Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Có thật giá nhà Việt Nam đang rẻ nhất thế giới?

Để khẳng định giá nhà Việt Nam rẻ hay đắt, phải dựa theo chuẩn phù hợp. Không thể mang ngôi nhà hay thu nhập của Thái Lan đặt vào Việt Nam, càng khập khiễng nếu so với Singapore.

Bình luận về câu chuyện chủ một doanh nghiệp địa ốc khẳng định "giá nhà Việt Nam đang rẻ nhất thế giới", ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM cho rằng, so sánh cần phải có chuẩn cho phù hợp. Bởi để tính giá nhà đất tại một quốc gia cần rất nhiều yếu tố. Và nếu lấy mức chuẩn là giá để tính thì cần chọn giá nào, bình quân căn hộ 1 tỷ hay mấy trăm triệu cũng phải cân đo sao cho chuẩn.

“Giá thấp hay cao, đắt hay rẻ ở đây tôi không bình luận. Nhưng cần phải nhìn một thực tế rằng, người Việt Nam với thu nhập thông thường rất khó tạo lập nhà ở nếu không có sự hợp lực của cả gia tộc, sự hỗ trợ của người thân hay ngân hàng”, ông Châu chia sẻ.

Mức giá nhà tại Việt Nam là chủ đề luôn nhận nhiều ý kiến trái chiều. Ảnh: T.Khoa.

Câu chuyện giá nhà tại Việt Nam đắt hay rẻ, theo ý kiến của giới chuyên gia, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, cần phải căn cứ theo thu nhập của người dân, chỉ số CPI, tăng trưởng kinh tế và nhiều yếu tố khác, chứ không thể chỉ dựa vào giá của ngôi nhà.

“Bình quân giá nhà thế giới gấp trên 5 lần thu nhập người dân, trong khi giá nhà Việt Nam gấp đến 25 lần thu nhập của người lao động, nên rất khó nói nhà Việt Nam rẻ hay đắt với thế giới. Tuy nhiên, theo quan điểm cá nhân tôi, ngay với các nước trong khu vực thì chuyện so sánh cũng rất khập khiễng. Bởi thu nhập của người Việt Nam còn cách rất xa so với các nước.

Như Philippines đang có thu nhập bình quân cao gấp 1,5 lần Việt Nam, Thái Lan gấp 3 lần, Malaysia gấp gần 5 lần. Tại Singapore, giá nhà cao gấp đôi Việt Nam nhưng thu nhập bình quân đầu người gấp hơn 25 lần”, giám đốc một doanh nghiệp môi giới bất động sản có trụ sở tại quận Bình Thạnh, TP HCM chia sẻ. 

Không chỉ giá nhà, đất chênh nghịch lý so với thu nhập, mà nhiều doanh nghiệp còn cho rằng, giá bất động sản tại Việt Nam đang là một ẩn số. Cơ cấu bất động sản hình thành từ nhiều yếu tố và nhiều chi phí bất hợp lý. Những chi phí đó đương nhiên được doanh nghiệp tính vào giá thành, hậu quả là người tiêu dùng gánh chịu hết.

Câu khách bằng chiêu bán nhà 45 triệu một căn ở Hà Nội

Để thu hút khách mua chung cư ở một dự án tại xã Vân Canh (Hoài Đức, Hà Nội), môi giới đã tung quảng cáo "nhà bán với giá 45 triệu đồng mỗi căn" gây nhiều tranh cãi.

Điển hình như căn hộ, ông Lê Hoàng Châu chỉ ra rất nhiều chi phí mà theo ông, đang là những bất hợp lý khiến giá nhà vượt xa thu nhập của người dân. Đầu tiên là giá đất, gồm cả chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng và nộp tiền sử dụng đất, điều này gần như nhà đầu tư phải mua đất 2 lần.

Với mức thu nhập thông thường, người dân tại các đô thị lớn ở Việt Nam khó có thể tạo lập nhà ở. Ảnh: NLĐ.

Hai loại chi phí doanh nghiệp đang cho là “không thể chấp nhận được" hiện nay đó là đầu tư hệ thống điện và nước. Doanh nghiệp phải hoàn chỉnh hệ thống lưới điện, nước đến đồng hồ từng căn hộ, sau đó bàn giao thành tài sản của các ngành này. Đương nhiên, chủ đầu tư sẽ làm và tính vô giá thành, đẩy giá bán căn hộ lên, buộc người mua nhà phải chịu.

Ngoài ra, theo Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP HCM, các chi phí vô hình (do thủ tục hành chính kéo dài), phí bôi trơn, giá xây dựng không ổn định... là những loại góp thêm khiến đầu vào nhà đất luôn là ẩn số.

“Đầu vào là ẩn số thì làm sao đầu ra minh bạch. Do vậy mà theo tôi, cơ cấu giá nhà đất của chúng ta là cơ cấu bất hợp lý. Chừng nào mình kiểm soát được giá, tính toán một cách hợp lý thì mới hy vọng nhà đất giảm xuống, người mua dễ thở hơn”, ông Châu nói thêm.

Trước đó, bên lề Đại hội cổ đông thường niên 2015 của Công ty cổ phần đầu tư Nam Long, Chủ tịch Nguyễn Xuân Quang dù thừa nhận người dân đô thị phải tích lũy rất lâu mới có thể mua được nhà, nhưng lại khẳng định, tính một cách sòng phẳng thì giá nhà Việt Nam đang rẻ nhất thế giới.

Ông Quang dẫn chứng, giá bán một căn hộ vừa túi tiền ở TP HCM 30.000-40.000 USD, tương đương 650-850 triệu đồng. Trong khi đó, giá nhà tương tự tại các đô thị có quy mô tương đồng với TP HCM như Bangkok, Hong Kong, Manila... là 300.000 USD.

Vị này cũng cho rằng, mình đưa ra nhận định này là có cơ sở khi khảo sát các quốc gia trong năm 2014, đầu 2015, chứ không phải nhận định cảm tính.

 

Bên trong nhà 30 m2 giá 100 triệu đồng ở Bình Dương

Công nhân, người lao động có thu nhập thấp ở Bình Dương đã bắt đầu dọn về ở nhà mới. Những căn hộ ở đây có diện tích từ 30 đến 60 m2, với giá từ 100 triệu đồng.

 

H.Linh

Bạn có thể quan tâm