Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Kinh tế tuần hoàn - sức mạnh thúc đẩy chuyển đổi xanh cho dệt may Việt

Phát triển bền vững theo hướng kinh doanh tuần hoàn là định hướng quan trọng của ngành dệt may Việt Nam nhằm hiện thực hóa nỗ lực "xanh hóa".

det may ben vung,  kinh te tuan hoan anh 1

Trong những thập kỷ qua, sản xuất và tiêu thụ ngành dệt may trên thế giới tăng rất nhanh. Dệt may tại Việt Nam cũng như toàn cầu đang phải đối mặt với rác thải khổng lồ. Đã đến lúc chúng ta phải thay đổi mô hình sản xuất, tiêu dùng để bền vững hơn nếu không muốn đối mặt các vấn đề môi trường như mất đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu.

Một trong những cách thức để giải quyết rác thải dệt may đó là triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn. Đây cũng là một trong ba mục tiêu được đặt ra tại Triển lãm quốc tế vải cao cấp - Texfuture Việt Nam Xuân Hè 2023 vừa tổ chức từ 22/3 đến 24/3 tại GEM Center, TP.HCM.

Thực trạng chuyển đổi kinh tế tuần hoàn ngành dệt may

Không giống nền kinh tế tuyến tính truyền thống với nguyên lý “khai thác, sản xuất và thải bỏ sau tiêu thụ”, kinh tế tuần hoàn là khái niệm dùng để chỉ mô hình kinh tế mới dựa trên nguyên lý cơ bản “mọi thứ đều là đầu vào đối với thứ khác”.

Kinh tế tuần hoàn trong ngành dệt may nhất quán với khái niệm 3R (Reduce - Reuse - Recycle: Giảm thiểu - Tái sử dụng - Tái chế). Một nền dệt may mới theo kinh tế tuần hoàn sẽ dựa trên các nguyên tắc: Thiết kế phù hợp; sử dụng lại quần áo và sửa chữa chúng vào những mục đích khác; thu gom và tái chế.

Tuy nhiên, việc thực hiện các giải pháp kinh tế tuần hoàn đối với ngành dệt may là nhiệm vụ đầy thách thức, đòi hỏi sự tham gia chung của ngành dệt may toàn cầu và người tiêu dùng toàn thế giới. Quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn cũng đòi hỏi những thay đổi ở cấp độ kinh tế, xã hội, môi trường và luật pháp.

Trong quá trình xây dựng và triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn, ngành dệt may Việt Nam không đứng ngoài cuộc. Triển lãm quốc tế vải cao cấp - Texfuture Việt Nam Xuân Hè 2023 với chủ đề “Dệt may Việt Nam: Mạnh hơn - Thông minh hơn - Xanh hơn”, thu hút đông đảo doanh nghiệp sản xuất và vùng nguyên liệu xanh, hướng đến kinh tế tuần hoàn dệt may trong nước cũng như quốc tế tham dự.

Trong khuôn khổ triển lãm, tại diễn đàn “Kinh tế tuần hoàn trong ngành Dệt may”, PGS.TS Nguyễn Hồng Quân - Viện trưởng Viện nghiên cứu, phát triển kinh tế tuần hoàn (ĐHQG TP.HCM) - nhận định mô hình kinh tế tuần hoàn đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển xanh, bền vững của ngành dệt may Việt Nam. Mô hình này cần được nhìn nhận ở cả chuỗi giá trị, từ sản xuất, nguồn nguyên vật liệu đến khâu tiêu thụ.

det may ben vung,  kinh te tuan hoan anh 2

PGS.TS Nguyễn Hồng Quân trình bày tại Texfuture Việt Nam Xuân Hè 2023.

