Viện Vật lý Địa cầu - Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam, phát đi thông báo ngày 23/8 liên tiếp xảy ra 6 trận động đất tại huyện Kon Plông (Kon Tum), trong đó có trận động đất mạnh 4,7 độ, ở độ sâu 8,2 km, gây chấn động khu vực rộng lớn khoảng 14h chiều cùng ngày. Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần đã phát đi cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai ở cấp 1.
Trước tình hình trên, Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai đề nghị Kon Tum, các bộ, ngành liên quan kiểm tra, đánh giá tác động và mức độ ảnh hưởng đối với nhà ở của nhân dân, trụ sở làm việc, trường học nội trú và các công trình cơ sở hạ tầng, nhất là các hồ đập thuỷ điện, thuỷ lợi.
Các đơn vị kịp thời phát hiện, khắc phục các sự cố, hư hỏng để đảm bảo an toàn cho người và tài sản, sẵn sàng nhân lực, vật lực, phương tiện để ứng phó và khắc phục hậu quả kịp thời khi có tình huống.
Hoạt động tích nước của thủy điện Thượng Kon Tum được cho là một trong những nguyên nhân gây ra động đất liên tục những ngày qua tại huyện Kon Plông. Ảnh: TTX. |
Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai yêu cầu các cấp xã, huyện Kon Plong tiếp tục theo dõi chặt chẽ dư chấn động đất, cung cấp thông tin kịp thời cho cơ quan chức năng, chính quyền và người dân biết để phục vụ công tác chỉ đạo ứng phó
Địa phương tập trung tuyên truyền, phổ biến về tình hình động đất, các nhận biết và kỹ năng ứng phó với động đất để người dân, cộng đồng chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại, đồng thời tránh tâm lý hoang mang cho người dân.
Trao đổi với Zing ngày 21/4, PGS.TS Cao Đình Triều, nguyên Phó viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, phân tích động đất tăng đột biến ở huyện Kon Plong thời gian qua có thể do động đất kích thích, liên quan đến hoạt động của hồ chứa thủy điện. Trước đó, vào 24/3/2021, nhà máy Thủy điện Thượng Kon Tum đặt tại huyện Kon Plông vận hành và phát điện tổ máy số 1.
Ông Triều nhận định khu vực xảy ra động đất nằm trên đứt gãy đang hoạt động có tên Rào Quán - A Lưới, đây là đới đứt gãy mạnh, chạy từ Lào, qua A Lưới, kéo dài tới Quy Nhơn. Trên đới đứt gãy này từng ghi nhận hàng loạt trận động đất xảy ra tại thủy điện sông Tranh 2 (Quảng Nam) và thủy điện Đăk Đrinh (Quảng Ngãi) khi các nhà máy này hoạt động tích nước hồ chứa.
Người dân ở khu vực thị trấn Măng Đen, huyện KonPlong cảm nhận nhà cửa bị rung lắc mạnh do động đất dồn dập những ngày qua. Ảnh: Minh Hoàng. |
Vị chuyên gia này khuyến cáo để đảm bảo an toàn tính mạng, trong quá trình xảy ra động đất, người ở nhà hoặc ngoài trời thì giữ nguyên vị trí, không hoảng sợ, chạy đi chạy lại dễ gây thương tích. Nếu đang ở trong nhà thì tránh xa bức tường, đứng giữa nhà hoặc chui xuống gầm bàn, giường vững chắc. Tránh xa cửa sổ và cửa ra vào.
Trường hợp người đang ở ngoài trời thì nên chọn nơi càng rộng càng tốt. Không đứng dưới đường dây điện, cây cao, gần nhà cao tầng, tường cao... dễ đổ.
Nếu đang đi bộ trên đường hoặc bằng phương tiện giao thông như xe đạp, xe máy, ôtô... thì không được dừng dưới cầu vượt, cầu, cống cho đến khi rung động kết thúc.
Theo thống kê, từ năm 1903 đến năm 2020, khu vực huyện Kon Plông và vùng lân cận ghi nhận 33 trận động đất có độ lớn từ 2,5 trở lên. Nhưng chỉ từ tháng 4/2021 đến nay, địa phương xuất hiện hàng trăm trận động đất. Trước đó, trận động đất mạnh nhất có độ lớn 4,5 xảy ra ngày 18/4, gây rung chấn mạnh cho huyện Kon Plông và khu vực lân cận.
Sau các trận động đất liên tiếp xảy ra tại huyện Kon Plông (Kon Tum), tối 20/4, Phó thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam chỉ đạo Viện Vật lý địa cầu tiếp tục quan trắc, giám sát động đất tại khu vực trên.