Thông tin tại cuộc họp ứng phó với động đất tại Kon Tum chiều 24/8, ông Phạm Thế Truyền, Phó giám đốc Trung tâm báo tin động đất và sóng thần (Viện Vật lý địa cầu), cho biết từ tháng 4/2021 đến nay, khu vực huyện Kon Plông ghi nhận 267 trận động đất. Độ lớn dao động 2,5-4,7 độ.
Trong đó, trận động đất 4,7 độ xảy ra chiều 23/8 đã gây ra rung động cho khu vực chấn tâm và các vùng lân cận ở Quảng Nam, Đà Nẵng. Cường độ này bằng với độ lớn động đất xảy ra tại khu vực thủy điện Sông Tranh 2.
Thiết lập 3 trạm quan trắc động đất trước ngày 2/9
"Nhận định bước đầu, chuỗi động đất là động đất kích thích gây ra do hồ chứa nhưng để khẳng định nguyên nhân phát sinh và có cơ sở để dự báo, chúng tôi cần có những khảo sát, quan trắc và nghiên cứu chi tiết về địa chất tại khu vực này", ông Truyền cho biết.
Trả lời câu hỏi về thông tin cường độ động đất lớn nhất có thể ghi nhận tại khu vực này là 5-5,5 độ, ông Truyền cho rằng chưa có cơ sở khoa học cụ thể để đưa ra nhận định trên.
Theo ông, số liệu trên chỉ là nhận định dựa trên việc áp dụng theo các nghiên cứu ở khu vực khác. Vì vậy, cường độ động đất cực đại tại địa phương này vẫn có thể lớn hơn hoặc nhỏ hơn 5,5 độ.
"Chưa thể đánh giá được cường độ động đất lớn nhất có thể ghi nhận tại Kon Tum vì đặc thù của loại hình thiên tai này là phải có nghiên cứu cụ thể mới đưa ra được dự báo", đại diện Viện Vật lý địa cầu cho biết cần 36 tháng để có nghiên cứu chi tiết về địa chất khu vực này.
Số trận động đất ở huyện Kon Plông (Kon Tum) năm 2022 | |||||||||
Nguồn: Viện Vật lý địa cầu | |||||||||
Nhãn | Tháng 1 | Tháng 2 | Tháng 3 | Tháng 4 | Tháng 5 | Tháng 6 | Tháng 7 | Tháng 8 | |
Số trận động đất | 20 | 5 | 7 | 43 | 17 | 24 | 10 | 20 |
Trước mắt, Viện Vật lý địa cầu sẽ phối hợp với địa phương để khẩn trương thiết lập 3 trạm quan trắc động đất tại huyện Kon Plông, dự kiến xong trước ngày 2/9. Sau đó, các đơn vị sẽ thiết lập thêm 2 trạm nữa. Trong năm nay, địa phương sẽ có 5 trạm quan trắc hiện tượng này.
Theo ông Nguyễn Tấn Liêm, Phó ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Kon Tum, trận động đất mạnh 4,7 độ xảy ra chiều 23/8 cùng những dư chấn khác chưa gây thiệt hại về người ở địa phương, chỉ có một số nhà dân bị rơi ngói. Hiện, các thiệt hại này đã được khắc phục.
Dù vậy, người dân đang lo lắng khi liên tục hứng chịu các trận động đất mạnh kể từ tháng 4 vừa qua.
Ông Liêm cho biết xung quanh khu vực là tâm chấn của các trận động đất có 2 công trình hồ chứa thuộc thủy điện Thượng Kon Tum, Đắk Đrinh. Các công trình này đều có thiết kế chống chịu động đất ở cấp 7-8.
Trước mắt, địa phương sẽ phổ biến sổ tay kiến thức về động đất, cung cấp tờ rơi cho người dân, tổ chức diễn tập kịch bản ứng phó với từng cấp độ động đất và ổn định tư tưởng, tránh tạo tâm lý hoang mang khi động đất xảy ra.
Đại diện tỉnh Kon Tum cũng kiến nghị Viện Vật lý địa cầu phối hợp với Công ty Thủy điện Thượng Kon Tum xem xét phương án lắp đặt trạm quan trắc để phục vụ công tác đo đạc, phục vụ việc cảnh báo sớm cho người dân thì sẽ không bị tâm lý.
Các công trình thủy điện đều đảm bảo chống chịu động đất?
Tại cuộc họp, ông Đào Quang Tuynh, đại diện Vụ Khoa học Công nghệ thuộc Văn phòng Chính phủ, cho biết các nhà khoa học nhận định trước khi có các hồ chứa thủy điện trên khu vực Kon Plông, cường độ động đất lớn nhất ghi nhận được tại đây là 3,9.
Sau khi có các hồ chứa, đến tháng 4 vừa qua, cường độ này gia tăng lên 4,5 và hiện đã đạt độ lớn đến 4,7.
"Việc này gây hoang mang cho người dân nên chúng tôi cũng tham mưu Phó thủ tướng để ban hành công điện chỉ đạo, đề nghị các cơ quan, đơn vị và địa phương xem xét vấn đề động đất ở khu vực này một cách căn cơ", ông Tuynh nói.
Ông cũng đề nghị trong bản tin cảnh báo động đất của Viện Vật lý địa cầu cần đề cập thêm hậu quả có thể xảy ra với độ lớn của các trận động đất. Điều này đã được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật nên đơn vị phải chấp hành.
Theo ông Tuynh, công tác dự báo cường độ động đất gặp khó khăn nhưng các đơn vị, đặc biệt là Viện Vật lý địa cầu cần khẩn trương đánh giá được nguyên nhân chính xác, từ đó đưa ra được giải pháp cụ thể.
Cuộc họp ứng phó với động đất ở Kon Tum diễn ra chiều 24/8. Ảnh: M.H. |
Kết luận cuộc họp, ông Trần Quang Hoài, Phó trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai, nhận định trường hợp động đất lớn nhất xảy ra tại khu vực này là 5,5 độ có thể gây ra chấn động lớn, ảnh hưởng đến cơ sở hạ tầng và người dân. Dù vậy, cường độ này vẫn nhỏ hơn cấp độ chống chịu của các công trình được thiết kế trên địa bàn.
"Nếu động đất 5,5 độ xảy ra, các nhà dân kiên cố, hay công trình đảm bảo quy chuẩn xây dựng như trường học, bệnh viện vẫn có thể đảm bảo chống chịu. Nhưng với công trình bán kiên cố hoặc nhà tạm, địa phương cần rà soát để đảm bảo an toàn", ông Hoài đề nghị.
Ông cũng khẳng định các hồ chứa, thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã được thiết kế để đảm bảo an toàn cho nguy cơ động đất ở khu vực. Nhưng các đơn vị vẫn cần theo dõi, đánh giá thường xuyên.