Trên thực tế, khi áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, ngành dệt may Việt Nam chịu nhiều thách thức lớn. Theo báo cáo từ Vitas (Hiệp hội Dệt may Việt Nam), nguồn cung nguyên phụ liệu cho ngành dệt may Việt hiện phụ thuộc lớn vào nguồn hàng nhập khẩu gồm những loại như bông, xơ, vải… Do đó, doanh nghiệp khó kiểm soát được chất lượng và tính bền vững của chuỗi cung ứng. Hiện tại, nguồn cung nguyên phụ liệu chủ yếu nhập khẩu, tỷ lệ nội địa hóa của ngành hiện mới đạt 30-35%.

Thứ hai, đối với khâu dệt nhuộm, do chưa có quy hoạch về không gian phát triển nên toàn ngành chưa hình thành được các khu công nghiệp dệt may lớn có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Bên cạnh đó, ngành hàng may mặc đang có thị trường xuất khẩu là những thị trường lớn, khó tính và có yêu cầu tiêu chuẩn kỹ thuật cao, tạo ra áp lực lớn. Áp lực này còn lớn hơn nữa khi xu thế tiêu dùng đang dần chuyển sang thời trang tuần hoàn, thời trang bền vững thay vì trào lưu thời trang nhanh như trước đây.

det may ben vung,  kinh te tuan hoan anh 3

Xu thế tiêu dùng chuyển dịch nhanh chóng từ thời trang nhanh sang thời trang bền vững, tuần hoàn sẽ là áp lực lớn cho dệt may Việt Nam.

Thiếu hụt nhân lực cũng là một trong những vấn đề nổi cộm với ngành dệt may hiện tại. Việt Nam hiện thiếu nhiều nhân lực chất lượng cao phục vụ ứng dụng công nghệ 4.0; nhân lực cho các khâu dệt, nhuộm và thiết kế thời trang. Cuối cùng, chuyển đổi xanh và tuần hoàn đòi hỏi nhu cầu vốn lớn, dẫn đến tình trạng không nhiều doanh nghiệp đủ điều kiện đáp ứng.

Dệt may tuần hoàn từ nguyên liệu tự nhiên, hữu cơ và tái chế

Nguyên liệu ban đầu của ngành dệt may là các loại xơ dệt, ngành dệt may phát triển đồng nghĩa với việc tiêu thụ xơ dệt ngày càng tăng lên. Nhu cầu về xơ dệt hàng năm dự kiến tăng đều 3-4% do dân số tăng và sức mua tại các thị trường cũng tăng lên. Xơ dệt có nguồn gốc từ tự nhiên, chủ yếu là xơ bông chiếm 24-26%, xơ dệt tổng hợp (chủ yếu là polyester) chiếm khoảng 62-65%, còn lại là các xơ khác. Tới năm 2030, ước tính lượng xơ tiêu thụ trên toàn cầu đạt 140 triệu tấn.

Làm sao vừa đáp ứng nhu cầu của con người vừa giảm tác động đến môi trường, câu trả lời đó là ngành dệt may phải phát triển bền vững. Tính bền vững ấy dựa trên việc sử dụng hiệu quả tài nguyên, tìm kiếm vật liệu thay thế, tái sử dụng hoặc tái chế hiệu quả hơn, áp dụng công nghệ sạch, cung cấp thông tin minh bạch về sản phẩm cho người tiêu dùng để mua hàng có trách nhiệm, theo vòng khép kín của mô hình kinh tế tuần hoàn.

Cùng với đó, dệt may Việt Nam cần ưu tiên đầu tư nghiên cứu và phát triển các nguyên liệu mới, đồng thời phối hợp địa phương xây dựng quy hoạch vùng trồng bông như đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi thử nghiệm và phát triển bông trang trại cơ giới hóa, nâng cao năng suất sợi, chuyển đổi sử dụng đất... để đẩy mạnh vùng trồng nguyên liệu nội địa.

det may ben vung,  kinh te tuan hoan anh 4

Đẩy mạnh vùng trồng nguyên liệu nội địa là một trong những giải pháp thúc đẩy kinh tế tuần hoàn cho ngành dệt may.

