Trong phiên chất vấn của HĐND TP HCM sáng 10/12, ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở NN&PTNT TP, cho rằng, chất tạo nạc được người chăn nuôi sử dụng ngày càng nhiều là do thời gian gần đây Trung Quốc có nhu cầu rất lớn về lợn 120 kg. Điều này đã kích thích người chăn nuôi sử dụng chất tạo nạc để lợn đủ cân đưa qua biên giới.
Chưa biết, không nghe tin Trung Quốc thích mua lợn 120 kg
Trao đổi với Zing.vn, ông Hoàng Thanh Vân - Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT cho biết, Cục Chăn nuôi không biết thông tin người dân dùng chất tạo nạc vì Trung Quốc có nhu cầu mua loại lợn 120 kg và sẽ cho kiểm tra thông tin này. "Cái đó chúng tôi không biết, chưa nghe đến, và sẽ kiểm tra thông tin", ông Vân nói.
Lãnh đạo Cục Chăn nuôi cũng cho hay, việc liên quan đến chất cấm khi khi kiểm tra lò mổ nếu phát hiện có vi phạm sẽ dừng hoạt động. Tuy nhiên, thông tư số 57/2012/TT-BNNPTNT quy định việc kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm các chất cấm thuộc nhóm Beta-agonist trong chăn nuôi khi áp dụng thực tiến có một số vấn đề chưa phù hợp.
"Cục đang sửa đổi, hiện chúng tôi sửa đổi và đang xin ý kiến. Vừa rồi chúng tôi cũng đã có trao đổi với anh Trung - Giám đốc Sở NN&PTNT để thông nhất và không có vấn đề gì khúc mắc", ông Vân nói.
Khi đề cập việc ông Trung trả lời chất vấn đại điểu HĐND TP HCM là nói do Cục Chăn nuôi chậm trễ trả lời và với nội dung chung chung, khiến Sở khó xử lý, vị lãnh đạo Cục Chăn nuôi cho hay không hiểu vì sao ông Trung trả lời như vậy.
Cũng phủ nhận thông tin rộ dùng chất tạo nạc vì thương lái thích mua lợn trên 120 kg, ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội thức ăn chăn nuôi Việt Nam cho rằng, Trung Quốc chỉ thích mua lợn mỡ, không phải lợn nạc. Trong khi tác dụng của chất tạo nạc là giúp chuyển hóa lợn mỡ thành lợn nạc.
Trao đổi với Zing.vn, ông Lịch cho biết, từ năm 2001, Bộ đã công bố bản danh sách các chất cấm trong sản xuất, chế biến thức ăn chăn nuôi. Chất tạo nạc - salbutamol đứng đầu danh sách này.
Những năm 2003-2005, tại Việt Nam lại rộ lên chiến dịch ngăn chặn sử dụng chất cấm trong chăn nuôi nhưng sau một thời gian ngắn lại chìm xuống. "Đến năm 2015, chúng tôi đã tổ chức hội thảo và yêu cầu các doanh nghiệp thành viên viết cam kết không sử dụng chất cấm. Vừa rồi, hơn 10 doanh nghiệp vi phạm bị phát hiện, không có đơn vị nào trong danh sách của hiệp hội", ông Lịch cho hay.
Người giết mổ thích lợn có chất tạo nạc vì thịt đỏ và tỷ lệ móc hàm cao. Ảnh minh họa: Lê Quân. |
Chất tạo nạc không giúp lợn tăng trọng
Theo ông Lê Quang Thành, Tổng giám đốc Công ty Sản xuất thức ăn chăn nuôi, con giống, lợn giống Thái Dương (Hưng Yên), thương lái Trung Quốc chỉ chọn mua lợn mỡ, có trọng lượng 100 kg trở lên. Lợn nạc chủ yếu được giết mổ, bán cho người tiêu dùng trong nước.
Cũng là cử nhân đại học Nông nghiệp Hà Nội (chuyên ngành Dinh dưỡng), ông Thành cho biết, chất tạo nạc trong thức ăn sẽ giúp mỡ lợn chuyển hóa nhanh chóng thành nạc. Tuy nhiên, người dân chỉ cho ăn trong một thời gian ngắn khi đàn lợn chuẩn bị xuất chuồng. Lợn tiêu hóa salbutamol sẽ có thịt đỏ, tỷ lệ móc hàm cao hơn, người giết mổ rất thích.
"Thông thường, 1 tạ lợn thường, móc hàm được 76-78 kg. Nếu chúng được ăn hóc-môn, ruột sẽ teo lại, tỷ lên móc hàm tăng lên 80 kg. Người giết mổ sẽ lời được khoảng 150.000-200.000 đồng", ông Thành cho hay.
Tuy nhiên, theo ông Thành, thực chất, quá trình phát triển, trọng lượng của lợn thường và lợn ăn chất tạo nạc trong một thời gian ngắn là ngang nhau. Thậm chí, nếu cho ăn salbutamol dài hơi, ruột lợn teo lại, trọng lượng giảm. Nếu kéo dài quá 15 ngày, trung bình mỗi con lợn sẽ bị giảm 150 g/ngày.
"Thức ăn chứa salbutamol chỉ có tác dụng chuyển đổi từ nạc sang mỡ, không tăng trọng lượng, người nuôi không được lợi nhưng họ vẫn cho ăn. Lý do là lợn mỡ thường bị chê, rất khó bán. Cũng vì thế, lái heo thường khuyến khích người nuôi phải sử dụng thuốc tạo nạc mới mua", ông cho hay.
Tuy nhiên, theo anh Bùi Văn Duyệt, đơn vị cung cấp thức ăn chăn nuôi ở Thái Bình, giai đoạn lợn có trọng lượng 120-140 kg tích luỹ mỡ nhiều nên người nuôi phải dùng chất tạo nạc để cho lợn ăn salbutamol hãm béo. Người Việt thích thịt nạc tạo nên tâm lý thị trường người nuôi phải dùng chất cấm.
Cũng theo anh Duyệt, nguyên nhân sâu xa của tình trạng này là người lái heo giết mổ nhỏ lẻ, manh mún, không có thương hiệu. Họ chỉ chạy theo thị hiếu của người dùng, cái lợi trước mắt. Vì thế, cơ quan chức năng phải cấm giết mổ nhỏ lẻ, yêu cầu thi công quy mô bài bản.
"Với cá nhân doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi, chúng tôi luôn muốn quảng bá thương hiệu, giữ uy tín, không làm việc 'vô nhân đạo'. Cũng vì thế, cơ quan chức năng cần quản lý nghiêm ngặt, và xử lý triệt để ngọn ngành vấn đề", anh Duyệt cho hay.