- Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9 diễn ra chiều 2/10, ngay sau phiên họp của Chính phủ.
- Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì họp báo. Cùng dự và trả lời câu hỏi của các cơ quan báo chí có nhiều lãnh đạo các bộ, ngành...
Zing đặt 2 câu hỏi tại họp báo:
1. Hồi cuối tháng 9, báo chí đưa tin về việc gia đình ông Nguyễn Đức Chung muốn làm thủ tục xin được tại ngoại hầu tra, để điều trị bệnh ung thư. Xin Bộ Công an thông tin về tình hình sức khỏe và diễn biến điều tra trong các vụ án liên quan đến ông Nguyễn Đức Chung?
2. Bão số 5 vừa qua khiến hơn 600 cột điện ở miền Trung bị gãy. Là cơ quan chủ quản, Bộ Công Thương đã có chỉ đạo gì đến các đơn vị thành viên trong việc làm rõ chất lượng cột điện? Bộ có kế hoạch cử đoàn thanh tra không?
Về phía Bộ Xây dựng, Bộ đánh giá thế nào về vụ việc này dưới góc độ chuyên môn chất lượng công trình?
Trả lời câu hỏi của Zing, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải lý giải cột điện là một phần của công trình lưới điện, được các đơn vị điện lực xây dựng trên cơ sở tuân thủ quy định của Luật Xây dựng cũng như Nghị định 46 năm 2015 của Chính phủ, quy định rõ trách nhiệm của chủ đầu tư, tư vấn thiết kế, giám sát, thi công, tư vấn, kể cả cung cấp vật liệu sản phẩm, kết cấu thiết bị sử dụng cho công trình xây dựng.
Về quản lý Nhà nước, Bộ Xây dựng là đơn vị phụ trách. Bộ cũng ban hành công văn số 4777 ngày 2/10 về tăng cường công tác quản lý chất lượng cột điện bê tông cốt thép ly tâm, sử dụng trong các công trình đường dây truyền tải điện trên không để yêu cầu tất cả công trình liên quan phải lưu ý và có biện pháp kiểm tra, khắc phục thiệt hại do bão gây ra.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải. |
Theo ông Hải, Bộ Công Thương là đơn vị quản lý Nhà nước trong lĩnh vực về điện, cùng với chủ sở hữu của Tập đoàn EVN là Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ đã yêu cầu ngành điện và EVN trực tiếp rà soát, phân tích, đánh giá và đề xuất giải pháp tổng thể trong công tác thiết kế, quản lý xây dựng công trình, mua sắm hàng hóa và quản lý vận hành các công trình này.
Bên cạnh đó, Bộ phối hợp với chính quyền địa phương bảo đảm an toàn hành lang lưới điện và tăng cường kiểm tra công tác quản lý vận hành, kịp thời xử lý các điểm xung yếu.
'Sức khỏe ông Chung bình thường trong điều kiện mới'
Trả lời Zing về câu hỏi sức khỏe ông Nguyễn Đức Chung, thiếu tướng Tô Ân Xô (Chánh văn phòng, người phát ngôn Bộ Công an), cho biết theo báo cáo của cơ quan điều tra, tình trạng sức khỏe của ông Nguyễn Đức Chung là “bình thường trong điều kiện mới”.
Người phát ngôn Bộ Công an cho biết ông Nguyễn Đức Chung liên quan 3 vụ án, cơ quan điều tra đang tiến hành điều tra.
Thiếu tướng Tô Ân Xô - Chánh văn phòng, người phát ngôn Bộ Công an. |
Về việc luật sư hay gia đình ông Chung đề nghị thay đổi biện pháp ngăn chặn với ông Chung, thiếu tướng Tô Ân Xô cho hay cơ quan an ninh điều tra đã nhận được đơn đề nghị của gia đình.
“Nhưng qua kết quả xem xét, tội Chiếm đoạt tài sản bí mật Nhà nước có tính chất rất nghiêm trọng, vì thế, do yêu cầu điều tra vụ án, trước mắt chưa thể thay đổi biện pháp ngăn chặn”, ông Xô nói và khẳng định cơ quan an ninh điều tra phối hợp với cơ quan y tế đã tổ chức khám, chữa bệnh cho ông Nguyễn Đức Chung.
Giao Công an Đắk Lắk thông tin về vụ điều tra tội vu khống
Trả lời câu hỏi về vụ bắt giữ khẩn cấp đối tượng được cho là vu khống ở Đắk Lắk, thiếu tướng Tô Ân Xô cho biết theo báo cáo của Công an tỉnh Đắk Lắk, sau khi tiếp nhận nguồn tin tội phạm, cơ quan Cảnh sát điều tra đã tổ chức xác minh. Qua xác minh cho thấy dấu hiệu tội phạm nên ngày 19/9, cơ quan cảnh sát điều tra đã khởi tố hình sự, khởi tố bị can, bắt tạm giam 2 tháng đối với đối với Hoàng Minh Tuấn (sinh năm 1980) về tội Vu khống, theo quy định tại Điều 156 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Các quyết định này đã được VKSND tỉnh Đắk Lắk phê chuẩn. Sau khi mở rộng điều tra, ông Xô cho biết ngày 1/10, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk đã có lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp, ra quyết định tạm giữ và lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp đối với ông Phạm Đình Quý (giảng viên ĐH Tôn Đức Thắng).