Để chuyển đổi mô hình kinh tế tuần hoàn, dệt may cũng cần thúc đẩy sản xuất sạch hơn, sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường và đẩy mạnh mạng lưới liên kết bền vững doanh nghiệp trong cụm công nghiệp và các bên liên quan theo chuỗi giá trị.

Ngoài ra, ngành cần xây dựng các tài liệu hướng dẫn kỹ thuật phục vụ cho tái chế, tuần hoàn; sàng lọc các doanh nghiệp sản xuất áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn với quy mô và công suất khác nhau; huy động nguồn lực từ các chương trình, dự án hỗ trợ quốc tế trong việc thực hiện sản xuất sạch hơn, sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường; sử dụng hiệu quả nguồn vốn từ chương trình quốc gia cho hoạt động sản xuất sạch.

Ứng dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật vào dệt may

Tại Hội nghị COP26, Thủ tướng đã nhấn mạnh: “Khoa học công nghệ phải đi trước để dẫn dắt và nguồn lực tài chính phải là đòn bẩy, thúc đẩy chuyển đổi mô hình phát triển hướng tới kinh tế xanh, tuần hoàn, bền vững, bao trùm và nhân văn”.

Theo đó, ngành dệt may cũng cần xây dựng được cơ sở dữ liệu thông tin, ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại thúc đẩy triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn.

“Cụ thể, toàn ngành có thể xây dựng hệ thống, trung tâm cơ sở dữ liệu thông tin về thực hành mô hình kinh tế tuần hoàn tại các doanh nghiệp dệt may; đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm tận dụng thông tin, dữ liệu, kỹ thuật và nguồn lực từ các tổ chức quốc tế; đảm bảo cung cấp thông tin theo thời gian thực, cập nhật định kỳ cho doanh nghiệp về nguồn cung - cầu liên quan đến phụ phẩm, bán thành phẩm, sản phẩm tái chế…”, PGS.TS Quân hiến kế.

det may ben vung,  kinh te tuan hoan anh 5

Texfuture Việt Nam Xuân Hè 2023 là hoạt động kết nối giao thương hướng đến mục tiêu xây dựng ngành dệt may xanh hơn, mạnh hơn, thông minh hơn.

Thông tin, công nghệ là một trong những yếu tố quan trọng cấu thành nên sự liên kết chặt chẽ trong chuỗi giá trị ngành dệt may. Tại Texfuture Việt Nam Xuân Hè 2023, Thư viện vải vóc số hoá đầu tiên tại Việt Nam đã được giới thiệu, cùng với nền tảng flatform thông tin dệt may toàn quốc đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc xây dựng, hệ thống cơ sở dữ liệu nguồn nguyên liệu xanh, quy trình sản xuất và thông tin thị trường của dệt may Việt Nam.

Đại diện đơn vị nghiên cứu, triển khai dự án - STS Group - cho biết: “Doanh nghiệp cần được cung cấp về các công nghệ đã hình thành thị trường để dễ dàng tiếp cận thông tin và đổi mới công nghệ; thông tin về quy định của những quốc gia Việt Nam ký kết hiệp định thương mại tự do đối với nguyên liệu, phụ phẩm, bán thành phẩm, sản phẩm nhựa và sản phẩm trong ngành dệt may. Đồng thời, ngành dệt may cần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đảm bảo yêu cầu về xây dựng, chia sẻ và cập nhật cơ sở dữ liệu thông tin về thị trường”.

Ngành dệt may Việt Nam đang đứng trước nhiều nguy cơ, thách thức, nhưng đây đồng thời là cơ hội cho việc chuyển đổi qua các mô hình bền vững, tuần hoàn. Việc chuyển đổi này cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, lĩnh vực nông nghiệp, công thương, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, công nghệ số; sự phối hợp giữa Nhà nước, doanh nghiệp, khoa học và các bên có liên quan. Đây là hành trình dài, nhiều thử thách nhưng là con đường tất yếu để đi tới sự phát triển bền vững cho ngành dệt may Việt Nam.

Giang Nhật Minh

Ảnh: Chí Hùng

Bạn có thể quan tâm