cao.
Sau khi lấy lại mức 1.900 USD/ounce, giá vàng thế giới cũng nhanh chóng rơi xuống dưới mốc này. Hiện kim loại quý đang được giao dịch quanh mức 1.873 USD/ounce.