Phát biểu tại hội thảo Đột phá Kinh tế từ Du lịch tổ chức ngày 28/10 tại TP.HCM, giới chuyên gia và đại diện doanh nghiệp chỉ ra các điểm nghẽn ảnh hưởng sự phát triển của du lịch Việt Nam trong bối cảnh ngành công nghiệp không khói được xác định được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.
"Chúng ta đòi mũi nhọn nhưng thật sự có nhọn không? Muốn nhọn thì phải mài, nhưng mài thế nào?", Chủ tịch HĐQT kiêm CEO Công ty Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ đặt câu hỏi.
Không thể quảng bá hiệu quả với 2 triệu USD/năm
Theo ông Kỳ, một trong những bất cập của ngành du lịch là chi phí xúc tiến, quảng bá ít ỏi với con số 2 triệu USD mỗi năm. Thêm vào đó, cách quảng bá du lịch của Việt Nam còn thủ công, đi theo cách làm từ nhiều năm trước trong bối cảnh công nghệ số đang là xu hướng.
Một trở lực khác được ông Kỳ chỉ ra là nguồn nhân lực qua đào tạo của ngành du lịch đang thiếu nghiêm trọng khi lao động đào tạo trình độ đại học nhiều nhưng lại thiếu nhân lực được đào tạo nghề.
"Độ tinh thông của nguồn lao động đảm bảo chất lượng du lịch, chi tiêu của du khách. Khách có thể trả nhiều tiền hơn vì những người tiếp tân, phục vụ lành nghề", CEO Vietravel phân tích. Ông cho rằng trong bối cảnh các dự án bất động sản du lịch nở rộ, hoạt động đào tạo nhân lực không đáp ứng kịp.
Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ. |
Bên cạnh đó, tuy thừa nhận bất động sản du lịch được đầu tư tốt và phát triển khắp cả nước, ông Kỳ cho biết đây là một điều đáng mừng nhưng cũng đáng suy ngẫm khi nhiều nơi "thừa chỗ ngủ mà thiếu chỗ chơi".
Một ví dụ ông Kỳ đưa ra là du khách đến TP.HCM nếu muốn xem nhạc giao hưởng ban đêm không biết đi đâu. Theo ông, ngành du lịch đang rất thiếu hoạt động văn hóa về đêm.
Ngoài ra, chủ tịch Vietravel chỉ ra một vấn đề nghiêm trọng ngành du lịch phải đối mặt là các tour du lịch 0 đồng khi khách nước ngoài đến nhưng không thu được tiền. Ông Kỳ khẳng định phải chống hiện tượng này vì chúng làm mất nguồn thu và bào mòn nguồn lực du lịch.
"Bản thân ngành du lịch phải thay đổi tư duy. Chúng ta ngồi chờ vì nghĩ là mũi nhọn nhưng Chính phủ còn nhiều việc để quan tâm, đất nước còn nhiều ngành nghề cần Chính phủ hỗ trợ. Chúng ta phải tiếp cận, đề xuất, có ý kiến. Không làm như vậy không giải quyết được vấn đề", ông Kỳ kết luận.
Làm du lịch phải xứng đáng với tài nguyên
Tại hội thảo, tiến sĩ Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng các con số tổng kết của ngành du lịch đang tập trung vào lượng du khách là chính.
Tuy nhiên, tiến sĩ Thiên nêu quan điểm du lịch phải hướng đến sự khác biệt, đặc sắc, làm sao khách có thể đến ít nhưng vẫn chi tiêu nhiều, thời gian ở lại lâu hơn.
"Muốn như thế, dịch vụ phải tốt. Tài nguyên du lịch của Việt Nam là tài nguyên đẳng cấp cao như Hạ Long, Đà Nẵng, Phú Quốc và phải làm du lịch xứng đáng với điều đó", ông Thiên phát biểu.
TS Trần Đình Thiên phát biểu tại hội thảo. |
Ông Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng Tư vấn Du lịch, cũng cho rằng tài nguyên lớn là một trong 2 yếu tố bên cạnh khả năng của con người có thể giúp du lịch thành ngành kinh tế chiến lược của Việt Nam.
Tuy nhiên, ông Nam nhận định một trong những nút thắt với du lịch Việt Nam là cách ứng xử trong câu chuyện phát triển bền vững. Theo ông, các tiêu chí cụ thể quy định thế nào là phát triển bền vững mù mờ khiến những tranh luận giữa bảo tồn và phát triển với các dự án du lịch thường chỉ thiên về một thái cực.
"Cần bộ tiêu chí phát triển bền vững để áp vào từng dự án. Những gì đụng đến văn hóa, tài nguyên phải hết sức minh bạch. Bên cạnh bộ tiêu chí minh bạch, cơ chế phản biện rộng rãi sẽ tăng sự đồng thuận chứ nếu cứ co kéo sẽ cản trở du lịch Việt Nam", ông Nam nói.