Quá trình điều tra cho thấy Hoàng Minh Tuấn và Phạm Đình Quý bước đầu khai nhận hành vi vi phạm pháp luật của mình. Cơ quan điều tra đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền để mở rộng điều tra và xử lý hai bị can này theo đúng quy định của pháp luật.
“Bộ Công an đã giao Giám đốc Công an Đắk Lắk có trách nhiệm thông tin cụ thể, chi tiết hơn nếu báo chí muốn hỏi về vụ án này”, ông Xô nói.
Tăng trưởng tín dụng đang rất tích cực
Thông tin tại họp báo, Phó thống đốc Đào Minh Tú cho biết tăng trưởng tín dụng đến nay đã đạt 6,1%. Con số này tăng cao so với mức 4,3% cuối tháng 8, đầu tháng 9. Quý I tăng rất chậm, quý II tăng nhanh hơn một chút nhưng vẫn rất chậm.
Ông nhận định đây là dấu hiệu tích cực trong việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp, kể cả trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Thậm chí, trong lĩnh vực dịch vụ, tỷ lệ tăng trưởng tín dụng cũng tăng tới 7%, là kết quả đáng khích lệ.
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú. |
“Dù trong điều kiện còn khó khăn, do tác động của dịch, doanh nghiệp có sự chuyển biến tích cực và linh hoạt”, ông nói. Về mục tiêu năm nay, nếu điều kiện dịch kiểm soát tốt, xuất khẩu phục hồi, ông Tú dự báo dư nợ tín dụng có thể tăng 8-10%, thậm chí mức trên 9% là khả thi.
Để làm được điều đó, ông Tú nhấn mạnh phải cơ cấu lại khoản nợ, lãi đến hạn, nhưng quan trọng nhất vẫn là giảm lãi suất. Từ đầu năm, NHNN đã 3 lần giảm lãi suất điều hành, các ngân hàng cũng tiết giảm chi phí… tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn hợp lý, giúp tăng trưởng tín dụng.
Kinh tế Việt Nam đã vượt qua đáy chữ V
Mở đầu họp báo, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng chia sẻ thêm về tình hình kinh tế - xã hội tháng 9 và 9 tháng đầu năm. Ông nhận định tình hình quý III có nhiều điểm sáng. Tăng trưởng quý III đã đạt 2,62%, cao hơn mức 0,39% của quý II.
Ông Dũng dẫn bình luận của Thủ tưởng cho rằng kinh tế Việt Nam đã vượt qua đáy chữ V và đang dần phục hồi. Việt Nam cũng là một trong những nền kinh tế hiếm hoi ở Đông Nam Á tăng trưởng dương.
Điểm sáng kinh tế 9 tháng qua là xuất siêu 17 tỷ USD, con số kỷ lục từ trước đến nay. Khu vực kinh tế trong nước có mức tăng trưởng xuất khẩu trên 20%. Trong đó, ngành nông nghiệp phấn đấu xuất khẩu trên 41 tỷ USD với 12 cơ sở, nhà máy chế biến được đưa vào hoạt động.
Thu hút đầu tư nước ngoài, dù gặp khó khăn, đã đạt trên 21 tỷ USD. Các chỉ tiêu vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng tăng 3,85% so với cùng kỳ năm trước.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng. |
Tỷ giá, thị trường ngoại hối ổn định, thị trường chứng khoán có sự khởi sắc trở lại. Tốc độ giải ngân vốn đầu tư công tháng 9 và 9 tháng đều đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2016-2020.
Sản xuất công nghiệp tháng 9 đã có sự khởi sắc, mở ra hy vọng sớm phục hồi và tăng trưởng mạnh trở lại trong quý IV và thời gian tới. Hoạt động thương mại dịch vụ trong tháng 9 đã tăng trưởng trở lại, cầu tiêu dùng phục hồi. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 9/2020 tăng 2,7% so với tháng trước và tăng 4,9% so với cùng kỳ.
Lao động việc làm quý 3 phục hồi , tăng 1,5 triệu người so với quý II. Chỉ số nhà quản trị mua hàng PMI của Việt Nam (do Nikkei đánh giá) đã tăng lên 52,2 điểm trong tháng 9, cao nhất ASEAN và so với 45,7 điểm tháng 8, thể hiện xu hướng phục hồi rõ nét của nền kinh tế Việt Nam.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng nhắc lại nhận định của Thủ tướng: "Trong tháng 9, mục tiêu kép đã được tổ chức thực hiện hết sức nghiêm túc và đạt kết quả tốt".