Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chủ trương đề bạt người tài, xây dựng đội ngũ tinh nhuệ của Tào Tháo

Tào Tháo đã ý thức được từ rất sớm, rằng ngọn cờ chính nghĩa và đội ngũ tinh nhuệ là hai pháp bảo lớn để đánh bại địch giành chiến thắng.

Rõ ràng, đạo dùng người là nội dung cốt lõi trong đạo thành công của Tào Tháo. “Đạo dùng người”, kỳ thực cũng chỉ có hai vấn đề, một là dùng người nào, hai là dùng ra sao. Trong hai vấn đề này, Tào Tháo và Viên Thiệu thể hiện hai phong cách khác nhau hoàn toàn.

[…]

Viên Thiệu kết giao với người khác chỉ có một nguyên tắc: “phải là người nổi tiếng cả nước mới được gặp”. Đây là một kiểu thiên kiến, cũng là một kiểu làm màu và khoe mẽ.

Viên Thiệu làm vậy là muốn nói với mọi người, Viên đại công tử không phải bạ ai cũng gặp (không gặp bừa tân khách). Thế chẳng phải khoe mẽ thì là gì? Quan trọng hơn, Viên Thiệu kết giao với người nổi tiếng là để đề cao bản thân chứ không phải thật lòng muốn dùng sự thông minh tài trí của họ.

Viên Thiệu xưa nay luôn tự cho mình siêu phàm, không nghĩ rằng có ai thông minh hơn mình, vì vậy cũng chẳng cần lôi kéo nhân tài thật, chỉ cần có thể dùng để “trang trí” một chút là được. Ấy chính là làm màu.

Do đó, ông ta có thể làm bộ “hạ mình trước kẻ sĩ”, nhưng trong lòng lại bảo thủ cố chấp. Đây là nguyên nhân cơ bản khiến ông ta “có thể tập hợp mọi người song không thể dùng”. Phán đoán của Tuân Úc rất chính xác: “Thiệu cậy gia thế, tô vẽ diện mạo trí tuệ, để lấy danh tiếng, nên những kẻ sĩ kém tài theo về nhiều.”

Pham Tam Quoc anh 1

Tạo hình Tào Tháo trong phim.

[…]

Tào Tháo thì vừa khéo ngược lại. Phương châm của ông ta là: thực sự cầu thị, đề bạt người tài, không hề câu nệ, ai đến cũng nhận. Dưới tiền đề này, Tào Tháo đã xử lý ổn thỏa năm mối quan hệ.

Thứ nhất là danh và thực. Chính sách của Tào Tháo là: danh phải có thực, trọng thực tế hơn. Tào Tháo hiểu rõ tầm quan trọng của nhân tài, cũng tỏ tường sức nặng của bản thân. Ông ta biết, một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao, muốn nên nghiệp lớn thì phải có người giúp đỡ.

Ông ta cũng biết, bối cảnh, sự từng trải, địa vị, thực lực của mình đều không bằng người khác. Ông ta không có một gia tộc to lớn như Viên Thiệu; ông ta không có sẵn cơ nghiệp như Tôn Quyền.

Ông ta thậm chí không có một tấm danh thiếp có thể khoe khoang như Lưu Bị. Vốn liếng chính trị của ông ta ít ỏi nhất, vì vậy ông ta cần nhiều người giúp đỡ và ủng hộ, nhất là phải tranh thủ sự hợp tác của danh gia vọng tộc để giúp hiệu triệu. […]

Thứ hai là đức và tài.Chính sách của Tào Tháo là: tài đức vẹn toàn, đề bạt người tài. Tào Tháo đã có suy nghĩ bình dân và tinh thần thiết thực như vậy, cho nên khi tuyển chọn nhân tài ông ta không có chuyện “phải là người nổi tiếng cả nước mới được gặp” như Viên Thiệu, hoặc “phải là người liêm khiết mới dùng” như ai đó chủ trương.

Ông ta cần những người có thể thực sự giúp mình bình trị thiên hạ. Vì vậy, vào năm Kiến An thứ mười lăm (năm 210 CN), năm Kiến An thứ mười chín (năm 214 CN) và năm Kiến An thứ hai mươi hai (năm 217 CN), Tào Tháo trước sau ba lần ban bố lệnh cầu hiền, nêu ra một cách rõ ràng chính sách “đề bạt người tài”.

