Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chưa hoạt động, hệ thống thu phí metro số 1 đã lạc hậu

Không thể áp dụng chính sách giảm giá; hình thức mua vé hạn chế; công dụng vé đơn năng; nạp tiền truyền thống là 4 điểm lạc hậu của hệ thống thu phí metro số 1 TP.HCM.

Tàu metro đặt tại depot Long Bình (TP Thủ Đức). Ảnh: Quỳnh Danh.

Tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên chưa đưa vào vận hành nhưng hệ thống thu phí tự động hiện hữu (AFC) đã lạc hậu và hạn chế so với công nghệ hiện nay, theo báo cáo của Sở Giao thông Vận tải (GTVT) vừa gửi UBND TP.HCM.

Theo đó, Sở GTVT TP.HCM đánh giá việc nâng cấp để bổ sung chức năng mới cho hệ thống thu phí của tuyến metro số 1 nhằm phục vụ hành khách và đồng bộ quản lý là rất cần thiết.

Vì hiện nay, hệ thống thu phí AFC của metro 1 chưa liên kết với các tuyến metro và phương tiện công cộng khác. Đồng thời, việc giảm giá vé cho học sinh, sinh viên, người già, người tàn tật cũng không thể thực hiện vì hệ thống chưa hỗ trợ vé định danh; cơ chế vé giảm giá lẫn vé tháng không được áp dụng. Bên cạnh đó, khách đi metro chỉ được mua và nạp tiền tại máy hoặc quầy tại nhà ga.

Tuy nhiên, với các đề xuất của chủ đầu tư MAUR đưa ra hiện nay, Sở GTVT chỉ ra nhiều vướng mắc.

Cụ thể, phương án nâng cấp bằng nguồn vốn của dự án metro số 1 (vốn ODA) sẽ không phù hợp do phát sinh thủ tục điều chỉnh hợp đồng, điều chỉnh dự án, điều chỉnh thiết kế. Thủ tục điều chỉnh sẽ ảnh hưởng đến tiến độ metro số 1, không đảm bảo hoàn thành năm 2023, đưa vào khai thác năm 2024.

Phương án sử dụng vốn ODA lại có chi phí đầu tư cao do phải sử dụng công nghệ, thiết bị của các nhà thầu nước ngoài. Trong khi các nhà thầu trong nước hiện nay đều có thể cung cấp, lắp đặt.

he thong ve metro anh 1

Máy bán vé metro số 1 đặt tại ga Nhà hát Thành phố. Ảnh: Anh Thư.

Đối với phương án đầu tư công, cần phải xem xét khả năng cân đối vốn trung hạn và tốn thời gian để thực hiện thủ tục đầu tư. Ngoài việc không đảm bảo tiến độ, phương án còn dẫn đến sự chồng chéo trong thực hiện, dễ xảy ra tranh chấp về kỹ thuật, công nghệ, chất lượng và trách nhiệm bảo hành trong quá trình khai thác.

Phương án cuối cùng là sử dụng nguồn vốn xã hội hóa cũng chưa có cơ sở để xem xét. Bởi đề xuất của nhà đầu tư mới chỉ có tính chất sơ bộ, chưa nêu rõ nội dung trong phương thức đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Do đó, Sở GTVT kiến nghị UBND TP.HCM giao Ban quản lý đường sắt đô thị (MAUR) chủ trì, phối hợp các đơn vị (trong đó có Sở GTVT) nghiên cứu đưa ra phương án nâng cấp hệ thống thu phí tự động cho tuyến metro số 1 phù hợp hơn. Hướng nghiên cứu có thể là xã hội hóa hoặc thuê dịch vụ. Điều này nhằm đảm bảo đồng bộ và hiệu quả khi liên thông với hệ thống thanh toán của các tuyến buýt, metro số 2, hoàn thành trong năm 2025.

Hệ thống thu phí tự động hiện hữu của tuyến metro số 1 là một trong những hạng mục yêu cầu chính của gói thầu CP3. Hồ sơ mời thầu của gói thầu này được Tư vấn NJPT (Nhật Bản) lập từ năm 2010, do Nhà thầu Hitachi đảm nhận thiết kế kỹ thuật chi tiết vào năm 2015.

Vì sao MAUR đề xuất giá vé tàu metro ở TP.HCM 9.000-23.000 đồng/lượt?

Giá vé metro số 1 được đề xuất 9.000-23.000 đồng mỗi lượt, 46.000 đồng đối với khách đi một ngày và 104.000 đồng cho 3 ngày.

Thư Trần

Bạn có thể quan tâm