Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) cho biết ngành dệt may trong năm ngoái vẫn xuất khẩu hơn 42,2 tỷ USD, tăng trưởng 8,5% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, kết quả chủ yếu đến từ sự tích cực của thị trường trong giai đoạn 6 tháng đầu năm. Từ quý III/2022, thị trường bắt đầu có dấu hiệu suy yếu bởi chính sách Zero-Covid của Trung Quốc và suy thoái toàn cầu. Ngành dệt may tiếp tục xấu đi trong cuối năm 2022 và vẫn còn ảnh hưởng trong quý I/2023.
Chủ tịch Vitas Vũ Đức Giang. Ảnh: T.L. |
Đến nay, theo ông, các doanh nghiệp đã thích ứng rất nhanh, như việc chuyển đổi nhanh giữa các thị trường, chuyển dịch một số mặt hàng chuyên môn hóa cao sang sản xuất đa dạng hơn.
Tuy nhiên, trong năm 2023, Chủ tịch Vitas dự báo doanh nghiệp dệt may vẫn còn nhiều thách thức. Đáng kể nhất là xu hướng nghỉ việc tăng lên và sự chuyển dịch lực lượng lao động ra khỏi các thành phố lớn.
"Lao động dệt may trong các tháng đầu năm giảm đến 15-18%. Có doanh nghiệp giảm 5-10% và cũng có đơn vị giảm đến 18%", ông Giang nêu.
Trong khi đó, doanh nghiệp trong nước cũng chưa đáp ứng được một số đơn hàng phức tạp. Có tình trạng doanh nghiệp nhận một số đơn hàng không chuyên môn hóa, tốn thời gian sản xuất và năng suất lao động thấp, hiệu quả không cao như mong muốn.
Các thị trường nước ngoài cũng đang có những đòi hỏi kép về chính sách như phải là sản phẩm tái chế hay minh bạch trong hoạt động. Đây là điều các doanh nghiệp chưa thể đáp ứng ngay, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Hiện tại, hiệp hội đang tích cực thông tin và khuyến cáo đến các công ty thành viên về các mục tiêu, giải pháp để ứng phó với những thách thức này. Giải pháp then chốt nhất, theo ông Giang, là xây dựng nền tảng và phương pháp đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa mặt hàng và đa dạng hóa chủng loại nhãn hàng sản xuất ở Việt Nam.
Mặt khác, các doanh nghiệp nên hướng đến sử dụng nhiều hơn các sản phẩm xanh và tái chế, có phương án đầu tư cơ sở vật chất và chiến lược theo chiều sâu, nhằm đáp ứng đòi hỏi từ các thị trường nước ngoài.
Thêm nữa, doanh nghiệp dệt may cần các giải pháp về chiến lược nguồn lực, đáp ứng chuyển biến rất nhanh của cơ chế thị trường như thời gian giao hàng nhanh, giá cả cạnh tranh, chất lượng ổn định, sự minh bạch trong sản xuất...
Doanh nghiệp cũng cần xây dựng các kênh kết nối và giao thương để nắm bắt về thách thức và cơ hội của ngành dệt may toàn cầu, các xu hướng công nghệ số và những chính sách mới.
Doanh nghiệp dệt may cần đa dạng hóa thị trường, mặt hàng và các chủng loại. Ảnh: Saigontex. |
Trong đó, ông cho rằng các hội chợ quốc tế sẽ là cơ hội để doanh nghiệp giải quyết vấn đề thiếu hụt nguồn cung, khi có các nhà sản xuất nguyên phụ liệu hàng đầu trên toàn cầu. Như hội chợ chuyên ngành SaigonTex & SaigonFabric sắp diễn ra ngày 5-8/4 tới đây đã có hơn 1.300 nhà triển lãm trong nước và 21 quốc gia khác đăng ký tham dự.
Các doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn nguyên phụ liệu để tận dụng lợi thế sản xuất, bao gồm cả nguyên liệu cho tái chế, và kết nối với các đơn vị cung cấp giải pháp về thiết bị, công nghệ tự động hóa và nền tảng xây dựng chuỗi.
Nhìn về triển vọng thị trường, ông cho rằng các doanh nghiệp có quy mô lớn và hình thành chuỗi sản xuất (sợi, dệt, nhuộm, may) sẽ "vững vàng" trong thời gian tới, còn các doanh nghiệp chuyên về gia công sẽ gặp thách thức lớn.
Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...