[…]

Thứ ba là liêm và tham. Chính sách của Tào Tháo là: trọng dụng thanh quan, không trách tham nhỏ. Đã đề bạt người tài thì không câu nệ. Tài đức vẹn toàn tất nhiên là tốt, song có chút khuyết điểm cũng chẳng hề gì.

Ngụy lược ghi chép một câu chuyện, kể rằng Tào Tháo có người đồng hương tên Đinh Phỉ, hay tham món hời nhỏ, lợi dụng chức quyền đổi con trâu gầy nhà mình lấy một con trâu béo của công, kết quả bị bãi quan.

Tào Tháo gặp ông ta, cố ý hỏi: Văn Hầu à, ấn quan của ông đâu rồi? Đinh Phỉ cười cợt đáp: Cầm đi đổi bánh nướng ăn rồi. Tào Tháo cười ha hả, quay đầu nói với tùy tùng, Mao Giới nhiều lần yêu cầu ta phạt nặng Đinh Phỉ, ta bảo Đinh Phỉ giống như con chó biết bắt chuột nhưng hay ăn vụng, giữ lại vẫn còn có chỗ hữu dụng.

Thứ tư là hàng và phản. Chính sách của Tào Tháo là: chiêu hàng nạp phản, bỏ hết hiềm khích. Không câu nệ thì không hỏi xuất thân. Thậm chí ngay cả người bên địch ông ta đều tìm cách lôi kéo sang để mình sử dụng.

Năm viên đại tướng dưới trướng ông ta, có ba người đến từ bên địch: Trương Liêu vốn là bộ tướng của Lã Bố, Trương Cáp vốn là bộ tướng của Viên Thiệu, Từ Hoảng vốn là bộ tướng của Dương Phụng, Nhạc Tiến và Vu Cấm thì do ông ta đích thân cất nhắc từ cấp thấp lên.

Đúng như câu “Đề bạt Vu Cấm, Nhạc Tiến giữa lúc đánh trận, thu nạp Trương Liêu, Từ Hoảng trong đám thua chạy, họ đều giúp sức lập công, xếp vào hàng danh tướng” (Ngụy thư do Bùi Tùng Chi chú dẫn trong Tam Quốc chí - Vũ đế kỷ).

Sau này, Trần Thọ viết hợp truyện cho năm viên đại tướng này, nói “tướng giỏi đương thời, năm người đứng đầu”; Tào Tháo thì khen họ “vũ lực mạnh mẽ, mưu lược chu toàn”, “hăng hái phá giặc mạnh, chẳng tòa thành kiên cố nào không hạ được”. Trên thực tế, sau mỗi lần chiến thắng, Tào Tháo đều muốn phát hiện và chiêu mộ nhân tài trong số tù binh.

Ngay cả Lã Bố, ông ta vốn cũng định giữ lại, sau vì Lưu Bị khuyên can nên đành thôi. […]

Thứ năm là lớn và nhỏ. Chính sách của Tào Tháo là: nắm lớn buông nhỏ, không câu nệ tiểu tiết. Thật ra, bất kể là “trọng dụng thanh quan, không trách tham nhỏ” hay “chiêu hàng nạp phản, bỏ hết hiềm khích” đều không phải kỹ xảo, mà là khí độ; là đạo dùng người, không phải thuật dùng người.

Thử ngẫm xem, Trương Tú “thù hận sâu nặng”, vừa nghe đến hàng, Tào Tháo đã tay bắt mặt mừng, phong quan tấn tước; Hứa Du “tham lam cuồng vọng”, vừa nghe tới theo, ông ta đã mừng rỡ khôn xiết, đi chân trần ra đón; Trần Lâm “chửi mắng ác độc”, ông ta chỉ vì yêu tài năng mà không hề so đo, thản nhiên thả ra; Tất Thầm “thất tín bội nghĩa”, ông ta chỉ vì khen hiếu thảo mà không trách lỗi xưa, tín nhiệm như cũ. Những chuyện này đều khiến khí độ anh hùng và lòng dạ rộng rãi của Tào Tháo hiện lên sống động trên trang giấy.

Dịch Trung Thiên / Quảng Văn Books & NXB Dân Trí

SÁCH HAY