Mới đây, trong cuộc họp thường kỳ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) đưa ra quy định sẽ tặng thưởng 1-50 triệu đồng cho cá nhân, đơn vị tố giác hành vi sử dụng chất cấm, hoá chất ngoài danh mục cho phép chăn nuôi, sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Chương trình được người dân hưởng ứng nhiệt tình. Cụ thể, theo thông tin từ Bộ, trung bình mỗi ngày, đường dây nóng nhận được 20 cuộc điện thoại của người dân tố giác về các hành vi buôn bán và sử dụng chất tạo nạc, chất cấm trong chăn nuôi.
Thế nhưng, không ít người vẫn tỏ ra lo lắng về việc đảm bảo giữ bí mật thông tin của người tố giác vì sợ bị đơn vị bị tố giác gây khó dễ, trả thù.
Một độc giả tên Cường (Hoài Đức, Hà Nội) chia sẻ với Zing.vn, anh đã phát hiện một cơ sở có sử dụng chất cấm (thuốc Super tạo nạc) cho lợn ăn nhưng không thông báo. Anh băn khoăn thông tin cá nhân sẽ bị rò rỉ, đơn vị bị tố giác sẽ biết và gây khó dễ. "Việc tố giác có thể gây nguy hiểm không chỉ với cá nhân tôi mà cả các thành viên trong gia đình. Vì lẽ đó, tôi cho rằng im lặng là vàng", anh cho hay.
Cơ quan chức năng đã phát hiện hàng loạt doanh nghiệp trộn chất cấm vào thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm. Ảnh: N.L. |
Cũng đồng tình với ý kiến trên, chị Tá Thị Phượng (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, việc tố giác thực phẩm bẩn, với chị, không vì tiền mà là trách nhiệm bản thân với cộng đồng. Tuy nhiên, sau khi báo đến đường dây nóng của Bộ Nông nghiệp về một đơn vị cùng địa phương buôn bán thịt lợn chết bệnh, có sử dụng hooc-môn, chị cảm thấy run tay. Bởi trong quá trình tìm hiểu và phát hiện hành vi sai trái, chị đã có thời gian tiếp xúc thường xuyên với đơn vị này.
Tuy vậy, chị Phượng cho rằng, việc tố giác các đơn vị vi phạm chỉ giải quyết được một nửa nhiệm vụ mà cơ quan chức năng phải làm. "Bên cạnh xử lý đơn vị buôn bán thịt lợn chết, Bộ cần đi sâu điều tra những đơn vị chăn nuôi, nơi buôn bán chất cấm... Doanh nghiệp vi phạm phải được xử lý và phạt thật nặng để không lặp lại", chị cho hay.
Ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng thanh tra chuyên ngành, thanh tra Bộ NN&PTNT rằng, Bộ có một số cam kết giữ bí mật danh tính người tố giác theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp họ sẵn sàng công khai, Bộ mới giới thiệu điển hình đó đến người dân.
Trưởng phòng thanh tra Bộ NN&PTNT cũng nói thêm, việc thông tin tố giác hành vi sử dụng thực phẩm bẩn, chất cấm qua đường dây nóng của Bộ còn khá mới. Do đó, Bộ luôn khuyến khích nhân dân tham gia bởi việc này thể hiện hành vi có trách nhiệm với cộng đồng. Số tiền thưởng cho cá nhân, đơn vị tố cáo thành công, theo ông Dũng, chỉ là một nguồn động viên.
Với vai trò là doanh nghiệp, ông Lê Quang Thành, Tổng giám đốc Công ty Sản xuất thức ăn chăn nuôi, con giống lợn giống Thái Dương (Hưng Yên), cho biết, ông rất ủng hộ chủ trương mà Bộ đưa ra. Tuy nhiên, Bộ cần làm quyết liệt, đồng bộ để trị tận gốc vấn đề.
Ông Thành cho rằng, mục đích lớn nhất của người chăn nuôi là hiệu quả kinh tế. Như vậy, Bộ cần đưa ra những tài liệu xác thực về việc sử dụng chất cấm gây nguy hiểm như thế nào, không mang lại hiệu quả kinh tế ra sao.
Lãnh đạo doanh nghiệp này dẫn ví dụ một đơn vị ở Đồng Nai đã thí nghiệm dùng hóc-môn trong thức ăn chăn nuôi. Trung bình cứ 1 con lợn nặng 1 tạ bán giá 40.000 đồng/kg, trừ chi phí thức ăn chứa hóc-môn 50.000 đồng, đơn vị này sẽ thu về 50.000 đồng. Thế nhưng, nếu lợn ăn thức ăn chứa hóc-môn sinh trưởng, đến thời kỳ được bán, con vật ăn ít hơn, lớn chậm 10 kg tăng trọng so với bình thường. Nếu như bán giá 40.000 đồng/kg, người nuôi sẽ bị mất tới 400.000 đồng. Như vậy, việc sử dụng hóc-môn trong thức ăn chăn nuôi không đem lại hiệu quả kinh tế cao.
"Bên cạnh đó, Bộ cần đưa ra những chế tài xử phạt thật nặng, để các đơn vị kinh doanh không tái hành vi. Chứ nếu chỉ làm cho có, phát hiện và để đấy thì chẳng khác gì 'đánh trống bỏ dùi", ông Thành cho hay.
Ông Thành cũng cho biết, chủ trương của Bộ trong đợt cao điểm cuối năm là xác đáng và rất có lợi cho những doanh nghiệp làm ăn chân chính. Bởi điều tất yếu là những đơn vị cạnh tranh không lành mạnh, vi phạm quy định chắc chắn sẽ bị xử lý nghiêm.