Đầu tư vào đâu?
Câu chuyện SCIC sẽ bán Vinamilk và nhiều doanh nghiệp lớn khác vẫn là tâm điểm các nhà đầu tư mang ra thảo luận tại Hội nghị đầu tư tổ chức sáng nay tại TP HCM.
Ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Nam Long cho rằng, nếu nhìn cảm tính, chúng ta đang bán đi hết những "con bò cho sữa đặc biệt" của đất nước. Song thực tế, đây là dấu hiệu tích cực, tạo niềm tin cho nhà đầu tư, thị trường. Theo ông Quang, chúng ta đang làm đúng là bán mặt hàng mà thị trường cần.
Ông Christopher Fitzwilliam-Lay, CEO Tập đoàn VinaCapital cũng chia sẻ, chuyện bán cổ phần nhà nước tại Vinamilk là điều ông và nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang rất quan tâm.
“Tôi thấy nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã sẵn sàng. Vấn đề là SCIC sẽ bán như thế nào, bán bao nhiêu, nhà đầu tư nước ngoài sẽ được mua bao nhiêu. Tôi cho rằng cổ phiếu của Vinamilk sẽ còn khiến thị trường nóng một thời gian dài nữa”, ông nói.
Cũng theo vị này, thực tế nhà đầu tư nước ngoài đang rất quan tâm đến việc cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt những doanh nghiệp tốt, không kể lĩnh vực nào.
Nhìn nhận về thị trường chứng khoán sau khi TPP được ký kết, đặc biệt là những biến động của thị trường ngay trong năm 2016, ông Fiachra Mac Cana, Giám đốc Điều hành Bộ phận Nghiên cứu Khối khách hàng tổ chức, Công ty CP Chứng khoán TP HCM (HSC), cho rằng, thị trường sẽ có sự bức phá mạnh mẽ vào nửa cuối năm 2016.
Theo vị này, hiện nay, nền kinh tế đang phục rất tốt, thấy rõ nhất là khối sản xuất và bất động sản (BĐS). Chính phủ cũng có nhiều nỗ lực trong việc tạo điều kiện cho các nhà đầu tư, như việc nới room cho nhà đầu tư ngoại. SCIC năm tới lại mang những những tài sản tốt để bán ra khiến các nhà đầu tư rất quan tâm.
"Tôi đã thấy có khoản đầu tư có thể lên đến nửa tỷ USD chuẩn bị đổ vào thị trường… Chúng ta đừng tiếp tục lo ngại về dòng tiền. Quan điểm của chúng tôi là VN-Index sẽ giao dịch quanh mức 650 điểm trong nửa đầu năm 2016. Nhưng nửa cuối năm sau sẽ vượt được qua ngưỡng này và bức phá mạnh mẽ, một phần vì đầu tư từ nước ngoài và kỳ vọng tốt của nhà đầu tư trong nước", ông Fiachra Mac Cana nói.
Đại diện HSC cũng cho rằng, cổ phiếu của các doanh nghiệp chế tạo, BĐS, nông nghiệp, cơ sở hạ tầng sẽ là những lĩnh vực đáng quan tâm. Đặc biệt, trong bối cảnh TPP sắp thực thi, các nhà đầu tư khá tin vào ngành nông nghiệp. Bởi Việt nam đã có nhiều sản phẩm xuất khẩu tốt, vào TPP thì khối này sẽ mạnh lên. Đây sẽ là khía cạnh thú vị của nền kinh tế Việt Nam và của riêng thị trường chứng khoán.
Thị trường BĐS được đánh giá sẽ sôi động và minh bạch hơn khi TPP có hiệu lực. Ảnh: Hải An. |
Nhà đầu tư ngoại muốn mua doanh nghiệp BĐS
Các nhà đầu tư trong và ngoài nước đều cùng thể hiện sự lạc quan với thị trường BĐS.
Ông Neil MacGregor, Giám đốc Điều hành Savills Việt Nam chia sẻ, chưa bao giờ tin tưởng tuyệt đối thị trường như lúc này. Theo ông, thị trường BĐS Việt Nam có tính chu kỳ rất cao. Và chu kỳ khó đã thoát ra.
