Theo trang tin Bloomberg, đây là khoảng thời gian khó khăn khi có quá nhiều bất ổn đang thao túng tâm lý nhà đầu tư trên các thị trường tài chính.
Trong tuần này sẽ có nhiều dữ liệu mới mà nhà đầu tư cần phải nắm được, khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đều dự kiến công bố báo cáo vào cuối tuần - vài ngày sau khi Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA) công khai mức sản lượng ngắn hạn.
Trong khi đó, các nhà đầu tư vàng sẽ phải theo dõi sát sao mức giá của kim loại quý này khi nó đang trên đà tiến tới mốc 2.075,47 USD/ounce - mốc cao nhất kể từ tháng 8/2020. Và dưới đây là 5 biểu đồ cho thấy biến động của các loại hàng hóa cần theo dõi.
Giá vàng đã vượt mốc 2.000 USD/ounce. |
Giá vàng
Giá vàng giao ngay tuần trước đã tăng vọt lên mức trên 2.000 USD/ounce do dữ liệu kinh tế Mỹ kém hơn dự kiến, khiến nhiều chuyên gia lo ngại rằng nước này đang hướng tới suy thoái trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang (Fed) tiếp tục thắt chặt tiền tệ.
Mặc dù giá kim loại trú ẩn an toàn này vẫn thấp hơn mức kỷ lục hồi tháng 8/2020 khoảng 70 USD, đường kỹ thuật của nó cũng đang tiến gần đến ngưỡng kháng cự 2.075,47 USD/ounce. Dải trên của đường trung bình động 14 ngày đang dần chạm tới mức 2.075,47 USD, và điều này báo hiệu cho khả năng đảo chiều sắp xảy ra.
Biểu đồ kỹ thuật giá vàng. |
Giá dầu hưởng lợi do cắt giảm sản lượng
Sau quyết định bất ngờ của OPEC+ về việc cắt giảm sản lượng hơn 1 triệu thùng/ngày kể từ tháng 5, giá dầu đã tăng vọt do những lo ngại mới về thị trường thắt chặt.
Trong tuần này, các báo cáo từ OPEC, IEA và EIA sẽ làm sáng tỏ hơn về bức tranh nguồn cung, trữ lượng hàng tồn kho cũng như khả năng tăng giá. Kết hợp với bối cảnh không chắc chắn của kinh tế toàn cầu và lộ trình tăng lãi suất dài hạn của Fed, các chuyên gia dự đoán rằng giá dầu có thể chạm ngưỡng 100 USD nhưng không vượt qua.
Biến động thị trường dầu thô. |
Khai thác mỏ
Trong tuần vừa qua, tập đoàn đa quốc gia Glencore đã rất cố gắng trong việc đàm phán để mua lại công ty khai thác kim loại lớn thứ 2 Canada - Teck Resources.
Được biết, ban lãnh đạo của Teck đã từ chối lời đề nghị trị giá 23 tỷ USD của Glencore với lý do các cổ đông không muốn mở rộng sang mảng khác như nhiệt than, dầu khí hay LNG.
Trong những năm qua, nhiều nhà khai thác kim loại hàng đầu của Canada đã bị thu mua lại bởi các công ty trong và ngoài nước, khiến nước này chỉ còn lại rất ít công ty kinh doanh mỏ.
Nếu Glencore thành công, đây sẽ là thương vụ mua lại lớn thứ 2 trong ngành khai thác tại Canada. |
Biến động khí thải
Trong tuần này, Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến đề xuất thêm một số biện pháp hạn chế khí thải từ ôtô và xe tải hạng nhẹ, đồng thời dừng việc bắt buộc sử dụng phương tiện không phát thải hoặc cấm bán các mẫu xe chạy xăng thông thường.
Các đề xuất này có khả năng sẽ chi phối phần lớn lượng khí thải tại Mỹ trong khoảng 2027-2032. Mặc dù việc sử dụng xe điện đang dần mở rộng, các dự báo từ BloombergNEF lại cho thấy tốc độ tăng trưởng khả năng cao sẽ bị hạn chế trong tương lai do không nhiều người đủ điều kiện hưởng khoản miễn giảm thuế 7.500 USD cho mặt hàng này.
Dự báo thị phần xe điện tại Mỹ. |
Giá khí đốt hóa lỏng LNG
Mùa đông không lạnh như dự kiến đã khiến những nhà nhập khẩu năng lượng tại Đông Bắc Á và châu Âu giảm mạnh số lượng đơn hàng giao ngay, giúp giá khí đốt LNG toàn cầu giảm nhẹ. Tuy nhiên, các nền kinh tế mới nổi lại là đối tượng mới đặt hàng số lượng lớn LNG để đáp ứng nhu cầu phát điện.
Trong tháng trước, tổng nhập khẩu LNG của Ấn Độ, Thái Lan và các nước Mỹ Latinh đã chạm mốc 3,76 triệu tấn - mức cao nhất kể từ tháng 8/2022. Trước đó, các quốc gia này đã hạn chế mua khí đốt tự nhiên hóa lỏng khi giá mặt hàng này tăng cao.
Tổng nhập khẩu LNG của các nền kinh tế mới nổi đạt mức cao. |
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.