Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chuẩn bị gì cho khủng hoảng tài chính

"Hãy giữ lại một ít tiền. Hãy để dành một khoản phòng khi khó khăn. Đừng bỏ tất cả trứng vào một rổ" là bài học Jason đã học được sau khi hứng chịu cuộc khủng hoảng tài chính 2008.

Một nhà đầu tư trên sàn của Sở giao dịch chứng khoán New York. Ảnh: The Independent.

Jason từng và hiện tại vẫn là một người cực kỳ thông minh. Vào đầu những năm 2000, anh đã gây dựng một công ty quảng cáo cực kỳ thành công từ con số không. Anh rất tự hào về những gì mình tạo dựng được và với tư cách là người lãnh đạo công ty, anh rất rõ ràng về tầm nhìn và năng lực của mình. Nói cách khác, anh có một “sự chắc chắn” rất lớn với tư cách là thuyền trưởng của con tàu, đội ngũ nhân viên rất tin tưởng ở anh.

Năm 2004, Jason bán công ty với giá khoảng 125 triệu đôla, một minh chứng cho sự nhạy bén và kỹ năng kinh doanh của anh. Khi đó anh chỉ mới 40 tuổi. Đúng là sau thương vụ đó anh đã giàu có, nhưng việc mua bán này có ý nghĩa hơn nhiều đối với Jason.

Anh đã đè bẹp đối thủ, cán vạch đích và chứng minh cho bản thân (cũng như cho người khác) rằng anh thật sự là một nhân vật đặc biệt như anh đã luôn thể hiện. Không lâu sau đó, Jason chuyển từ New York đến Las Vegas, một thành phố dường như được “thiết kế riêng” cho một siêu tỷ phú trẻ tuổi. Ở bất cứ nơi nào anh đến, mọi người đều trải thảm đỏ chào đón và Jason cảm thấy mình đã lên “tới đỉnh”.

Không bao lâu sau, máu kinh doanh của Jason lại trỗi dậy và anh quyết định thử sức trong lĩnh vực bất động sản. Nhưng thay vì khởi đầu nhẹ nhàng bằng một vài ngôi nhà, Jason lại quyết định “chơi lớn” và phát triển không phải một, cũng chẳng phải hai, mà là ba tòa tháp chung cư cao cấp sang trọng ngay trên đại lộ Las Vegas.

Trong suy nghĩ của Jason, việc anh chưa bao giờ kinh doanh bất động sản không phải là vấn đề. Anh là một “ông trùm” và các ông trùm luôn thành công, phải không nào?

Trong vòng 12 tháng, quá trình phát triển diễn ra suôn sẻ và những căn hộ không-cần-xuống-tiền của anh được bán rất nhanh. Những bữa tiệc ra mắt dự án được tổ chức hoành tráng quy tụ nhiều nhân vật nổi tiếng hạng A, những người đã chi hàng triệu đôla để mua các căn hộ thông tầng.

Lúc đó là năm 2006, nền kinh tế đang trên đà nhảy vọt kéo theo giá trị tài sản ròng của Jason cũng tăng lên đến khoảng 800 triệu đôla… trên giấy tờ.

Jason và tôi tình cờ gặp nhau tại một trong những sự kiện của tôi. Tôi còn nhớ tôi đã ngồi xuống khuyên anh hãy đa dạng hóa tài sản và tiến hành các bước để tự bảo vệ mình. Đáng tiếc, anh không mấy để tâm đến lời khuyên của tôi mà chỉ hào hứng chào bán cho tôi một căn hộ “sẽ chỉ tăng giá trị chứ không thể bị giảm”.

“Hãy giữ lại một ít tiền. Hãy để dành một khoản phòng khi khó khăn. Đừng bỏ tất cả trứng vào một rổ”. Tôi nói hết lời nhưng Jason vẫn không nghe lọt câu nào. Rõ ràng anh đang bị “say” - không phải say rượu hay say thuốc mà là say cảm giác được thỏa mãn nhu cầu cảm xúc của mình.

Jason cảm thấy mình bất bại. Anh chính là người đang ngày càng gần hơn với mốc một tỷ đôla - một cột mốc cực kỳ quan trọng đánh dấu việc anh đã chạm đến mục tiêu tối thượng của mình. Anh chia sẻ: “Mỗi ngày đều tràn ngập cảm giác phấn khích tuyệt diệu: những lựa chọn mới, trải nghiệm mới, những mối quan hệ đẳng cấp mới, thương vụ mới, cơ hội mới để phát triển và bành trướng”.

Có lẽ bạn đoán được cái kết của câu chuyện này. Cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 đã tàn phá thị trường bất động sản Las Vegas nhiều hơn bất kỳ thành phố nào khác ở Mỹ.

Đến năm 2010, 65% bất động sản có giá trị thấp hơn khoản nợ mà người ta đã vay để mua chúng. Đây là một bước hụt chân ở mức độ thảm họa. Cuộc suy thoái toàn cầu đã dí gần như tất cả người mua nhà của Jason chạy mất dép, để lại cho anh những tòa tháp trống đang được xây dựng.

Giá trị tài sản của Jason lúc này bị âm 500 triệu đôla. Đúng vậy, anh nợ khoảng nửa tỷ đôla ở các ngân hàng khác nhau và họ đang lởn vởn quanh anh như những con cá mập điên cuồng.

Tôi chia sẻ câu chuyện này không chỉ vì đó là một minh chứng đau lòng cho tầm quan trọng của việc đa dạng hóa đầu tư. Có rất nhiều câu chuyện tương tự. Quan trọng hơn, đây là câu chuyện về cách bộ não của chúng ta vận hành và làm thế nào nhu cầu cảm xúc có thể khiến chúng ta chệch khỏi con đường của sự khôn ngoan - con đường dẫn đến tự do tài chính.

Như Jason có thể xác nhận, bây giờ nhìn lại anh mới thấy rõ nhu cầu cảm xúc đã tước đi năng lực quyết định sáng suốt của một doanh nhân tài giỏi như thế nào. Người ta có thể dễ dàng cho rằng câu chuyện của Jason là một ví dụ về lòng tham mù quáng, nhưng tôi đảm bảo với bạn tâm trí con người, bao gồm cả tâm trí của bạn và của tôi, phức tạp hơn thế nhiều. Nếu không hiểu nhu cầu cảm xúc của mình hoạt động như thế nào, chúng ta sẽ luôn phải ngồi ở hàng ghế sau trong suốt hành trình, không bao giờ được thật sự cầm lái con tàu cuộc đời mình.

Peter Mallouk, Anthony Robbins / NXB Dân Trí

SÁCH HAY