Lực bán và mua thay nhau chi phối chứng khoán Mỹ trong phiên giao dịch đầu tuần. Kết thúc phiên, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones đã bật tăng lên 33.586 điểm (+0,3%), chỉ số S&P 500 đạt 4.109,11 điểm (+0,1%). Riêng chỉ số Nasdaq đóng cửa với mức giảm 0,03% so với phiên liền trước, về 12.084,36 điểm.
Trước đó, sáng 10/4 (giờ Mỹ), chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones có lúc giảm gần 40 điểm xuống 33.462,78 điểm.
Chỉ số S&P 500 lao dốc 26,6 điểm xuống 4.078 điểm. Còn chỉ số Nasdaq thiên về công nghệ ghi nhận mức giảm mạnh nhất với 149,89 điểm (-1,23%), còn 11.938,7 điểm.
Nhóm cổ phiếu công nghệ bị bán tháo. Cổ phiếu Apple mất 1,6% giá trị. Cổ phiếu Alphabet - công ty mẹ Google và Tesla giảm lần lượt 1,8% và 0,3%. Ở chiều ngược lại, cổ phiếu của các hãng sản xuất chip đi lên sau khi Samsung cho biết sẽ cắt giảm sản lượng để thúc đẩy giá.
"Từ góc nhìn đầu tư, chúng ta đang nhìn thấy những dữ liệu kinh tế trái chiều, từ đó dẫn tới sự thiếu chắc chắn xoay quanh bước đi tiếp theo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed)", ông Greg Bassuk tại hãng AXS Investments nhận định.
Các nhà đầu tư Mỹ đang chờ đợi một tuần bận rộn với những dữ liệu kinh tế mới, bao gồm chỉ số giá tiêu dùng và chỉ số giá sản xuất - lần lượt được công bố vào thứ tư và thứ năm (giờ Mỹ). Các dữ liệu này sẽ là chìa khóa cho quyết định tiếp theo của Fed, tạm dừng hay tiếp tục tăng lãi suất.
Theo dữ liệu của CME Group, các thị trường đang đánh giá khả năng Fed tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 5 là 71%; khả năng giữ nguyên lãi suất chỉ 29%.
Phố Wall cũng sắp bước vào mùa công bố thu nhập. Một số ngân hàng lớn của Mỹ sẽ báo cáo kết quả kinh doanh lần đầu sau một loạt vụ sụp đổ nhà băng hồi tháng 3.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.