“Ngân hàng vẫn giữ quan điểm ứng phó tùy diễn biến dịch Covid-19 nhưng không hạ chuẩn cho vay”, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông ngân hàng diễn ra sáng nay (26/6).
Theo vị này, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, ngân hàng đã đặt ra các mục tiêu tăng trưởng trong năm nay tập trung chuyển dịch cơ cấu hoạt động kinh doanh.
Trong đó, chủ trương là giảm dần tỷ lệ tăng trưởng tín dụng, chuyển dịch cơ cấu tín dụng theo hướng an toàn. Tăng tỷ trọng dư nợ bán lẻ với dự án chuyển đổi mô hình tín dụng bán lẻ (RTOM).
Với tín dụng bán lẻ, Vietcombank sẽ gia tăng tỷ trọng thu nhập phi tín dụng, trọng tâm là thu từ dịch vụ và đầu tư kinh doanh vốn.
Không đặt kế hoạch lợi nhuận năm 2020
Về chỉ tiêu huy động vốn, ông Nghiêm Xuân Thành cho biết, Vietcombank sẽ không đặt chỉ tiêu cứng mà điều hành nguồn vốn linh hoạt, trong đó tăng trưởng huy động vốn sẽ được cân đối với sử dụng vốn.
Ngân hàng đồng thời cũng cơ cấu lại danh mục nguồn vốn, trong đó gia tăng huy động vốn bán buôn, tiền gửi giá rẻ và gia tăng tỷ trọng tiền gửi không kỳ hạn.
Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank. Ảnh: SBV. |
Với chỉ tiêu tín dụng, vị chủ tịch ngân hàng cho biết, định hướng tăng trưởng sẽ gắn với kiểm soát chất lượng tín dụng và chuyển dịch cơ cấu.
Trong đó, Vietcombank ưu tiên tăng quy mô tín dụng bán lẻ và tín dụng thông qua phòng giao dịch, cơ cấu lại tín dụng bán buôn, tìm thêm khách hàng mới hiệu quả.
Vị lãnh đạo ngân hàng cũng cho biết sẽ đẩy mạnh hoạt động theo hướng ngân hàng đầu tư và kinh doanh vốn. Trong đó, gia tăng quy mô, tỷ trọng đầu tư trái phiếu các tổ chức tín dụng, nâng cao hiệu quả sinh lời hoạt động ngân hàng đầu tư, gia tăng tỷ trọng đóng góp trong tổng thu nhập hoạt động.
Năm nay, các cổ đông Vietcombank chấp nhận thông qua kế hoạch tổng tài sản tăng xấp xỉ 7%, đạt hơn 1,3 triệu tỷ đồng đến cuối năm. Chỉ tiêu huy động vốn tăng 8% (đạt hơn 1 triệu tỷ), dư nợ tín dụng tăng 10% (đạt 815.525 tỷ) và kiểm soát nợ xấu dưới 1,5%.
Theo ông Thành, vì là một trong những ngân hàng tham gia nhiều nhất vào việc hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Vietcombank không đặt kế hoạch lợi nhuận cụ thể cho năm nay.
Thay vào đó, lợi nhuận ngân hàng sẽ được thực hiện theo chủ trương phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước.
Trước đó, tại cuộc họp giữa tháng 4, Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết lợi nhuận tất cả ngân hàng có vốn Nhà nước năm nay phải giảm tối thiểu 40% để đóng góp vào việc giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp chịu ảnh hưởng vì dịch Covid-19.
Nửa năm lãi hơn 11.000 tỷ đồng
Tại đại hội sáng nay, ông Phạm Quang Dũng, Tổng giám đốc Vietcombank, cập nhật về tình hình hoạt động của ngân hàng trong nửa năm tài chính 2020.
Tính đến 25/6, huy động vốn trên thị trường 1 (doanh nghiệp và cư dân) cùng dư nợ tín dụng của Vietcombank đều tăng xấp xỉ 3,4% so với đầu năm. Như vậy, huy động vốn của nhà băng này tăng xấp xỉ toàn ngành, nhưng tín dụng tăng cao hơn (đến 16/6 tín dụng toàn ngành ngân hàng chỉ tăng 2,13%).
Vietcombank vẫn bỏ ngỏ kế hoạch lợi nhuận năm nay. |
“Mức tăng trưởng tín dụng 3,4% từ đầu năm đến nay là tương đối cao trong bối cảnh sức hấp thụ vốn của nền kinh tế thấp hơn nhiều so với cùng kỳ. Số tăng trưởng của Vietcombank năm nay cũng cao hơn so với các ngân hàng thương mại Nhà nước khác”, ông Dũng nhấn mạnh.
Về kết quả lợi nhuận, vị tổng giám đốc ngân hàng cho biết con số lợi nhuận ước tính đến hết tháng 6 năm nay cũng tương đương cùng kỳ năm 2019. Trong nửa đầu năm 2019 trước đó, nhà băng này ghi nhận 11.303 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.
“Ghi nhận tăng trưởng tín dụng cao hơn toàn ngành nhưng Vietcombank vẫn duy trì được nợ xấu vào khoảng 0,8% tổng dư nợ, tăng nhẹ so với mức 0,77% đầu năm nên không ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng tín dụng”, ông Dũng nói.
Tổng giám đốc ngân hàng này cho biết thêm, với danh mục tín dụng trải rộng ngân hàng này cũng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đến nay, theo tính toán của ngân hàng, tổng dư nợ có thể bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 vào khoảng 44.000 tỷ đồng. Trong đó, tổng dư nợ đã được cơ cấu lại là 14.000 tỷ và khoảng 10.000 tỷ đang được xem xét thể được cơ cấu lại.
Tuy vậy, theo ông Dũng, con số này so với mức dư nợ cho vay gần 750.000 tỷ và dự kiến tăng thêm 10% năm nay thì không quá nghiêm trọng với quy mô hoạt động của Vietcombank.