Vị CEO này cho biết, ông tin 2-3 năm tới, thị trường sẽ rất tốt, giá thuê văn phòng, tỷ lệ lấp đầy tăng 3-5% trong năm 2016, 10-15% năm 2017. BĐS đang có rất nhiều cơ hội, nhất là với nhà đầu tư ngoại. Điều dễ thấy nhất, theo ông, là thị trường văn phòng sẽ có có cơ hội lớn, nhất là tại TP HCM.
Trực tiếp đầu tư vào BĐS, ông Nguyễn Xuân Quang nhìn nhận, thị trường Việt đang có tiềm năng rất lớn so với khu vực. Nếu như nhu cầu mỗi năm ở Singapore khoảng 20.000 căn hộ, Thái Lan 50.000 căn thì Việt Nam đến 100.000 căn. Sau thời gian thăng trầm của BĐS, hiện nay các nhà đầu tư rất thận trọng với lĩnh vực này.
"Bản thân là nhà đầu tư, tôi nhắm đến các sản phẩm thị trường cần thật sự. Song qua nghiên cứu, tôi thấy thị trường đang có các dạng: sản phẩm vừa túi tiền, như căn hộ 1-1,5 tỷ đồng dành cho khách hàng mua để ở. Nhưng sản phẩm vừa túi tiền thì lợi nhuận không cao, nên nhiều nhà đầu tư cả mua và bán vẫn thích hàng cao cấp.
Các sản phẩm giá trị cao như căn hộ cả triệu đô trở lên thì thị trường ít lắm, và những ai đầu tư vào đây thực tế là mua cơ hội tài chính chứ không phải vì nhu cầu thật. Cũng vì điều này mà nhà đầu tư nước ngoài hiện không đầu tư trực tiếp vào sản phẩm là căn hộ hay mảnh đất, mà đầu tư vào chính doanh nghiệp BĐS đang ăn nên làm ra, thông qua cổ phần cổ phiếu", ông Quang nói.
Nhìn xa hơn về thị trường chứng khoán và BĐS Việt Nam khi gia nhập TPP, ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương, khuyên các nhà đầu tư phải bình tĩnh và cân nhắc cơ hội hợp lý cho từng giai đoạn trước mắt và dài hạn.
Với ông Khánh, doanh nghiệp cần bình tĩnh đánh giá các cơ hội TPP mang lại. Thực tế, cơ hội hay lợi ích từ TPP được dự báo từ trước đến nay là xây dựng trên các giả định nền kinh tế thế giới diễn biến theo chiều hướng thuận lợi. Nếu xảy ra khủng hoảng kinh tế hay một trong những quốc gia trong khối phá giá đồng tiền, thì thách thức sẽ khác hẳn.
Cũng theo ông Khánh, cơ hội hay thách thức từ TPP sẽ không đến ngay lập tức, mà phải qua thời gian dài, khi thuế nhập khẩu xóa bỏ hoàn toàn, ít nhất 4-5 năm nữa mới tác động đến nền kinh tế. Và sẽ không có bong bóng BĐS hay chứng khoán, bởi khả năng tác động của TPP sẽ không như WTO.
“Năm 2015 khác hoàn toàn 2007. Các nhà đầu tư dày dạn kinh nghiệm hơn, trải qua 7-8 năm thăng trầm, họ cẩn trọng với dòng tiền, sẽ không ai đưa tiền ra thị trường để 'thổi bong bóng' như năm 2007. Trong ngắn hạn, các nhà đầu tư đang nhìn vào quyết định của Fed tăng hay giữ lãi suất vào cuối năm nay. Và chúng ta nhìn nhận dòng tiền thời điểm này không dễ vào thị trường.
Ngoài ra, việc điều hành thị trường tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước cũng khác thời hậu WTO, với chính sách trung hòa hơn, có giải pháp để tiền không chạy lòng vòng mà vào thẳng sản xuất. Các hành vi thao thúng giá cũng được quản lý chặt", ông Khánh phân tích.