Theo CNN, hôm 5/5, các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã nâng lãi suất chuẩn thêm 0,5 điểm phần trăm, mức tăng lớn nhất trong vòng 22 năm qua.
Vào tháng 3, cơ quan này đã nâng lãi suất 0,25 điểm phần trăm, đánh dấu lần tăng lãi suất đầu tiên kể từ cuối năm 2018.
Việc FED mạnh tay nâng lãi suất cho thấy nỗi lo ngại của giới chức Mỹ về chi phí sinh hoạt tăng cao. Theo chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) được Bộ Thương mại Mỹ công bố hôm 29/4, lạm phát tháng 3 đã tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 1982. Đây là thước đo ưa thích của FED.
Một thước đo lạm phát phổ biến khác - chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được Bộ Lao động Mỹ công bố - cũng tăng 8,5% so với một năm trước đó (trên cơ sở chưa điều chỉnh).
Đây là mức tăng giá chưa từng thấy kể từ thời kỳ lạm phát đình trệ diễn ra vào cuối những năm 1970, đầu thập niên 1980.
Các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ vừa nâng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm, đánh dấu mức tăng lớn nhất trong vòng 22 năm qua. Ảnh: Reuters. |
Chi phí vay tăng cao
Điều này đồng nghĩa với việc người Mỹ sẽ không được hưởng mức lãi suất thấp kỷ lục khi vay mua nhà hay ôtô.
Khi đại dịch bùng phát, FED đã hạ lãi suất xuống gần 0 để khuyến khích các hộ gia đình và doanh nghiệp chi tiêu. Ngân hàng trung ương Mỹ cũng bơm hàng nghìn tỷ USD vào nền kinh tế thông qua chương trình nới lỏng định lượng.
Vào thời điểm thị trường tín dụng đóng băng vào tháng 3/2020, FED tung ra các chương trình tín dụng khẩn cấp nhằm tránh suy thoái tài chính.
Các hành động của FED đã phát huy tác dụng. Không có cuộc khủng hoảng tài chính nào xảy ra vì Covid-19. Vaccine ngừa Covid-19 và những gói chi tiêu lớn của Quốc hội Mỹ cũng mở đường cho đà phục hồi nhanh chóng.
Nhiều người Mỹ tranh thủ mua nhà khi lãi suất rơi xuống mức thấp kỷ lục, đẩy giá nhà lên cao trong 2 năm qua. Ảnh: Reuters. |
Nhưng những biện pháp khẩn cấp của FED đã góp phần vào đà phát triển quá nóng của kinh tế Mỹ ở thời điểm hiện tại. Đáng nói, chúng cũng không được loại bỏ kịp thời.
Giờ đây, tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp nhất trong 50 năm, nhưng lạm phát đã tăng cao. Điều này buộc FED một lần nữa phải hành động mạnh tay.
Lãi suất trung bình của các khoản vay thế chấp có lãi suất cố định trong 30 năm đạt 5,1% vào tuần cuối tháng 4. Con số này tăng mạnh so với mức dưới 3% hồi tháng 11 năm ngoái.
Lãi suất vay thế chấp cao hơn khiến việc mua nhà trở nên khó khăn hơn, nhất là khi giá nhà tăng vọt trong thời kỳ đại dịch.
Theo Hiệp hội Môi giới Quốc gia, vào tháng 3, giá trung bình của một căn nhà cũ đã tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái lên 375.300 USD.
Phụ thuộc vào tốc độ nâng lãi suất
Giới quan sát dự báo FED sẽ nâng mức lãi suất trần lên tối thiểu 3% vào cuối năm nay.
FED từng tăng lãi suất lên 2,37% vào đỉnh của chu kỳ tăng lãi suất gần nhất hồi năm 2018. Trước cuộc Đại suy thoái năm 2007-2009, lãi suất của FED đạt 5,25%.
Trong những năm 1980, dưới sự điều hành của ông Paul Volcker, FED đã nâng lãi suất lên mức chưa từng có để đối phó với lạm phát. Vào tháng 7/1981, lãi suất đạt 22%.
Tuy nhiên, theo CNN, tác động của lãi suất đi lên sẽ phụ thuộc vào tốc độ tăng lãi suất của FED.
Lãi suất thấp đã mang lại đà tăng đáng kinh ngạc cho thị trường chứng khoán. Lãi suất gần mức 0 khiến trái phiếu chính phủ không còn hấp dẫn. Các nhà đầu tư buộc phải đổ tiền vào những tài sản rủi ro như cổ phiếu.
Lãi suất cao hơn sẽ là một thách thức đối với thị trường chứng khoán, vốn đã quen với việc kiếm tiền dễ dàng. Thị trường đã biến động đáng kể khi giới đầu tư lo ngại về kế hoạch nâng lãi suất của FED để đối phó với lạm phát.
Lãi suất cao hơn sẽ là một thách thức đối với thị trường chứng khoán, vốn đã quen với việc kiếm tiền dễ dàng
Hãng tin CNN
Nhưng tác động sẽ còn phụ thuộc vào tốc độ nâng lãi suất của FED, tình hình kinh tế và lợi nhuận doanh nghiệp sau những thay đổi chính sách của ngân hàng trung ương.
Dù vậy, việc nâng lãi suất cũng có thể khiến dòng tiền từ thị trường chứng khoán chảy sang trái phiếu chính phủ - một tài sản an toàn hơn.
Mục tiêu của FED là nâng lãi suất để kiểm soát lạm phát, nhưng vẫn giữ nguyên đà phục hồi của thị trường việc làm.
Giới quan sát cảnh báo tình hình lạm phát có thể trở nên tồi tệ hơn bởi ảnh hưởng từ xung đột giữa Nga và Ukraine. Giá của mọi mặt hàng từ lương thực, năng lượng đến kim loại đã trở nên đắt đỏ, ngay cả khi giá dầu đã hạ nhiệt phần nào vì các đợt phong tỏa mới ở Trung Quốc.
Chi phí sinh hoạt tăng cao đang đè nặng lên ví tiền của người tiêu dùng Mỹ, khiến tâm lý tiêu dùng rơi xuống mức thấp trong vòng một thập kỷ qua.
Ngay cả khi FED đã nâng lãi suất, sẽ mất thêm nhiều thời gian để lạm phát ổn định trở lại. Thêm vào đó, giá cả vẫn có thể chịu tác động bởi diễn biến cuộc chiến ở Ukraine, tình trạng gián đoạn trong chuỗi cung ứng và các đợt bùng phát Covid-19 mới.