Chỉ số đại diện sàn HoSE tiếp tục đạt mức cao mới của năm 2024. Ảnh: Việt Linh. |
Thị trường chứng khoán Việt Nam khởi động phiên 13/3 với tâm lý cởi mở nối dài từ phiên phục hồi trước đó. VN-Index có diễn biến đi lên tương đối thuận lợi và không gặp nhiều rào cản từ phe bán.
Cuối phiên, sự hưng phấn của nhà đầu tư thậm chí đẩy chỉ số chính lên hơn 25 điểm. Dòng tiền ồ ạt tràn vào cũng giúp thanh khoản toàn thị trường dâng lên mốc 29.200 tỷ đồng.
Kết phiên, VN-Index tăng 25,51 điểm (+2,05%) lên mốc 1.270,51 điểm. Như vậy, chỉ sau 2 phiên giao dịch, chỉ số đã phục hồi toàn bộ thành quả đã đánh rơi trong phiên 8/3 và 11/3.
Trên sàn Hà Nội, HNX-Index cũng tăng 4,17 điểm (+1,78%) lên 238,2 điểm; UPCoM-Index tăng 0,76 điểm (+0,84%) lên 91,53 điểm.
Rổ cổ phiếu vốn hóa lớn VN30 chỉ có duy nhất mã VJC của Vietjet Air điều chỉnh 0,3% trong khi 29 mã còn lại đều ghi nhận biên độ tăng lớn, đáng kể nhất là FPT (+4,6%), SSI (+4,6%) hay MWG (+3,9%).
Đà tăng của chỉ số có sự đóng góp không nhỏ của nhóm ngân hàng với VCB (+1,7%), VPB (+2,7%), MBB (+3,3%), ACB (+3,4%), CTG (+1,9%) hay BID (+1,2%). Với mức tăng gần 2%, cổ phiếu VIC của Vingroup cũng xuất hiện trở lại nhóm kéo chỉ số sau thời gian vắng bóng.
Chiều ngược lại, những ảnh hưởng từ nhóm cổ phiếu điều chỉnh do VJC dẫn đầu tác động không đáng kể.
VN-Index đạt mức cao nhất kể từ tháng 8/2022. Ảnh: TradingView. |
Sắc tím đại diện cho những cổ phiếu tăng trần xuất hiện phổ biến trong phiên hôm nay với 55 mã, tập trung chủ yếu ở nhóm cổ phiếu chứng khoán, vật liệu sản xuất hay công nghệ thông tin.
Điển hình như nhóm chứng khoán ghi nhận VCI, VIX, IVS, ORS, VDS tăng kịch biên độ. Các mã đầu ngành như SSI, VND, SHS, BSI, MBS cũng có biên độ tăng dao động 4-5%.
Nhóm xây dựng, vật liệu xây dựng gọi tên VGC, VGS hay CTD. Trong khi đó, nhóm công nghệ thông tin vẫn là “sân chơi” của các cổ phiếu liên quan đến Viettel như CTR (+1,4%), VTP và VTK tăng trần.
Khối ngoại bán ròng hơn 500 tỷ đồng trong ngày VN-Index hồi phục. Trong đó, VNM và VHM dẫn đầu danh sách bán ròng với giá trị lần lượt là 242 tỷ đồng và 120 tỷ đồng.
Ở chiều mua, cổ phiếu MWG được gom mạnh 68 tỷ đồng, 2 doanh nghiệp nhóm phân bón hóa chất là DCM và DPM được mua ròng 42 tỷ đồng và 31 tỷ đồng. HPG là 31 tỷ đồng, VCI là 25 tỷ đồng.
Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.